Không chỉ khiến thế giới thiếu thịt heo, dịch ASF còn có nguy cơ gây khan hiếm một dược phẩm quan trọng

Khi dịch tả heo châu Phi (ASF) quét sạch một phần tư đàn heo trên thế giới, mà chủ yếu là tại Trung Quốc, cộng đồng y khoa và các hãng dược trên toàn cầu đang cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt heparin - một loại dược phẩm quan trọng điều chế từ niêm mạc ruột heo.

050719P17pigsThinkstockPhotos-8565084921_Main

Heo là nguồn chế biến heparin quan trọng nhất hiện nay. (Ảnh: Getty Images)

Heparin là một chất làm loãng máu cực kì quan trọng trong ngành y. Loại thuốc này có nguồn gốc từ ruột heo và được sử dụng rộng rãi để điều trị các cơn đau tim và ngăn ngừa tình trạng đông máu gây chết người.

Theo Bloomberg, Trung Quốc là nguồn cung heparin chính, do vậy cuộc khủng hoảng thịt heo tại đất nước tỉ dân lại càng nêu bật lên nhu cầu phải phát triển nguồn cung thay thế.

Heparin là hóa chất gì?

Heparin là một phân tử tự nhiên, có gốc đường và được tiêm hoặc truyền vào cơ thể người để ngăn máu đông dẫn tới thiếu hụt khí oxi cho các cơ quan nội tạng.

Được phát hiện cách đây hơn một thập kỉ, hiện nay chỉ riêng nước Mỹ đã có khoảng 10 đến 12 triệu người được điều trị bằng heparin mỗi năm, trong khi doanh số toàn cầu của loại dược phẩm này hàng năm đã vượt ngưỡng 200 triệu tấn (tương đương 5 tỉ USD). Mặc dù vậy, giá một liều heparin thường khá rẻ.

Tầm quan trọng của heparin trong y học

Heparin thường được kê đơn cho bệnh nhân đau tim có động mạch bị tắc nghẽn, bệnh nhân đang trải qua phẫu thuật chỉnh hình và tim mạch quan trọng và bệnh nhân có ống thông tĩnh mạch trung tâm hoặc đang truyền máu.

Một số bệnh nhân tiếp nhận các biện pháp điều trị đặc biệt như lọc thận hoặc trợ tim và phổi cũng sử dụng heparin, tương tự với những bệnh nhân đã bất động trong một thời gian dài.

Heparin thường được sử dụng để phủ lên một số dụng cụ y tế như stent mạch vành (các khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành, nhằm mục đích mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó không hẹp lại).

Heparin là chất chống đông máu được ưu tiên dùng cho các bệnh nhân phải nhập viện vì nó có tác dụng khá nhanh, dễ dàng kiểm soát và có thuốc giải độc đặc hiệu là protamine sulfate.

Một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Hoàng gia ở Melbourne, Australia cho thấy có đến 15% bệnh nhân tiếp xúc với heparin theo một hình thức nào đó hàng ngày.

Chỉ Trung Quốc mới có thể đáp ứng nhu cầu heparin trên toàn thế giới

Các nhà nghiên cứu đang cảnh báo về một rủi ro sắp xảy ra trong tương lai, theo đó thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung heparin vì qui mô chưa từng có của dịch ASF.

Screenshot (258)

Nguồn: Bloomberg/Bộ Nông nghiệp Mỹ

Phần lớn dược phẩm được chế tạo từ heparin có nguồn gốc từ niêm mạc ruột của heo đã qua giết mổ. Khoảng 60 - 80% thành phần hoạt tính chính được các công ty ở Trung Quốc điều chế, sau đó các hãng dược trên toàn thế giới sẽ pha chế thành thuốc.

Trung Quốc, "quê hương" của khoảng 50% đàn heo trên toàn cầu, là quốc gia duy nhất có thể đáp ứng nhu cầu cho loại nguyên liệu thô này.

Tổ chức Y tế thế giới (WTO) khuyến cáo chính phủ các nước nên dự trữ heparin như một loại dược phẩm quan trọng.

Tình hình nguồn cung heparin hiện nay

Vào tháng 7, một ủy ban của Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Cục Quản lí Thực phẩm và Dược Phẩm (FDA) theo dõi nguồn cung heparin, đồng thời lưu ý rằng phải mất 6 - 9 tháng trước khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể ảnh hưởng đến thị trường Mỹ.

Vào tháng 10, FDA cho biết họ chưa nhận thấy tác động nào. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc dịch ASF bùng nổ khiến doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động giết mổ để đảm bảo nguồn thịt heo, do đó nguồn cung heparin mới dồi dào như vậy.

Tuy nhiên, khi số lượng heo giết mổ tại Trung Quốc giảm, khối lượng heparin cũng sẽ đi xuống theo.

Các hãng dược như Fresenius SE của Đức và Aspen Pharmacare Holdings của Nam Phi đã đề cập đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung heparin do giá cả tăng cao.

Đơn vị Kabi của Fresenius đã cảnh báo các khách hàng Mỹ vào tháng 7 rằng họ đã đưa heparin vào danh sách phân bổ đặc biệt do có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cũng nhấn mạnh vào tháng 8 về một đợt thiếu hụt heparin sắp sửa xảy ra. Trưởng nhóm cấp cứu của bệnh viện này cho hay mức dự trữ heparin tại khi đó đang rất thấp, đến mức trung tâm cấp cứu của viện tại Boston có lúc chỉ còn hai tuần nữa là phải tuyên bố ngừng phẫu thuật tim cấp cứu.

Có thể điều chế heparin từ bò

Heparin có thể được chiết xuất từ các động vật khác như phổi bò và ruột cừu. Sự bùng phát dịch bò điên ở châu Âu vào những năm 1990 khiến heo trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu ưa thích tại nhiều quốc gia.

FDA đã khuyến khích phát triển heparin có nguồn gốc từ bò thay cho heo, mặc dù loại heparin điều chế từ nguồn cung khác có thể phải qua kiểm tra nghiêm ngặt hơn để được cơ quan chức năng phê duyệt, khiến việc cung ứng heparin có thể có độ trễ.

Các chất làm loãng máu thay thế khác thường không an toàn, hiệu quả và rẻ như heparin nguồn gốc từ heo.

Dịch heo tai xanh cũng từng gây thiếu hụt heparin

Mặc dù dịch ASF hiện nay đang bùng phát ở qui mô khủng khiếp, khiến nhiều người lo ngại về chất lượng và nguồn cung heparin, tình trạng này trước đây đã từng xảy ra.

Lần gần nhất do FDA báo cáo có liên quan đến hãng dược Baxter International và Hospira (hiện thuộc gã khổng lồ ngành dược Pfizer) vào năm 2017, khi bão Maria làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở Puerto Rico.

Năm 2006 - 2007, dịch heo tai xanh bùng phát tại Trung Quốc đã làm giảm nguồn cung heparin và được cho là nguyên nhân thúc đẩy hành vi làm giả heparin ở nước này.

Các quan chức Mỹ và châu Âu đã xác định một hóa chất rẻ hơn, có nguồn gốc từ sụn cá mập, đã được thêm vào sản phẩm để bắt chước các đặc tính chống đông máu của heparin. Sản phẩm độc hại này đã len lỏi vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giết chết 149 người tại 11 quốc gia, trong đó có ít nhất 81 người tại Mỹ.

Năm 2008, Baxter buộc phải thu hồi sản phẩm heparin loại tiêm tại Mỹ nhưng phải đối mặt với hơn 1.000 đơn kiện. Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nhận trách nhiệm về vụ việc.

Vào tháng 10/ 2018, Cơ quan Dược phẩm Italia đã phát hiện một vi phạm nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất heparin khi kiểm tra một nhà máy heparin ở Tứ Xuyên, Trung Quốc và đề xuất cấm cơ sở này cung ứng heparin vào Liên minh châu Âu (EU).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-chi-khien-the-gioi-thieu-thit-heo-dich-asf-con-co-nguy-co-gay-khan-hiem-mot-duoc-pham-quan-trong-20191112171650201.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/