Phát biểu tại Hội nghị tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chiều ngày 3/8, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân cho biết: "Qua một năm, Thủ tướng và Chính phủ đã trực tiếp chủ trì hai hội nghị toàn quốc về bất động sản, cho thấy Chính phủ đánh giá rất đúng vai trò quan trọng của bất động sản đối với nền kinh tế.
Ngay sau hội nghị trước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33, ban hành nhiều chỉ thị và thành lập đoàn công tác của Chính phủ do trực tiếp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đi thị sát tại các địa phương.
Tôi rất ấn tượng về sự chỉ đạo quyết liệt, có thời hạn, giải quyết công việc cụ thể của Chính phủ, đặc biệt có những chính sách tháo gỡ như gói tín dụng 120.000 tỷ, Đề án 1 triệu nhà ở xã hội… và giải pháp rất kịp thời cho thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn", ông Cường cho hay.
Theo ông Cường, nếu nhìn vào các con số giao dịch bất động sản mà đánh giá kết quả thị trường thì không thoả đáng, bởi lẽ thị trường bất động sản có quan hệ mật thiết với nền kinh tế nhưng luôn lạc hậu hơn so với nền kinh tế.
"Khi kinh tế tăng trưởng thì thúc đẩy thị trường bất động sản, khi thị trường bất động sản tăng trưởng thì tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế còn đang trầm lắng thì không thể nói thị trường bất động sản sôi động. Nếu lúc này thị trường bất động sản sôi động, tăng trưởng nóng thì thị trường này đang có vấn đề", ông Cường nhận định.
Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, tại thời điểm tổ chức hội nghị toàn quốc về bất động sản hồitháng 2/2023, thị trường bất động sản đứng trước nguy cơ sụp đổ, rất nhiều doanh nghiệp có tên tuổi gặp khó khăn, nhiều dự án dở dang, nhiều doanh nghiệp trên bờ phá sản,…
Tuy nhiên cho đến thời điểm này, với những hành động của Chính phủ bằng những nghị quyết kịp thời, diện mạo của thị trường bất động sản hoàn toàn thay đổi. Chi tiết thể hiện rõ ràng nhất là chứng khoán - chỉ số đánh giá nhạy cảm nhất, nhiều mã bất động sản đứng đầu danh sách.
Song, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội rất thấp. Trong tương lai, nếu không có biện pháp tăng nguồn cung kịp thời thì sẽ có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Chính vì vậy, cần thúc đẩy tăng nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung ở thị trường đang có thanh khoản, đó là nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Để phát triển được phân khúc này, ông Cường cho rằng chính sách của gói 120.000 tỷ cần phải đáp ứng được về cả thời hạn cho vay, mức lãi suất, thậm chí có thể dùng thêm một phần hỗ trợ từ ngân sách cho lãi suất đối với lãi suất của phân khúc nhà ở xã hội. Đối với vấn đề tăng nguồn cung cho thị trường, phải giải quyết vấn đề vướng mắc của những dự án đầu tư, đặc biệt là dự án bất động sản.
"Vừa qua, chúng ta có đề cập nhiều vấn đề định giá, phải có phương pháp để xác định được giá cao hơn thì lựa chọn. Cần thay đổi quan niệm, đây không phải là hoán đất mà vấn đề là chọn và giao cho nhà đầu tư nào để phát triển dự án tốt nhất, khi phát triển dự án tốt rồi thì giá trị bất động sản tăng lên. Vì vậy, không nên quá quan tâm giá đầu vào mà bỏ qua giá đầu ra và thu thuế.
Chính phủ cần vận hành một nghị quyết về quy trình xử lý vướng mắc trong khung luật pháp, bằng cách được phép lựa chọn và áp dụng linh hoạt các quy định đúng luật làm sao phù hợp nhất, áp dụng đúng thực tế nhu cầu cao nhất trên nguyên tắc công khai, minh bạch, không có vụ lợi,… như vậy sẽ không còn tình trạng cán bộ ngồi chờ mà phát huy được tính năng động, sáng tạo của cán bộ", ông Cường nói.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khi-nen-kinh-te-con-dang-tram-lang-thi-khong-the-noi-thi-truong-bat-dong-san-soi-dong-202385191919116.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/