Hụt hơi trong cuộc đua với Samsung, cuộc đại tu và trẻ hóa dàn lãnh đạo liệu có giúp LG tìm lại thời kì vàng son?

Thông qua quyết định ngừng sản xuất tấm màn hình tivi và điện thoại thông minh trên chính quê hương Hàn Quốc, LG đang tái cơ cấu lại các mảng kinh doanh, nhắm mục tiêu quay trở lại là một trong các tập đoàn điện tử hàng đầu xứ kim chi.

Ngừng sản xuất tấm màn hình LCD ở Hàn Quốc

Tại hội chợ thiết bị điện tử CES ở Las Vegas hồi tháng trước, CEO LG Display Jeong Ho-young tuyên bố rằng công ty sẽ ngừng sản xuất tấm màn hình tivi tinh thể lỏng (LCD) tại Hàn Quốc vào cuối năm nay.

Theo ông Jeong, nhà máy LG Display chi nhánh Quảng Châu, Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm sản xuất sản phẩm này.

Thông tin trên khiến nhiều người quan tâm đến LG Display ngạc nhiên, tuy nhiên kế hoạch đã được định đoạt xong. Năm ngoái, LG Display lỗ ròng khoảng 2,87 nghìn tỉ won (tương đương 2,4 tỉ USD), đây không phải lần đầu tiên nhà sản xuất này lỗ trong 8 năm qua, thậm chí đây còn là mức lỗ kỉ lục.

Nikkei: LG đại tu để tìm lại thời kì vàng son - Ảnh 1.

CEO LG Display Jeong Ho-young tuyên bố rằng công ty sẽ ngừng sản xuất tấm màn hình tivi tinh thể lỏng ở Hàn Quốc vào cuối năm nay. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Theo Nikkei Asian Review, sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của LG Display. Đòn đau cuối cùng mà công ty con của LG phải gánh chịu xuất phát từ việc số đơn hàng bảng diode phát sáng hữu cơ cung ứng cho Apple sụt giảm nghiêm trọng.

"Chúng tôi đang tối ưu hóa năng lực sản xuất để đối phó với những thay đổi trên thị trường màn hình LCD", CFO Seo Dong-hee của LG Display cho hay hôm 31/1.

Chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sang Việt Nam

Tương tự, đơn vị sản xuất điện thoại thông minh của LG từng chiếm thị phần lớn thứ 4 toàn cầu, nhưng hiện nay đã rơi xuống vị trí thứ 9. Mảng này đã chịu khoản lỗ vận hành khoảng 1.000 tỉ won vào năm 2019, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp thua lỗ.

Do đó, LG Electronics - công ty con giám sát mảng điện thoại thông minh của LG, vào năm ngoái đã quyết định đóng cửa nhà máy sản ở Hàn Quốc và chuyển dây chuyền sang Việt Nam. CEO Brian Kwon cho hay chiến lược tăng trưởng của LG Electronics sẽ ưu tiên yếu tố doanh thu.

Theo Nikkei, dây chuyền sản xuất của LG Electronics gần đây đã được vận chuyển đến thành phố Hải Phòng, nơi lương công nhân thấp hơn so với ở Hàn Quốc.

LG Electronics cũng đang điều hành nhà máy lắp ráp điện thoại di động ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Ông Kwon cho biết mục tiêu của công ty này là có lợi nhuận vào năm tới.

Do đâu mà niềm tự hào một thời của LG sụp đổ?

Hai mảng sản xuất màn hình LCD và điện thoại thông minh, vốn là niềm tự hào một thời của LG, đang lâm vào thế khó do sai lầm trong hướng đầu tư và nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng.

LG đã đổ rất nhiều vốn vào việc sản xuất tấm màn hình OLED, tuy nhiên khách hàng vẫn gắn bó với tivi màn hình LCD.

Doanh số tivi màn hình OLED không tăng như kì vọng. Chỉ 3,3 triệu chiếc tivi loại này được bán ra vào năm ngoái, tương đương 1,1% trong tổng số 287 triệu chiếc tivi mà LG phân phối toàn cầu.

LG từng dẫn đầu trong nhóm các nhà sản xuất điện thoại thông minh vì có thể cân bằng chất lượng và giá tiền, tuy nhiên ưu thế đó đã bị những thương hiệu Trung Quốc như Oppo và Xiaomi giành mất.

Nikkei: LG đại tu để tìm lại thời kì vàng son - Ảnh 2.

Ảnh: Nikkei Asian Review.

Doanh số bán điện thoại thông minh đột ngột chững lại đã khiến LG rơi vào vòng luẩn quẩn, không thể rót thêm tiền để đầu tư phát triển.

Nhiều người nhận định văn hóa doanh nghiệp cả nể của LG đã khiến hai mảng sản xuất tấm màn hình và điện thoại thông minh suy yếu. Từ "inhwa", hay "hòa hợp" trong tiếng Việt, là nguyên tắc chỉ đạo của LG, tức cạnh tranh trong nội bộ là điều cấm kị.

Các nhà phê bình cho rằng triết lí này cản trở sự phát triển của những tài năng vượt trội. Ngược lại, "người đồng hương" Samsung của LG lại tập trung vào phát triển các nhà lãnh đạo cứng cựa song song với đổi mới công nghệ.

Một thiên tài có thể nuôi sống hàng triệu người khác

Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee từng nói.

Chiếc phao cứu sinh của LG

Trong một nỗ lực nhằm vực dậy toàn tập đoàn, cố Chủ tịch Koo Bon-moo từng cho biết LG sẽ đào tạo 100 ứng viên cho vị trí CEO. Một tác hại của nguyên tắc "inhwa" chính là gây chậm trễ trong việc đưa ra quyết định đầu tư cũng như ưu tiên vận hành.

Đa dạng hóa là chiếc "phao cứu sinh" mà LG có thể vớ lấy để bù đắp cho mảng kinh doanh thiết bị điện tử đang gặp khó khăn của họ.

LG Household & Health Care, đơn vị điều hành hoạt động kinh doanh mĩ phẩm của tập đoàn, ghi nhận mức tăng trưởng hai con số về cả lợi nhuận hoạt động và doanh số bán hàng.

Ở mức 15%, biên lợi nhuận hoạt động của LG Household dẫn đầu tất cả mảng kinh doanh cốt lõi khác của LG vào năm ngoái. Vốn hóa 23 nghìn tỉ won của đơn vị này cao gấp hai lần so với của LG Electronics.

Ở quê nhà Hàn Quốc, LG Household ghi nhận mức doanh thu ổn định nhờ thị phần nội địa lớn. Đồng thời, nhờ tích cực mua lại nhiều thương hiệu, LG Household cũng mở rộng nhanh chóng ở thị trường nước ngoài.

Nikkei: LG đại tu để tìm lại thời kì vàng son - Ảnh 4.

Trọng trách vực dậy LG đang đặt trên vai Chủ tịch Koo Kwang-mo. (Ảnh: Hankyoreh.)

Năm 2018, khi Chủ tịch LG Koo Kwang-mo tiếp quản trọng trách từ cha nuôi ở tuổi 40, một trong những điều đầu tiên mà ông làm chính là khuyên các giám đốc phải chấp nhận thử thách thay vì chỉ tập trung lập kế hoạch.

Trong năm vừa qua, LG đã bổ nhiệm nhiều gương mặt trẻ tuổi vào các vị trí cấp cao trong những công ty con quan trọng của tập đoàn.

Giá trị thị trường của LG đã giảm hơn một nửa kể từ mức cao nhất từng được ghi nhận trong năm 2008. Trong khoảng thời gian đó, giá trị thị trường của Samsung lại tăng gấp ba lần.

Nikkei nhận định giới quan sát sẽ phải chờ đợi để biết liệu đội ngũ lãnh đạo trẻ tuổi của LG có thể giúp ông lớn công nghệ một thời của Hàn Quốc tìm lại thời kì vàng son hay không.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hut-hoi-trong-cuoc-dua-voi-samsung-cuoc-dai-tu-va-tre-hoa-dan-lanh-dao-lieu-co-giup-lg-tim-lai-thoi-ki-vang-son-20200219230248424.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/