Hoạt động cho thuê đất KCN giúp nhiều doanh nghiệp lãi lớn

Bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc bất động sản có nhiều lợi thế trong thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp như IDICO, Becamex, Viglacera,… cũng thu lớn từ mảng này.

(Đồ họa: H.L).

Thống kê từ 9 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp (KCN) niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2022, đa số đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.

Trong đó, nhiều ông lớn báo lãi tăng bằng lần nhờ doanh thu mảng bất động sản KCN. Đơn cử, quý III, Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 128% và LNST 610 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, IDICO đạt 7.034 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2 lần và LNST 2.365 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ năm 2021. Đóng góp chính cho kết quả này là doanh thu từ dịch vụ KCN với 4.084 tỷ đồng, gấp 7,5 lần so với con số 541 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - Mã: BCM) báo lãi quý III đạt 259 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái (hơn 50 tỷ). Kết quả này có được chủ yếu là do doanh thu kinh doanh bất động sản và bất động sản đầu tư tăng gấp 3 so với cùng kỳ, đạt 1.843 tỷ đồng.

Trong 9 tháng, doanh thu thuần và LNST của Becamex IDC lần lượt đạt 5.628 tỷ và 1.665 tỷ, tăng 46% và 60% so với cùng kỳ 2021.

Lợi nhuận của ông lớn Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) quý này đạt xấp xỉ 265 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, mức tăng trưởng lợi nhuận này đến từ bất động sản khu công nghiệp. Đồng thời, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng cải thiện nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.

9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 11.313 tỷ doanh thu thuần và 1.710 tỷ LNST, tăng lần lượt 51% và 104% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu mảng dịch vụ cho thuê bất động sản và hạ tầng KCN đạt 2.759 tỷ, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Do phát sinh từ cho thuê lại đất KCN gần 119 tỷ đồng, LNST quý III của CTCP Long Hậu (Mã: LHG) đạt hơn hơn 82 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của công ty đạt 526 tỷ đồng, LNST đạt 172 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 36% so với cùng kỳ.

Quán quân lợi nhuận quý này thuộc về Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) với khoản lãi kỷ lục lên tới 1.936 tỷ đồng, trong khi quý III năm ngoái lỗ hơn 59 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đóng góp chính cho kết quả này không phải là mảng bất động sản KCN mà là nhờ khoản lợi nhuận từ công ty liên kết gần 2.000 tỷ đồng (được chuyển từ quý II sang sau khi soát xét). Nếu không có khoản thu nhập bất thường này, Kinh Bắc ghi nhận lỗ hơn 30 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng, Kinh Bắc đạt 1.289 tỷ doanh thu thuần, giảm 58% so với cùng kỳ 2.137 tỷ LNST, tăng 192% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, mặc dù chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng doanh thu từ cho thuê đất và cơ sở hạ tầng KCN của doanh nghiệp này chỉ ghi nhận gần 662 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.

(Nguồn: BCTC hợp nhất doanh nghiệp). 

Trong khi đó, hai doanh nghiệp báo lợi nhuận sụt giảm quý này là Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, UPCoM: SNZ) và Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA). Cụ thể, Sonadezi đạt 261 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Còn Tân Tạo đạt 24 tỷ đồng, giảm 76% so với quý III/2021.

Doanh thu từ cho thuê đất KCN trong quý III của Sonadezi ghi nhận 354 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Trong khi đó, Tân Tạo sụt giảm mạnh chỉ còn 15 tỷ đồng (9 tháng đầu năm sụt giảm một nửa còn 261 tỷ).

Còn với CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (Mã: TIP) và CTCP Thống Nhất (Mã: BAX), do không còn nhiều diện tích đất cho thuê nên doanh thu và lợi nhuận duy trì ở mức khá thấp so với các doanh nghiệp lớn cùng ngành.

(Nguồn: BCTC hợp nhất doanh nghiệp). 

Triển vọng tích cực

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ có triển vọng tích cực trong quý cuối năm, bên cạnh việc hưởng lợi nhờ đẩy mạnh đầu tư công, việc đứt gãy nguồn cung do xung đột và thiên tai cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Ngoài ra, dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi nhờ việc mở cửa lại hoàn toàn và nối lại các chuyến bay quốc tế.

Nhóm phân tích đánh giá, Kinh Bắc (KBC), Cao su Phước Hòa (PHR), Nam Tân Uyên (NTC), IDICO (IDC) là những doanh nghiệp trong ngành được hưởng lợi nhờ quỹ đất thương phẩm lớn hay có KCN nằm tại các tỉnh trọng điểm là vệ tinh sản xuất quanh Hà Nội và TP HCM.

Về triển vọng trung vài dài hạn, KBSV cho rằng, ngành bất động sản KCN Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ các hợp đồng thương mại tự do (FTAs) được ký kết cũng như Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho các công ty muốn rời khỏi Trung Quốc nhờ chi phí nhân công, giá cho thuê đất và chi phí đầu tư thấp hơn so với khu vực.

Đồng thời, đầu tư công được đẩy mạnh với nhiều dự án hạ tầng tăng kết nối giữa các vùng, kết nối Việt Nam với quốc tế, cũng là yếu tố thu hút FDI trong tương lai. KBSV

Theo dự phóng trước đó của SSI Research, lợi nhuận trong nửa cuối năm 2022 của một số doanh nghiệp trong ngành này sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể, LNST của Becamex IDC dự kiến tăng 239% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ chuyển nhượng 18,9 ha đất thương mại tại Thành phố mới Bình Dương cho CapitaLand.

LNST của Tổng công ty IDICO - CTCP (Mã: IDC) trong nửa cuối năm nay được dự phóng tăng 266% so với cùng kỳ nhờ thay đổi phương pháp hạch toán từ ghi nhận đều sang ghi nhận một lần tại KCN Phú Mỹ mở rộng và cho thuê mới tại KCN Hựu Thạnh.

Với Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC), công ty chứng khoán này dự báo, nếu thương vụ mua bán 30 ha tại Khu đô thị Tràng Cát thành công, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Sau giai đoạn tăng mạnh, SSI Research dự phóng lợi nhuận ròng của các công ty phát triển KCN niêm yết sẽ chậm lại trong năm 2023 nhưng vẫn tăng trưởng khoảng 18% so với cùng kỳ nhờ tổng diện tích đất cho thuê và giá thuê đất tiếp tục tăng trưởng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hoat-dong-cho-thue-dat-khu-cong-nghiep-giup-nhieu-doanh-nghiep-lai-lon-2022103123524389.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/