Gói trừng phạt mới của Mỹ chỉ 'mang tính hình thức' vì không động đến dầu mỏ, khí đốt từ Nga

Trong gói trừng phạt mới nhất, Mỹ đã nhắm đến hàng trăm nhân vật quan trọng của Nga. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nghị sĩ cảnh báo rằng những hạn chế này không có nhiều tác động tới doanh thu từ dầu mỏ của Moscow.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/5/2022. (Ảnh: Reuters).

Theo Bloomberg, vào hôm 30/9, Mỹ đã trừng phạt hàng trăm quan chức, nhà lập pháp, thành viên gia đình và doanh nghiệp Nga. Nhưng các biện pháp này lại không có nhiều ảnh hưởng tới nguồn thu từ năng lượng của Moscow.

Lệnh trừng phạt gần đây của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhắm đến Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina và Phó Thủ tướng Alexander Novak, nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng của Moscow.

Tuy vậy, các đợt trừng phạt cho đến nay vẫn không ảnh hưởng lớn tới chiến trường Ukraine hay làm giảm quyết tâm theo đuổi xung đột của Moscow.

Nga đang là quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới.

Quyết định sáp nhập lãnh thổ Ukraine và lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin buộc Mỹ phải có phản ứng đáp trả. Chính quyền Tổng thống Biden cần gửi một thông điệp tới các quốc gia có thể ủng hộ Moscow rằng các nước này có thể sẽ vi phạm chính sách trừng phạt của Mỹ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố: “Tôi muốn đưa ra một cảnh báo rõ ràng cho những ai nghĩ đến việc hỗ trợ chính trị và kinh tế cho các vùng lãnh thổ bị sáp nhập, hoặc những nỗ lực của Nga để biện minh và bảo vệ việc sáp nhập: Bạn có thể phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ do các hành động này”.

Nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu những tuyên bố về các biện pháp trừng phạt thứ cấp này có đủ sức răn đe hay không. Ông Daniel Tannebaum, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Để tiếp tục cô lập Nga, Mỹ cần nghiêm túc xem xét các lệnh trừng phạt thứ cấp chứ không chỉ đe dọa”.

“Các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa kinh doanh với mục tiêu bị trừng phạt hoặc những bên áp đặt trừng phạt. Trong trường hợp của Nga, Mỹ có thể loại trừ những lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, y tế nhưng cấm những hoạt động thương mại bổ sung”, ông nói.

Các cơ quan của Mỹ đã đưa ra một danh sách dài các mục tiêu trừng phạt sau khi Tổng thống Putin công bố kế hoạch sáp nhập những vùng lãnh thổ của Ukraine. Tổng thống Biden vừa tuyên bố rằng Mỹ sẽ “không bao giờ công nhận những yêu sách của Nga về chủ quyền lãnh thổ của Ukraine”.

Không động đến khí đốt, dầu mỏ

Vào hôm 30/9, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết các động thái trừng phạt mới của Mỹ nhằm “tiếp tục làm suy yếu tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga” và Washington nhắm đến “cấu trúc tài chính” của Moscow với mục tiêu hạn chế khả năng hồi phục kinh tế.

Nhưng Bộ Tài chính vẫn tiếp tục cho phép các nước ngoài Mỹ mua khí đốt và dầu của Nga. Nhiều người cho rằng động thái miễn trừ cho nhiên liệu Nga của Washington là một điểm yếu của các lệnh trừng phạt.

Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Bill Cassidy cho biết: “Đang có một nghịch lý trong các lệnh trừng phạt. Khi giá dầu thế giới tăng lên, Nga đã nhận thêm doanh thu từ việc bán khí đốt và dầu”.

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Elizabeth Rosenberg nói rằng việc khiến Nga trả giá về tài chính trong khi giảm thiểu tác động của những hành động này đòi hỏi “việc lên kế hoạch, hợp tác, phân tích kinh tế, ngoại giao một cách xuất sắc và các quyết sách sáng tạo”.

 

Bà chỉ ra rằng thị trường chứng khoán Nga đã giảm 35% kể từ đầu cuộc xung đột và nền kinh tế nước này được dự báo sẽ thu hẹp trong hai năm tới. Bà cũng nhắc đến việc Nga phải tìm tới Iran và Triều Tiên để mua vũ khí do các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ và đồng minh.

Bộ Tài chính Mỹ đang cùng làm việc với các đồng minh châu Âu để áp đặt giá trần cho dầu Nga. Đề xuất trên sẽ để dầu của Nga tiếp tục chảy tới các nước đang phát triển, với điều kiện các công ty bảo hiểm và tài chính hỗ trợ hoạt động vận chuyển chứng thực được rằng giá bán thấp hơn giá trần.

Bộ Tài chính Mỹ đã dự tính rằng giá trần sẽ “cao hơn nhiều” so với chi phí sản xuất của Moscow.

Biện pháp mang tính biểu tượng

Khi các lệnh trừng phạt mới nhất được công bố, sự chú ý ngay lập tức đổ dồn về Thống đốc Nabiullina. Bà là Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga từ năm 2013 và tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 3 vừa qua.

Trước đó, bà Nabiullina đóng vai trò cố vấn kinh tế cho Tổng thống Putin. Thống đốc Nabiullina chính là người đã kiểm soát được suy thoái do các lệnh trừng phạt và nhanh chóng chuyển nền kinh tế sang trạng thái thời chiến khi đồng ruble sụt giảm 30%.

“Tôi không nghĩ rằng trừng phạt Thống đốc Nabiullina sẽ mang lại kết quả khác biệt. Tôi cho rằng động thái này chỉ mang tính biểu tượng”, bà Rachel Ziemba, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm cho An ninh Mỹ Mới.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nga Elvira Nabiullina. (Ảnh: Bloomberg).

“Câu hỏi lớn là về giá trần và những ảnh hưởng tới thị trường năng lượng. Nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, tôi không nghĩ danh sách trừng phạt dài hiện tại sẽ là bước ngoặt trong cuộc chơi”, bà cho biết.

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen của Đảng Dân chủ và Pat Toomey của Đảng Cộng hòa đã đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp với các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc khi mua dầu Nga với giá cao hơn giá trần.

Bộ Tài chính Mỹ đã tránh sử dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp để áp đặt giá trần vì lo ngại các đồng minh quan trọng như Ấn Độ sẽ rời xa phương Tây.

Ngoài lĩnh vực năng lượng, còn có câu hỏi về ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công dân Nga nổi tiếng. 

Nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska đã né lệnh trừng phạt để đưa bạn gái tới Mỹ vào năm 2020 nhằm đảm bảo rằng đứa con của họ được sinh ra trên đất Mỹ. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, nỗ lực tương tự đã bị nhà chức trách ngăn chặn vào đầu năm nay.

Hai nhà nghiên cứu Tannebaum và Ziemba cho biết động thái hiệu quả nhất của Mỹ là hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu sang Nga, bao gồm công nghệ quan trọng. Lệnh trừng phạt đã ngăn cản các nước thứ ba bán những mặt hàng trên cho Nga do lo sợ trừng phạt thứ cấp.

Tính hiệu quả của gói trừng phạt mới nằm ở các mục bổ sung trong Danh sách Pháp nhân của Bộ Thương mại Mỹ, ông Tannebaum cho hay. "Nga sẽ gặp khó khăn hơn trong việc nhập khẩu hàng hóa cần thiết để duy trì cuộc xung đột Ukraine".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/goi-trung-phat-moi-cua-my-chi-mang-tinh-hinh-thuc-vi-khong-dong-den-dau-mo-khi-dot-tu-nga-2022105113449746.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/