Góc nhìn chuyên gia: Thay CEO toàn cầu liệu VinFast có đang chuyển hướng chiến lược?

Khác với ông Michael Lohscheller - một chuyên gia về thị trường ô tô, bà Lê Thị Thu Thuỷ lại là người có kinh nghiệm nhiều hơn trong lĩnh vực tài chính.

Góc nhìn chuyên gia: Thay CEO toàn cầu liệu VinFast có đang chuyển hướng chiến lược? - Ảnh 1.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup. (Đồ hoạ: Diễn đàn doanh nghiệp).

Mới đây Vingroup công bố thông tin ông Michael Lohscheller - người giữ vị trí CEO VinFast toàn cầu từ tháng 7/2021 sẽ nghỉ việc về châu Âu vì lý do cá nhân. Thay ông là bà Lê Thị Thu Thuỷ, hiện đang là Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. 

Bà Thuỷ sẽ làm việc tại Việt Nam, trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh tại các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Theo thông cáo từ phía Vingroup, nhiệm vụ của bà Thuỷ là tiếp tục đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. 

Toàn cầu cũng là chiến lược mà VinFast đã xác lập kể từ khi bước chân vào cuộc chơi xe điện. Trong đợt ra mắt hai mẫu xe điện VF e35 và VF e36 tại Mỹ, tầm nhìn toàn cầu liên tục được lãnh đạo VinFast nhắc tới trong những lần trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hoà, CEO Công ty Tinh hoa quản trị (IME Việt Nam), việc thay "tướng" của VinFast lần này đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược của hãng xe Việt trong thời gian tới. Bởi theo ông Hoà, đối với những tập đoàn lớn, mỗi sự thay đổi về nhân sự cấp cao thường là sự đánh dấu của một giai đoạn chiến lược mới.

Vị CEO IME Việt Nam nhận định việc thay một chuyên gia về ô tô (ông Michael Lohscheller) bằng một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính (bà Lê Thị Thu Thuỷ), nếu việc bổ nhiệm này nằm trong kế hoạch thì trọng tâm sắp tới của VinFast toàn cầu sẽ là tài chính.

Ông Michael Lohscheller được biết đến là người có rất nhiều kinh nghiệm trên thị trường ô tô thế giới. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành ô tô tại Mitsubishi châu Âu vào năm 2001. Đến năm 2004, ông gia nhập tập đoàn Volkswagen, nơi ông đã làm việc với vai trò là giám đốc tài chính cho VW Group ở Mỹ.

Năm 2012, ông Lohscheller tìm kiếm thử thách mới với vai trò Giám đốc tài chính tại Opel. Sau đó, năm 2017, ông được bổ nhiệm làm CEO của công ty, chỉ một thời gian ngắn sau khi tập đoàn PSA mua lại Opel từ tập đoàn General Motors. Năm 2018, sau một năm dưới bàn tay Lohscheller, Opel đã có lãi.

Trong khi theo hồ sơ giới thiệu, bà Thuỷ lại là người có thâm niên trong lĩnh vực tài chính khi có bằng Cử nhân Kinh tế của Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội, bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của Trường Đại học Quốc tế Nhật Bản và Chứng chỉ Chuyên gia Phân tích Đầu tư Tài chính (CFA).

Bà Thuỷ từng làm việc tại chương trình tín dụng của Ủy ban châu Âu tại Việt Nam trong giai đoạn 1996 - 1998. Từ 2000 đến 2008, bà giữ chức Phó Giám đốc ngân hàng đầu tư của Lehman Brothers tại thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Singapore.

Theo vị chuyên gia này, thực tế những diễn biến gần đây cho thấy việc dồn trọng tâm sang tài chính của VinFast toàn cầu là có cơ sở. Hãng xe Việt đã giới thiệu hai mẫu xe điện tại Mỹ, mở công ty con ở Singapore và chuyển quyền toàn bộ sở hữu VinFast sang công ty này với lý do đưa ra là để thuận tiện cho việc phát triển thị trường quốc tế cũng như là huy động vốn quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, trong tháng 11, Vingroup đã đứng ra bảo lãnh thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu cho dự án sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng. Cuối tháng 11, ba nguồn tin của Reuters cho biết Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư về việc huy động khoảng 1 tỷ USD vốn chủ sở hữu cho VinFast. Các đối tác tiềm năng bao gồm quỹ đầu tư quốc gia Qatar và BlackRock.

Đầu tháng 12, Hội đồng quản trị Vingroup tiếp tục nghị quyết thông qua việc tập đoàn bảo lãnh và dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho các nghĩa vụ của VinFast liên quan tới khoản vay có hạn mức tối đa là 200 triệu USD. Cũng theo nguồn tin của Reuters, VinFast có thể sẽ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ sớm nhất là trong năm 2022.

Như vậy, có thể thấy Vingroup đang tìm nhiều cách để huy động vốn cho VinFast, giúp hãng xe này có đủ lực để "chơi" trên cuộc đua xe điện toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh tờ CNN mới đây đưa tin cuộc cạnh tranh trên thị trường xe điện Mỹ ngày một gay gắt khi các ông lớn sản xuất truyền thống cũng bắt đầu nhập cuộc.

Các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Volkswagen, Toyota, Ford và GM đều có kế hoạch đổ tiền vào xe điện trong thời gian tới. Điều này đã tác động tiêu cực đến các startup xe điện đang kinh doanh tại Mỹ như Tesla, Rivian hay Lucid. 

Do đó, một hãng xe mới "chân ướt chân ráo" bước chân vào thị trường Mỹ như VinFast, ngoài công nghệ thì vốn cũng là một yếu tố then chốt giúp công ty có thể tồn tại trong cuộc đua dài hơi này.

Về chuyên gia Đỗ Hoà

Ông là Founder của IME Vietnam, là một chiến lược gia đã từng giữ chức vụ CEO tại nhiều công ty trong và ngoài nước như Tập đoàn OKURA (Nhật Bản), Công ty Sundance Hong Kong, CTCP Cà phê Trung Nguyên,...

Ông Đỗ Hòa được trang CEO Talks đánh giá là một người có trải nghiệm công việc đa dạng cả về quy mô (tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, công ty nước ngoài, công ty gia đình trong, ngoài nước), về thị trường (thị trường quốc tế, thị trường trong nước) và về ngành hàng (hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp, và dịch vụ).

Năm 2012 Đỗ Hòa được Harvard Business Review mời tham gia thành viên Hội Đồng Cố Vấn của Harvard Business Review (Harvard Business Review's Advisory Council).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/goc-nhin-chuyen-gia-thay-ceo-toan-cau-lieu-vinfast-co-dang-chuyen-huong-chien-luoc-20211229102628272.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/