Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đang nắm thế thượng phong sau cuộc gặp Trump - Tập tại G20

Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tuần qua là "tốt hơn rất nhiều so với dự kiến", tuy nhiên một số chuyên gia nhận định Bắc Kinh mới là phía chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại.

1

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. (Ảnh: Reuters)

Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhất trí hoãn áp thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau để nối lại đàm phán.

Ngoài ra, ông Trump còn đồng ý cho phép Huawei mua một số sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc đồng thuận mua một lượng lớn nông sản Mỹ.

Trước đó, Washington đã tuyên một lệnh hạn cấm, trong đó hạn chế Huawei hợp tác với doanh nghiệp Mỹ do lo ngại an ninh quốc gia. 

Một số quan sát viên xem lập trường có phần mềm mỏng hơn đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc của ông Trump là một sự nhượng bộ lớn mà Chính phủ Mỹ dành cho Trung Quốc.

"Cho đến nay, có vẻ như Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong từ hội nghị G20", ông Francesco Filia, CEO kiêm CIO của công ty quản lí tài sản Fasanara Capital, nhận định.

"Chưa rõ hai bên đã từ bỏ những gì để đến được đây", ông nói, đồng thời lưu ý về sự thiếu vắng thông tin chi tiết xoay quanh các nội dung hai nhà lãnh đạo đã nhất trí.

Theo CNBC, ông Filia không phải là người duy nhất bày tỏ sự hoài nghi về tiến triển mới nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Việc ông Trump nhượng bộ trước một số đe dọa dành cho Trung Quốc là "một trong những kết quả đáng quan tâm nhất tại G20", bà Danielle DiMartino Booth, CEO của công ty nghiên cứu Quill Intelligence, cho hay.

"Dường như ông Trump đã nhường nhịn Trung Quốc khá nhiều", CNBC dẫn lời bà Booth.

Trở về từ cuộc gặp, Chính phủ Trung Quốc và Mỹ đều đưa thông tin về tuyên bố của ông Trump đối với Huawei một cách thận trọng.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gặp Trump - Tập không đề cập đến Huawei, trong khi cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng Tổng thống Trump không có ý định trao "ân xá chung" cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Ông Kudlow cho biết Huawei vẫn nằm trong danh sách đen. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Bộ Thương mại Mỹ sẽ cấp thêm giấy phép nhằm cho phép doanh nghiệp Mỹ hợp tác với Huawei, miễn là các giao dịch không đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Theo ông Eric Robersten (người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu và nghiên cứu ngoại hối tại Standard Chartered Bank), sự thiếu rõ ràng xung quanh bình luận của Tổng thống Trump về Huawei là lí do tại sao phản ứng của thị trường sau cuộc họp Trump - Tập không thực sự mạnh mẽ.

Mặc dù các rủi ro tiêu cực từ cuộc chiến thương mại đã biến mất, cuộc gặp trên không tạo ra nhiều kết quả có ý nghĩa hoặc hữu hình.

Tuy nhiên, bà Suresh Tantia (chiến lược gia đầu tư cao cấp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse) lại nhận định rằng tuyên bố của ông Trump về Huawei cho thấy mọi thứ đều có thể đàm phán. Đây là một tiến triển tích cực cho các nhà đầu tư.

"Bất cứ khi nào nhìn vào một cuộc xung đột, bước đầu tiên cho một giải pháp luôn là hòa hoãn và đó là những gì chúng ta đang có", bà Tantia chia sẻ với CNBC.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gioi-chuyen-gia-nhan-dinh-trung-quoc-dang-nam-the-thuong-phong-sau-cuoc-gap-trump-tap-tai-g20-20190703152212598.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/