Giao tranh Ukraine ngày một khốc liệt, châu Âu đẩy mạnh mua vũ khí Mỹ

Phía Ukraine và NATO đều tuyên bố rằng Nga đã bắt đầu chiến dịch tấn công mới. Trong khi đó, các nước châu Âu đang đẩy mạnh mua sắm những loại vũ khí của Mỹ như đạn pháo, tên lửa vác vai, ....

Khi cột mốc một năm xung đột Ukraine đến càng gần, chiến trường Đông Âu này đang ngày một nóng lên. Tờ Independent dẫn lời cảnh báo của Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg: "Sự thật là chúng ta đã chứng kiến sự khởi đầu [của một cuộc tấn công của Nga]".

Cùng quan điểm với ông Stoltenberg, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định trong cuộc phỏng vấn với BBC rằng "cuộc tiến công của Nga đã bắt đầu theo nhiều hướng".

Theo AP, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vượt qua phòng tuyến của Ukraine tại miền đông tỉnh Luhansk, đẩy lùi phía quân đội Kiev về sâu thêm khoảng ba km. Thành phố Bakhmut hiện vẫn là khu vực giằng co quyết liệt nhất giữa hai bên.

Ông Yevgeny Prigozhin, nhà sáng lập của công ty quân sự Wagner (Nga), cho biết thành phố này có thể bị Nga bao vây vào "tháng 3 hoặc tháng 4".

Nga đang bắt đầu tiến công trên nhiều mặt trận. (Nguồn: ISW; Việt hóa: Minh Quang).

Nhu cầu vũ khí tăng cao

Nhu cầu về vũ khí Mỹ của châu Âu đãng tăng lên. Tuy nhiên, châu lục già lại không nhắm tới những vũ khí phức tạp, đắt đỏ như máy bay phản lực hay xe tăng, mà là những công cụ rẻ, đơn giản hơn như tên lửa vác vai, pháo kéo và máy bay không người lái, vốn đã thể hiện tầm quan trọng trong xung đột Ukraine.

Theo các cuộc phỏng vấn của Reuters, những quốc gia gần Nga như Ba Lan, Phần Lan hay Đức đang ký kết thỏa thuận để sản xuất vũ khí Mỹ tại châu Âu, đàm phán hợp đồng để mua thêm vũ khí và cố gắng tăng tốc những đơn hàng sẵn có.

Nhu cầu chủ yếu tập trung vào vũ khí cơ bản và đạn dược: đạn pháo 155 mm, hệ thống phòng không, thiết bị liên lạc, tên lửa vác vai Javelin và máy bay không người lái.

Một người lính Ukraine huấn luyện với tên lửa chống tăng Javelin. (Ảnh: Gleb Garanich/Reuters).

Kỳ vọng về một cuộc xung đột công nghệ cao, phụ thuộc vào máy tính và máy móc đã bị thay thế bởi hiện thực của những cuộc đấu pháo không ngừng, của những người lính trong chiến hào lầy lội. Cuộc xung đột kéo dài gần một năm đã khiến cả hai phe tiêu hao một lượng lớn đạn pháo và tên lửa.

Theo ông Roman Schweizer, một nhà phân tích quốc phòng tại ngân hàng đầu tư Cowen & Co cho rằng việc Ukraine sử dụng nhiều “vũ khí chính xác và vũ khí không điều khiển cho NATO thấy rằng bất kỳ cuộc chiến trong tương lai nào cũng đòi hỏi nhiều [đạn dược, trang bị] hơn dự kiến”.

Nguồn tin của Reuters cho biết các chính phủ châu Âu đang đặc biệt quan tâm đến việc mua sắm tên lửa chống tăng Javelin, sau khi nhận thấy hiệu quả của chúng tại Ukraine trước xe tăng của Nga.

Trong khi đó, theo người phát ngôn của Raytheon Technologies, 5 quốc gia châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm đến đạn pháo dẫn đường 155 mm của công ty này. Loại đạn này có tầm bắn 32 km và độ chính xác trong vòng 4 mét. Raytheon hiện đã bán loại đạn dẫn đường trên tới ba nước châu Âu.

Một số quốc gia châu Âu đã nỗ lực đảm bảo việc thanh toán các đơn hàng đúng tiến độ để tránh chậm trễ. Hoạt động mua sắm vũ khí đang trở thành ưu tiên chính sách. Trước kia, trong những buổi báo cáo tình kết quả doanh, các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ thường phàn nàn về vấn đề khách hàng chậm thanh toán.

Máy bay không người lái ở mọi kích cỡ

Phần Lan và Đan Mạch đã bắt đầu các cuộc đàm phán với General Atomics sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự, nhằm mua một lượng nhỏ máy bay không người lái MQ-9B SeaGuardian, sử dụng cho mục đích trinh sát trên biển và trên bộ.

Ba Lan cũng đang rất muốn sở hữu dòng máy bay không người lái MQ-9B. Quốc gia này vừa được General Atomics cho thuê hai máy bay MQ-9A thế hệ cũ, trong khi chờ được Washington phê duyệt hợp đồng mua sắm MQ-9B.

Tự sản xuất vũ khí

Một số quốc gia châu Âu cũng muốn bắt đầu sản xuất vũ khí Mỹ trong lãnh thổ của mình, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và hạ giá thành. Nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức có thể bắt đầu sản xuất hệ thống pháo phản lực HIMARS, theo CEO Armin Papperger.

Hệ thống HIMARS hiện đang được Lockheed Martin sản xuất tại Camden, bang Arkansas, Mỹ. Không rõ liệu HIMARS sẽ được sản xuất theo giấy phép, liên doanh hay một số thỏa thuận khác. Phía Lockheed Martin từ chối bình luận về khả năng Rheinmetall sản xuất hệ thống HIMARS. 

Tuy nhiên, công ty tuyên bố đang "xem xét hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ với một số đối tác quốc tế".

Latvia cũng quan tâm đến việc sản xuất vũ khí của Mỹ. Người phát ngôn về vấn đề quân sự, ông Roberts Skraucs cho biết "Latvia nhận ra những lợi ích của việc sản xuất đạn dược cỡ lớn trong nước mang lại".

Nỗi lo sợ của châu Âu về các cuộc tấn công của Nga vẫn sẽ mở ra thêm các đơn hàng vũ khí giá trị cao như máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa, .... Những đơn hàng vũ khí đắt tiền đầu tiên dự kiến sẽ giúp Ba Lan lấp đầy khoảng trống, sau khi nước này gửi trang bị tới Ukraine.

Slovakia cho biết sẵn sàng gửi máy báy phản lực MiG-29 tới Ukraine. Một sự thay thế cho MiG-29 có thể là máy bay F-16 của Lockheed Martin, với giá khoảng 65 triệu USD/chiếc. Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, giá trị vốn hóa của Lockheed Martin đã tăng thêm 35 tỷ USD khi các nhà đầu tư đặt cược rằng nhu cầu vũ khí Mỹ sẽ tăng lên.

F-16V - phiên bản mới nhất của dòng tiêm kích đa năng này - tại gian hàng của Lockheed Martin trong Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022. (Ảnh: Minh Quang).

Pháo binh vẫn là chìa khóa

Xung đột Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trong của pháo binh trong việc áp đảo hoặc ngăn chặn bước tiến của kẻ thù. Trong năm ngoái, Mỹ đã chuyển hơn một triệu quả đạn pháo 155 mm tới Ukraine. Giá thành của mỗi quả đạn là 800 USD.

Đạn pháo 155 mm được đóng gói để gửi đi từ Nhà máy Đạn dược Quân đội Scranton, bang Pennsylvania vào ngày 16/2/2023. (Ảnh: Brendan McDermid/Reuters).

Theo một quan chức quân đội, mục tiêu sản xuất đạn 155 mm của Mỹ đã tăng gấp ba lần, từ 30.000 viên lên 90.000 viên mỗi tháng trong hai năm tới. Sự gia tăng này phản ánh nhu cầu bổ sung kho vũ khí của Mỹ cũng như các đồng minh, bao gồm Na Uy, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức hay Italy, những nước đã gửi một phần kho dự trữ của mình cho Ukraine.

Các quốc gia cũng nhận ra tầm quan trọng của tên lửa chống tăng Javelin. Vào tháng 4/2022, Lithuania (Litva) đã tuyên bố sẽ chi 1 tỷ EUR để mua sắm tên lửa Javelin. Lockheed và Raytheon cũng đã giành được đơn hàng trị giá 309 triệu USD cho 1.300 tên lửa tới Na Uy, Albania, Latvia. Vào tháng 8, Anh cũng đặt một đơn hàng trị giá 300 triệu USD.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giao-tranh-ukraine-ngay-mot-khoc-liet-chau-au-day-manh-mua-vu-khi-my-202321715175148.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/