Giải mã khoản lỗ kỷ lục của các ngân hàng trung ương toàn cầu

Hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) báo lỗ kỷ lục trong năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ trong các năm tới. Nguyên nhân đến từ chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát và sự lao dốc của thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Tùy nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. (Ảnh: AFP/Getty Images).

Thua lỗ từ Mỹ đến Âu: Mỹ, Anh, Australia, Bỉ, …

Nhiều NHTW rơi vào cảnh thua lỗ trong năm 2022, trường hợp nổi tiếng nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Từ 2021 trở về trước, mỗi năm Fed chuyển khoảng 100 tỷ USD lợi nhuận về cho Bộ Tài chính Mỹ. Trong nửa sau năm 2022, NHTW Mỹ bắt đầu báo lỗ với số lỗ tăng đều mỗi tuần. Tính đến 11/1/2023, Fed đang lỗ gần 22,6 tỷ USD.

NHTW Australia lỗ 36,7 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/2022, dẫn tới vốn chủ sở hữu âm 12,4 tỷ USD.

NHTW Anh (BoE) cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Để bù lỗ cho BoE, Bộ Tài chính Anh dự kiến phải chi khoảng 36 tỷ bảng (tức 43 tỷ USD) trong năm 2023, thêm 43 tỷ USD nữa trong năm 2024 và 36 tỷ USD năm 2025, …

Hồi tháng 12 vừa qua, NHTW Bỉ ước tính lỗ 600 – 800 triệu euro (tương đương 650 – 870 triệu USD) trong năm 2022, đánh dấu lần thua lỗ đầu tiên kể từ Thế chiến II. Tình trạng thua lỗ dự kiến sẽ còn kéo dài đến năm 2027 và đạt tổng cộng 9 tỷ euro (gần 10 tỷ USD).

Hôm 9/1 mới đây, NHTW Thụy Sỹ ước tính khoản lỗ khổng lồ 132 tỷ franc (tương đương 143 tỷ USD) trong năm 2022, kỷ lục trong suốt lịch sử 116 năm của tổ chức này và tương đương khoảng 18% GDP của Thụy Sỹ.

Fed nhận một lượng lớn tiền gửi từ các định chế tài chính và chính phủ Mỹ.

Nguyên nhân căn bản

Trong hai năm đầu đại dịch, các NHTW đồng loạt nới lỏng tiền tệ để giải cứu nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ vì phong tỏa. Lãi suất được hạ xuống gần 0, cung tiền tăng lên nhanh chóng.

Trên 90% tài sản của Fed là các loại trái phiếu với giá trị nhạy cảm với biến động của lãi suất.

Sang năm 2022, lượng tiền in ra trong hai năm trước đó gây ra lạm phát nghiêm trọng. Các NHTW khắp nơi tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền để kiềm chế đà tăng của giá cả.

Cụ thể, NHTW nâng lãi suất tiền gửi với các ngân hàng thương mại để khuyến khích các ngân hàng thương mại để tiền ở NHTW, không cho vay ra nền kinh tế và tránh áp lực lạm phát. Chi phí lãi tiền gửi lên cao là một trong những nguyên nhân khiến nhiều NHTW thua lỗ.

Bên cạnh đó, giá trị tài sản giảm sút cũng gây tác động tiêu cực. Tài sản của các NHTW đa phần bao gồm trái phiếu, chủ yếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu được đảm bảo bằng nợ thế chấp.

Giá trị trái phiếu biến động ngược chiều với lãi suất. Năm 2020 và 2021 khi lãi suất đang thấp, các NHTW mua vào lượng lớn trái phiếu để đưa tiền ra hệ thống tài chính và nền kinh tế. Đến 2022, lãi suất tăng lên, giá trị của lô trái phiếu mua vào trước kia lao dốc.

Nhiều NHTW nâng mạnh lãi suất trong năm 2022, làm thị trường trái phiếu và cổ phiếu chao đảo.

NHTW Bỉ cho biết cả chi phí lãi tiền gửi tăng mạnh và giá trị trái phiếu dài hạn sa sút đã gây ra thua lỗ.

Báo cáo tài chính của NHTW Australia cho thấy chi phí lãi tiền gửi trong năm tài chính 2022 vẫn tương đối thấp so với thu nhập từ lãi cho vay. NHTW này lỗ đậm và âm vốn chủ đa phần là do danh mục trái phiếu chính phủ mất giá trong môi trường lãi suất tăng.

Theo Financial Times, tình trạng âm vốn chủ còn xảy ra với nhiều NHTW khác như Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Chile, Israel và Mexico.

Chỉ tính riêng danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu nước ngoài đã khiến NHTW Thụy Sỹ lỗ 140 tỷ USD.

Nền kinh tế Thụy Sỹ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên NHTW đã cố gắng hạ giá trị nội tệ bằng cách bán đồng franc và mua khoảng 900 tỷ USD cổ phiếu, trái phiếu nước ngoài. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu cùng lao dốc khi lãi suất tăng trong năm 2022, dẫn tới NHTW Thụy Sỹ thiệt hại nặng nề.

NHTW Thụy Sỹ lỗ nặng một phần vì đầu tư vào cổ phiếu công nghệ Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, NHTW Thụy sỹ mua thêm lượng lớn cổ phiếu nhưng tổng giá trị danh mục vẫn suy giảm.

Hệ lụy với tài chính quốc gia

NHTW Australia cho biết việc thua lỗ và âm vốn chủ không ảnh hưởng tới hoạt động của mình, cũng như khả năng hoạt động hiệu quả và thực hiện các nhiệm vụ chính sách.

NHTW Bỉ cho biết: “Một NHTW có thể hoạt động khi âm vốn chủ sở hữu, ít nhất là tạm thời”.

Ông Piet Haines Christiansen, Chiến lược gia tại ngân hàng Danske Bank của Đan Mạch, cho rằng việc các NHTW thua lỗ chỉ như là chuyện nhỏ như “một cơn bão trong chén trà” vì các NHTW không đặt mục tiêu hoạt động vì lợi nhuận và không thể phá sản do nắm trong tay quyền in tiền.

Ông Erik Nielsen, Kinh tế trưởng tại ngân hàng UniCredit của Italy, có quan điểm tương tự và coi việc các NHTW thua lỗ không có ý nghĩa về mặt kinh tế vì NHTW vẫn có thể hoạt động khi vốn giảm hay thậm chí là âm vốn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có cái nhìn bi quan về việc NHTW để mất tiền. NHTW Bỉ và Thụy Sỹ do tư nhân sở hữu một phần và được niêm yết trên sàn chứng khoán. Khi khoản lỗ lớn được công bố vào ngày 7/12, cổ phiếu NHTW Bỉ đã lập tức rớt 18%. Cổ phiếu NHTW Thụy Sỹ cũng đi xuống khi báo lỗ.

Ngoài ra, việc các NHTW không làm ra lợi nhuận cũng ảnh hưởng tới cán cân thu chi của chính phủ. Những năm trước, khi đang có lãi, các NHTW chuyển tiền lãi về cho chính phủ, trong trường hợp của Fed là khoảng 100 tỷ USD mỗi năm. Khi các NHTW thua lỗ, chính phủ sẽ mất đi nguồn thu này.

Với Fed, số lỗ sẽ tích tụ trên bảng cân đối kế toán. Khi nào Fed có lãi thì khoản lỗ sẽ tự vơi dần đi, Bộ Tài chính Mỹ không có nghĩa vụ bơm tiền để xóa lỗ cho Fed.

Số liệu dương là giá trị riêng lẻ từng tuần, số liệu âm được tính lũy kế với nhau.

Tại Australia, các quan chức NHTW cũng tin rằng tình trạng âm vốn chủ sẽ cải thiện dần theo thời gian và không đề nghị chính phủ bơm thêm vốn. Thay vào đó, NHTW Australia sẽ giữ lại lợi nhuận trong các năm tới, không trả cổ tức cho chính phủ.

Tại Anh, theo một thỏa thuận từ năm 2009, khi NHTW có lãi thì tiền lãi sẽ được chuyển cho Bộ Tài chính, còn khi NHTW thua lỗ thì Bộ Tài chính sẽ phải chi tiền ra để bù đắp.

Từ năm 2009, NHTW Anh đã gửi cho chính phủ 123 tỷ bảng (khoảng 140 tỷ USD) lợi nhuận. Từ 2022 trở đi, NHTW Anh thua lỗ và Bộ Tài chính sẽ phải rót tiền ngược lại, khoản chi đầu tiên là 828 triệu bảng đã được thực hiện vào tháng 12 vừa qua.

Hồi tháng 11, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh ước tính Bộ Tài chính sẽ phải bơm cho NHTW tổng cộng 133 tỷ USD trong giai đoạn đến năm 2028, vượt quá số lợi nhuận mà NHTW Anh chuyển về từ 2009 đến 2021.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giai-ma-khoan-lo-ky-luc-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-toan-cau-2023113174115345.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/