Giá xăng dầu tuần tới: Nhu cầu dầu bị đe dọa trước sự bùng phát virus corona

Chỉ trong một tuần, cả giá dầu WTI và Brent đều lao dốc, ghi nhận mức lỗ lớn nhất kể từ tháng 5/2019 do lo ngại sự bùng phát virus corona. Với tác động tiêu cực ngang với các sự kiến quốc tế khác, loại dịch bệnh này có thể đe dọa ngành dầu do nhu cầu từ Trung Quốc giảm mạnh.

Giá xăng dầu tuần tới: Virus corona khiến thị trường rúng động, giá dầu lao dốc - Ảnh 1.

Nguồn: Reuters

Những rủi ro về vấn đề nguồn cung đang cao hơn so với một năm trước, với OPEC+ cam kết giảm sản lượng nhiều hơn 75% trong quí này so với năm 2019, căng thẳng vẫn đang nổi lên ở Iran và các điểm sản xuất khác như Iraq và Libya. Cùng với đó là thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đó là những sự kiện chính trị giúp giá dầu cải thiện trong những tuần qua. Tuy nhiên, nỗi lo về sức khỏe toàn cầu do virus corona mang lại có thể khiến những cố gắng đó trở về con số 0, theo Investing.com

Trong vòng 24 giờ, số người tử vong vì virus của Trung Quốc tăng vọt từ 26 lên 41. Khoảng 1.400 người đã bị nhiễm bệnh trên toàn cầu, đại đa số ở Trung Quốc. 

Vũ Hán, thành phố trung tâm của dịch bệnh, đang bị biệt lập, với nguồn cung cấp y tế và giường bệnh đã cạn kiệt và sự bùng phát tại ít nhất 10 thành phố lân cận. 

Hàng trăm triệu du khách Trung Quốc đang bị mắc kẹt giữa Tết Nguyên đán, các ngành công nghiệp du lịch và giải trí đang chịu ảnh hưởng lớn với Disneyland Thượng Hải, tất cả các rạp chiếu phim, thậm chí một số cửa hàng McDonalds đã đóng cửa.

Bên ngoài Trung Quốc, 10 quốc gia/vùng lãnh thổ đã báo cáo các trường hợp nhiễm virus, cụ thể là Australia, Pháp, Nhật Bản, Nepal, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam và Mỹ. 

Sự bùng phát virus corona đã tạo ra sự hoảng loạn khiến thị trường trở nên tồi tệ. Chỉ số S&P 500 giảm gần 1% vào thứ Sáu (24/1), mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2019, cho thấy khả năng phục hồi đối với các thị trường chứng khoán của Phố Wall có thể bị đe dọa.

Mặc dù tác động tiềm tàng của virus vẫn là một phỏng đoán, một điều chắc chắn: Trung Quốc sẽ càng rơi vào khủng hoảng, thách thức đối với Tổng thống Donald Trump - người sẽ tái tranh cử vào tháng 11 năm nay - trong việc buộc Bắc Kinh phải thực hiện hiệp định thương mại giai đoạn một.

Đối với ngành dầu mỏ, Trung Quốc tiêu thụ hơn 9 triệu thùng/ngày trong năm ngoái, tương đương gần 90% sản lượng tương đương của Arab Saudi.

Giá dầu biến động mạnh

Giá dầu giảm phiên thứ năm liên tiếp vào ngày 24/1 với giá dầu Brent có tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 13 tháng do virus corona dẫn đến tâm lí lo ngại rủi ro trên thị trường toàn cầu.

Giá dầu WTI giảm 1,15 USD, tương đương 2,1%, xuống 55,59 USD/thùng. Giá dầu giảm xuống còn 53,88 USD/thùng trước đó, mức thấp nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 17/11.

Giá dầu Brent giảm 1,35 USD, tương đương 2,2%, xuống 60,69 USD/thùng. Trước đó đã giảm xuống 60.26 USD/thùng, chạm mức thấp nhất 7 tuần.

Giá dầu WTI giảm 5% trong tuần này và gần 9% trong tháng 1, mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ mức giảm 16,3% trong tháng 5/2019.

Giá dầu Brent giảm 6,4% trong tuần, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018 và giảm 8% trong tháng 1, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2019.

Economist Intelligence Unit cho biết virus corona có thể khiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc giảm từ 0,5 - 1 điểm phần trăm trong năm nay so với dự báo là 5,9%.

Về năng lượng, sự bùng phát dịch bệnh làm nhu cầu giảm 200.000 thùng/ngày sản phẩm dầu tinh chế, theo ước tính của S&P. 

Tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) nơi ghi nhận dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên, đã ngừng vận chuyển dầu và nhu cầu ước tính giảm 50.000 - 70.000 thùng/ngày.

Ngân hàng Goldman Sachs hôm thứ Ba (21/1) dự đoán nhu cầu dầu trên toàn cầu sẽ giảm khoảng 260.000 thùng/ngày, gồm 170.000 thùng nhiên liệu máy bay. Dự báo này dựa trên so sánh với dịch bệnh SARS năm 2003 đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu, gồm cả dầu mỏ.

Công ty tư vấn rủi ro có trụ sở tại Thụy Sĩ, PetroMatrix, cho rằng loại virus này là sự kiện "Thiên nga đen" năm 2020, đặt nó ngang hàng với các sự kiện gián đoạn thị trường toàn cầu như Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Khủng hoảng Dotcom năm 2000, Cuộc tấn công năm 2001 ở Mỹ, Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2009, Khủng hoảng thị trường dầu năm 2014 và Brexit năm 2016.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-xang-dau-tuan-toi-20200126224924928.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/