Giá năng lượng sụt giảm kéo nền kinh tế toàn cầu đi lên

Cú sốc năng lượng do chiến sự Nga-Ukraine gây ra đang đảo ngược và đem lại tác động tích cực lớn lao cho nền kinh tế thế giới.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Giá năng lượng lại một lần nữa làm đảo lộn nền kinh tế toàn cầu. Nhưng lần này, thị trường năng lượng đem đến tin tốt. Giá dầu mỏ và khí tự nhiên lao dốc đang thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, đem tiền vào túi người tiêu dùng, khích lệ niềm tin và giảm áp lực lên ngân sách các chính phủ.

Tình hình hiện nay trái ngược với cú sốc giá một năm trước, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine thổi bùng nỗi lo về một cuộc suy thoái sâu tại châu Âu và những khu vực khác.

Các nhà kinh tế cho biết sự sụt giảm của giá năng lượng là một phần nguyên nhân dẫn đến dữ liệu kinh tế mạnh mẽ bất ngờ tại Mỹ và châu Âu trong năm nay. Khảo sát của S&P Global cho thấy các nhà quản lý chuỗi cung ứng ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã trở nên lạc quan hơn so với những tháng trước.

Lợi ích các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ nhận được đang bù đắp cho sự gia tăng của chi phí vay trong lúc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất.

Theo tờ Wall Street Journal, giá dầu thô đã giảm hơn 30% kể từ giữa năm ngoái, từ 121 xuống khoảng 77 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn giai đoạn trước khi chiến sự nổ ra. Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại sẽ khiến giá dầu đi lên, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra.

Tại châu Âu, giá khí tự nhiên bán buôn tiêu chuẩn đã sụt gần 90% kể từ mùa hè năm ngoái và xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021. Nguyên do là thời tiết ấm áp, các biện pháp tiết kiệm và tăng cường nhập khẩu năng lượng.

Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại công ty phân tích Capital Economics, nhận xét: “Khó có thể nói hết tầm quan trọng khi giá năng lượng sụt giảm tới triển vọng kinh tế vĩ mô của châu Âu”.

 

Đối với châu Âu, giá khí tự nhiên sụt giảm giúp các nước này tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ, tương đương 3,5% GDP năm 2023 của Italy và khoảng 2% GDP của Đức, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, theo ước tính của Capital Economics.

Ông Shearing nói thêm: “Trước đây chúng tôi dự kiến suy thoái tại châu Âu sẽ diễn ra khá nghiêm trọng, nhưng giờ chúng tôi kỳ vọng cuộc suy thoái sẽ diễn ra nhẹ nhàng và không kéo dài lâu”.

Theo Capital Economics và ngân hàng Berenberg, cú hích từ thị trường năng lượng có thể giúp sản lượng của khu vực đồng euro tăng khoảng 1,5%, tương đương với quy mô tăng trưởng trong một năm.

Ngân hàng Berenberg hiện kỳ vọng khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay. Trong khi đó vào tháng 10 năm ngoái, ngân hàng dự đoán GDP của khu vực sẽ giảm 1,3%. Các nhà kinh tế cho biết Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự sụt giảm của giá năng lượng, nhưng với mức độ thấp hơn.

Niềm tin của người tiêu dùng ở hai bờ Đại Tây Dương đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng gần đây, trái ngược với sự xuống dốc trong năm ngoái. Theo các nhà kinh tế, tâm lý được cải thiện có thể thúc đẩy các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn khoản tiền họ đã tiết kiệm trong đại dịch, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Tại Italy, quốc gia phụ thuộc nặng nề vào khí tự nhiên nhập khẩu, doanh số bán lẻ tháng 1/2023 tăng mạnh 1,7% so với tháng 12/2022. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020, khi các nước mở cửa trở lại sau đại dịch. Tại Đức, sản lượng của các ngành thâm dụng năng lượng đã nhảy vọt 6,8% trong tháng 1 so với tháng liền trước, sau khi giảm gần 20% trong năm 2022.

Ông Schmieding, nhà kinh tế trưởng của Berenberg, cho biết: “Chính sự bùng nổ của giá khí đốt và các lo ngại về thiếu hụt trong mùa hè và mùa đông vừa qua là nguyên nhân khiến khu vực đồng euro rơi vào cảnh đình trệ trong năm 2022. Cú sốc này hiện đang đảo ngược”.

Tại nhiều nước, chính phủ chi hàng tỷ USD để trợ cấp giá năng lượng và hỗ trợ cho người dân, bao gồm phát tiền trực tiếp hoặc điều chỉnh khung thuế để tăng thu nhập khả dụng.

Các ngân hàng trung ương lớn đang cố đánh giá họ cần tăng lãi suất thêm bao nhiêu để chống lạm phát. Giá năng lượng hạ nhiệt gây ra các tác động trái chiều tới nỗ lực này.

Một mặt, sự sụt giảm này kéo lạm phát toàn phần đi xuống. Do đó, các công đoàn có thể sẽ mất đi phần nào lợi thế tăng lương, làm giảm rủi ro gây ra vòng xoáy lương-giá.

Nhưng mặt khác, giá năng lượng hạ nhiệt có tác động tương tự như việc giảm thuế, tức là thúc đẩy chi tiêu và có nguy cơ gia tăng áp lực lạm phát lên các ngành khác ngoài năng lượng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-nang-luong-sut-giam-keo-nen-kinh-te-toan-cau-di-len-2023313163138811.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/