Giá cước vận tải biển tiếp tục giảm, báo hiệu một cuộc suy thoái toàn cầu có thể đang tới

Giá cước vận tải biển sụt giảm cho thấy thương mại toàn cầu đang chậm lại, và có thể là dấu hiệu của một cuộc suy thoái khi nhu cầu người tiêu dùng giảm bớt bởi chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao.

CNBC trích dẫn dữ liệu mới nhất của S&P Global Market Intelligence cho biết, giá cước vận tải biển tiếp tục giảm khi khối lượng thương mại toàn cầu chậm lại do nhu cầu hàng hóa giảm.

Mặc dù giá cước cũng đã hạ do chuỗi cung ứng được gỡ rối sau đại dịch, đa số sự suy giảm nhu cầu container và tàu biển xuất phát từ hoạt động vận chuyển hàng hóa yếu đi, theo nhóm nghiên cứu.

“Mức độ tắc nghẽn tại các cảng, nhu cầu, cũng như số lượng tàu đến giảm đi là một trong những lý do chính khiến giá cước thấp”, S&P Global cho biết.

“Dựa trên kỳ vọng khối lượng thương mại thấp hơn, chúng tôi cho rằng những quý sau sẽ không có sự tắc nghẽn nghiêm trọng [tại các cảng]”, báo cáo viết.

Giá cước cho tàu container và tàu chở hàng rời khô đã tụt trong suốt ba tháng qua, đồng thời đạt đỉnh sớm hơn dự tính vào quý II. “Do tính thời vụ của thị trường, giá cước hàng rời khô thường chạm đỉnh vào quý III. Tuy nhiên theo dữ liệu, quý II nhiều khả năng sẽ là quý có mức cước cao nhất trong năm 2022”, S&P cho biết.

Mô hình Dự báo Giá cước của S&P Global cũng cho rằng Chỉ số Baltic Dry, một thước đo giá vận chuyển các loại nguyên liệu thô bằng đường biển sẽ giảm 20%-30% trong năm và sẽ chỉ phục hồi nhẹ vào 2024.

Những dấu hiệu này nhấn mạnh nguy cơ ngày càng tăng về suy thoái toàn cầu khi nhu cầu của khách hàng giảm bớt trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt gia tăng.

Một trong những dấu hiệu cho suy thoái toàn cầu là tăng trưởng thương mại trì trệ. Chỉ báo Thương mại Hàng hóa của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được công bố vào tháng 8 cho thấy khối lượng hàng hóa toàn cầu đã gần như đi ngang.

 

Tốc độ tăng trưởng hàng năm trong quý I/2022 đã giảm xuống còn 3,2%, so với 5,7% vào quý IV/2021. WTO cho rằng một phần của sự chậm lại là do xung đột Ukraine và các đợt phong tỏa COVID tại Trung Quốc.

Mặc dù WTO dự đoán rằng thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng trong năm nay, vẫn còn nhiều sự không chắc chắn xung quanh dự báo này bởi “xung đột đang diễn ra tại Ukraine, áp lực lạm phát gia tăng và hoạt động thắt chặt chính sách tại các nền kinh tế phát triển”.

S&P Global Market Intelligence cũng lặp lại những lo ngại trên: “Chúng tôi cho rằng sẽ có những sự cải thiện trên thị trường hàng rời khô trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, giá cước sẽ giảm đi trong ngắn hạn do sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc cũng như tình trạng tắc nghẽn giảm bớt”.

Do đó, bất cứ thay đổi nào trong chính sách Zero COVID của Trung Quốc hoặc thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine cũng có thể hỗ trợ giá cước vận tải. Tuy nhiên, sự suy giảm nào trong nhu cầu hàng hóa và tiêu dùng sẽ đẩy giá cước xuống thấp, S&P Global nói.

Áp lực với chuỗi cung ứng toàn cầu có vẻ đang có xu hướng hạ nhiệt.

Nếu nhìn về mặt tích cực, áp lực đối với chuỗi cung ứng đã nhẹ bớt phần nào, mặc dù vẫn ở mức cao kỷ lục, theo Chỉ số Áp lực Chuỗi cung ứng toàn cầu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-cuoc-van-tai-bien-tiep-tuc-giam-bao-hieu-mot-cuoc-suy-thoai-toan-cau-co-the-dang-toi-20229814322848.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/