FLC chi hơn 3.800 tỷ để trả nợ gốc, thành viên HĐQT mới cho vay tín chấp 870 tỷ

FLC đi vay mới 2.751 tỷ đồng nhưng trả gốc nợ vay tới 3.814 tỷ, dẫn tới lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn hơn 1.000 tỷ. Nợ vay giảm bớt giúp cho chi phí tài chính đi xuống.

Tập đoàn FLC lỗ sau thuế hơn 1.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trả nợ gốc vay, tăng khoản phải trả

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Tập đoàn FLC cho thấy số tiền trả nợ gốc vay trong 6 tháng đầu năm nay là 3.814 tỷ đồng, cao gấp hơn hai lần con số 1.801 tỷ cùng kỳ 2021. Tiền trả nợ gốc thuê tài chính khoảng 15 tỷ đồng. Số tiền FLC nhận về từ đi vay là 2.751 tỷ.

Do số tiền thu về ít hơn số tiền đã chi ra nên dòng tiền hoạt động tài chính âm 1.078 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, trái ngược với con số dương 1.489 tỷ của nửa đầu năm ngoái.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh có thay đổi lớn, từ dương 94 tỷ đồng thành dương 3.204 tỷ đồng bất chấp việc FLC chuyển từ có lãi 96 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái thành lỗ 1.100 tỷ trong 6 tháng đầu 2022. Nguyên nhân dòng tiền kinh doanh chuyển biến tích cực chủ yếu là do FLC tăng các khoản phải trả thêm hơn 4.500 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm hơn 2.000 tỷ do FLC chi mua sắm tài sản cố định (1.265 tỷ) và cho vay các đơn vị khác (1.487 tỷ), đồng thời thu về 756 tỷ đồng từ hoạt động cho vay và cổ tức của đơn vị khác.

Lưu chuyển tiền thuần trong 6 tháng qua là dương 123 tỷ đồng, nâng số dư tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6/2022 lên 299 tỷ. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là lượng tiền mặt lớn nhất kể từ cuối năm 2020.

Lượng tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6/2022 của FLC là 299 tỷ đồng.

FLC đang nợ bao nhiêu?

Bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6 năm nay cho thấy Tập đoàn FLC có nợ phải trả 27.570 tỷ đồng, tăng khoảng 3.500 tỷ so với ngày đầu năm.

Vốn chủ sở hữu giảm khoảng 1.000 tỷ đồng do kết quả kinh doanh thua lỗ trong kỳ. Tổng tài sản cũng như tổng nguồn vốn của FLC tăng thêm hơn 2.500 tỷ trong 6 tháng qua.

Khối nợ lớn hơn trước trong khi vốn chủ sở hữu giảm xuống dẫn tới tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn tăng lên mức 76%, còn tỷ lệ vốn chủ/tổng tài sản giảm còn 24%, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.

Tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản của FLC tại ngày 30/6/2022 đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. 

Tuy tổng nợ phải trả lớn hơn trước nhưng giá trị nợ vay và thuê tài chính (dài hạn và ngắn hạn) giảm gần 1.100 tỷ đồng, còn 5.126 tỷ.

Nợ vay đi xuống giúp cho FLC giảm một phần chi phí lãi vay, từ mức 107 tỷ đồng trong quý II/2021 xuống còn 84 tỷ đồng trong quý vừa qua. Chi phí tài chính nói chung giảm 24% còn gần 149 tỷ.

Chủ nợ của FLC ngoài các ngân hàng quen thuộc như Sacombank, BIDV, OCB, … còn có một cái tên mới là ông Lê Thái Sâm, thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới được bầu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 2/7/2022.

Trong các tháng 4, 5 và 6, ông Sâm đã ký 4 hợp đồng cho Tập đoàn FLC vay tín chấp (không tài sản bảo đảm) tổng cộng 870 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7%/năm. Trong kỳ, FLC đã trả bớt 249 tỷ đồng nên dư nợ còn lại vào ngày 30/6 là 621 tỷ đồng.

Ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, quê ở Quảng Ngãi. Ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân TP Hồ Chí Minh năm 1986 và từng giữ chức Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (Mã: DIC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sắt thép Cửu Long.

Đầu tháng 7 vừa qua, ông Sâm được bầu vào HĐQT của Tập đoàn FLC.

Những xáo trộn về nhân sự

Ông Lê Thái Sâm không phải là thành viên mới duy nhất trong HĐQT của Tập đoàn FLC. Trong nửa đầu năm 2022, ban lãnh đạo tập đoàn có nhiều thay đổi lớn.

Vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và Phó Chủ tịch thường trực Hương Trần Kiều Dung không còn đủ tư cách làm lãnh đạo công ty đại chúng. Thành viên HĐQT Lã Quý Hiển cũng xin từ nhiệm vào cuối tháng 6.

Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC ngày 2/7 đã bầu bổ sung ba người gồm ông Lê Thái Sâm, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Bá Nguyên vào HĐQT thay cho ông Quyết, bà Dung và ông Hiển.

Ngay sau đại hội, ông Nguyên được bầu làm Chủ tịch Tập đoàn thay cho ông Đặng Tất Thắng – người giữ chức này từ ngày 31/3 năm nay. Ông Thắng quay lại ghế Phó Chủ tịch đến ngày 29/7 vừa qua thì xin rút khỏi HĐQT của FLC.

Cả ba thành viên Ban Kiểm soát của FLC đều xin từ nhiệm trong tháng 4 và 5. Đại hội bất thường ngày 2/7 đã bầu ba người thay thế.

Phó Tổng Giám đốc Vũ Đặng Hải Yến xin từ nhiệm hôm 13/7. FLC hiện nay còn lại 7 Phó Tổng Giám đốc. Bà Yến chính là người được cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết ủy quyền thực hiện toàn bộ quyền cổ đông của ông Quyết tại Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. Ông Quyết hiện nắm giữ 215,44 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn điều lệ tập đoàn.

Kết phiên gần đây nhất 29/7, giá cổ phiếu FLC dừng ở 5.430 đồng/cp, ứng với vốn hóa 3.855 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu FLC hiện thấp hơn 70% so với cuối năm 2021.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/flc-chi-hon-3800-ty-de-tra-no-goc-thanh-vien-hdqt-moi-cho-vay-tin-chap-870-ty-202273184243992.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/