Fed mạnh tay giảm bơm tiền, sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/12 cho thấy chính sách tiền tệ siêu nới lỏng áp dụng từ đầu đại dịch vào tháng 3/2020 đang dần đi đến hồi kết. Cung tiền cần được thắt chặt để chống lại lạm phát đang lên cao.

Sau cuộc họp chính sách thường kỳ ngày 14-15/12, Fed thông báo sẽ cắt giảm mạnh chương trình bơm tiền thông qua mua trái phiếu.

Từ đầu năm 2020 đến tháng 10/2021, ngân hàng trung ương Mỹ bơm ra thị trường 120 tỷ USD mỗi tháng, bao gồm việc mua 80 tỷ USD trái phiếu Kho bạc và 40 tỷ USD trái phiếu bảo đảm bằng khoản vay thế chấp (MBS).

Trong cuộc họp chính sách tháng 11, Fed quyết định giảm mua 15 tỷ USD mỗi tháng. Sau cuộc họp ngày 14-15/12, Fed cho biết sẽ giảm mua 30 tỷ USD mỗi tháng, nhanh gấp đôi tốc độ đã công bố hồi tháng 11.

Theo kế hoạch mới này, Fed sẽ dừng bơm tiền hoàn toàn vào khoảng tháng 3 thay vì tháng 6 như khung thời gian cũ.

Lãi suất điều hành được giữ ở gần 0 trong cuộc họp này. Tuy nhiên sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc vào đầu năm 2022, Fed sẽ bắt đầu nâng lãi suất.

Các quan chức Fed đang dự báo ba đợt tăng lãi suất vào năm 2022 cùng hai lần tăng vào năm 2023 và thêm hai lần nữa vào năm 2024.

Thông báo của Fed nhìn chung khớp với kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Mỹ chuyển từ đỏ sang xanh sau khi Fed công bố chính sách tiền tệ mới. Nasdaq Composite đóng cửa tăng trên 2%, S&P 500 và Dow Jones tăng tương ứng 1,6% và 1,1%.

Fed mạnh tay giảm bơm tiền, sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 - Ảnh 1.

Fed duy trì lãi suất chính sách trong khoảng 0 - 0,25% liên tục từ tháng 3/2020 đến nay.

CNBC dẫn lời Chủ tịch Jerome Powell phát biểu trong buổi họp báo chiều 15/12: "Những thay đổi về thực trạng và triển vọng kinh tế đòi hỏi chính sách tiền tệ phải đổi mới theo hướng đã nêu và đảm bảo tiếp tục cung cấp hỗ trợ hợp lý cho nền kinh tế".

Tất cả thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hoàn toàn nhất trí với kết luận chính của cuộc họp. Đây là một bước chuyển lớn ra khỏi chính sách tiền tệ nới lỏng nhất trong lịch sử 108 năm của Fed.

Quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ đã nhảy vọt từ khoảng 4.100 tỷ lên kỷ lục 8.700 tỷ USD, tương ứng mức tăng 112% trong khoảng 20 tháng.

Fed mạnh tay giảm bơm tiền, sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 - Ảnh 3.

Bảng cân đối kế toán của Fed phình to do đẩy mạnh in tiền, mua trái phiếu.

Một nguyên nhân dẫn tới sự chuyển biến trong chính sách của Fed là lạm phát lên cao. "Sự mất cân đối về cung cầu liên quan tới đại dịch và việc nền kinh tế mở cửa trở lại đã tiếp tục gây ra tình trạng lạm phát cao", thông cáo của Fed có đoạn nói.

Ủy ban FOMC tăng mạnh dự báo mặt bằng giá cả của năm 2021, từ 4,2% lên 5,3% đối với lạm phát toàn phần và từ 3,7% lên 4,4% đối với lạm phát lõi (không bao gồm giá lương thực và nhiên liệu).

Năm 2022, lạm phát toàn phần được dự báo đạt 2,6% trong khi lạm phát lõi là 2,7%, đều tăng so với ước tính công bố hồi tháng 9.

Các nhà kinh tế của Bloomberg Economics nhận định: "Các thành viên của FOMC đã gửi đi một thông điệp to và rõ ràng tới thị trường: Chúng tôi rất nghiêm túc trong việc kiểm soát lạm phát, sẵn sàng nâng lãi suất cao hơn và nhanh hơn nếu cần thiết".

Fed mạnh tay giảm bơm tiền, sẽ tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 - Ảnh 4.

Lạm phát tháng 11/2021 của Mỹ lên đỉnh 39 năm.

Trong khi đó, dự báo tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 giảm từ 4,8% hồi tháng 9 xuống còn 4,3% trong cuộc họp lần này. Tháng 11 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 4,2%.

Thông cáo của Fed ghi nhận "Số việc làm tăng thêm vững chắc trong những tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp đã sụt giảm mạnh".

Mặc dù vậy, FOMC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, từ 5,9% xuống còn 5,5%. Tăng trưởng GDP năm 2022 được kỳ vọng đạt 4% thay vì 3,8% như dự báo cũ, năm 2023 được nâng từ 2,2% lên 2,5%.

Fed lưu ý rằng những thay đổi trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến chủng mới, là rủi ro lớn đối với triển vọng nền kinh tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/fed-manh-tay-giam-bom-tien-se-tang-lai-suat-ba-lan-trong-nam-2022-20211216063325248.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/