Fed gánh chịu rủi ro khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ vào các động thái phi thường nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong đại dịch. Nhưng điều gì cũng có giá của nó: Việc đẩy mạnh mua vào tài sản có tác động lớn đến sức khỏe tài chính của ngân hàng trung ương này.

Kể từ giữa tháng 3, Fed đã liên tục mua thêm tài sản tài chính nhằm bảo vệ thị trường và nền kinh tế trước tác động của đại dịch COVID-19. Kết quả là bảng cân đối kế toán của Fed tăng 3.000 tỉ USD chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng và hiện đã phình to vượt ngưỡng 7.000 tỉ USD. 

Trong một bài phân tích đăng trên tờ Bloomberg, ông Bill Dudley, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York cho rằng qui mô bảng cân đối của Fed có thể sẽ vượt quá 10.000 tỉ USD vào cuối năm nay. Trong khi đó, cơ sở vốn của Fed chỉ là 39 tỉ USD. Điều này có nghĩa là Fed đang sử dụng đòn bẩy với tỉ lệ hơn 250:1.

Vậy điều này sẽ có tác động gì? Liệu Mỹ sẽ rơi vào tình trạng lạm phát mất kiểm soát? Fed có thể bị vỡ nợ không?

Fed gánh chịu rủi ro khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ - Ảnh 2.

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phải  hiểu rằng việc Fed mua bán tài sản tài chính không chỉ ảnh hưởng đến bảng cân đối tài sản của cơ quan này mà còn tác động đến bảng cân đối của các ngân hàng khác.

Khi Fed mua tài sản tài chính từ khu vực tư nhân, số tiền người bán nhận được thường sẽ lại chảy vào hệ thống ngân hàng, do hầu hết mọi người không muốn giữ lượng tiền mặt lớn. Số tiền gửi tăng lên và dự trữ của các ngân hàng tại Fed cũng vậy.

Kết cục là trái phiếu Kho bạc và chứng khoán có đảm bảo mà khu vực tư nhân nắm giữ sẽ giảm đi, trong khi số tiền gửi ngân hàng lại tăng lên. Trong khi đó, Fed sẽ nắm giữ nhiều hơn trái phiếu Kho bạc và chứng khoán có đảm bảo.

Vậy điều này có nghĩa gì? Đầu tiên, dự trữ của ngân hàng sẽ tăng đáng kể, và thực tế thì đây cũng là điều xảy ra trong vài tháng qua. Khi Fed mở rộng bảng cân đối kế toán của họ, qui mô bảng cân đối của các ngân hàng cũng gia tăng.

Ý nghĩa thứ hai là khu vực tư nhân giờ đây nắm giữ nhiều tiền mặt và tiền gửi ngân hàng nhiều hơn bao giờ hết.

Ý nghĩa thứ ba là khu vực tư nhân có thể phản ứng lại với số tiền mặt và số dư tiền gửi tăng thêm bằng cách mua vào các tài sản tài chính rủi ro hơn. Trên thực tế, đây là một trong những mục đích chính của chương trình nới lỏng định lượng.

Bằng cách giảm nguồn cung của tài sản an toàn và làm tăng số dư tiền gửi mà khu vực tư nhân sở hữu, Fed đã tạo ra nhu cầu mua vào tài sản rủi ro của khu vực tư nhân và qua đó tác động đến định giá của chứng khoán.

Fed gánh chịu rủi ro khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ - Ảnh 4.

Fed có thể thực hiện động thái đơn giản là điều chỉnh lãi suất cho tiền gửi của các ngân hàng thương mại, qua đó kiểm soát chi phí và dòng chảy tín dụng.

Nếu nhu cầu vay ngân hàng tăng đột biến, Fed có thể kiểm soát hiện tượng này bằng cách tăng lãi suất trả cho phần dự trữ vượt mức để tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục gửi tiền ở Fed.

Khả năng trả lãi suất cho dự trữ bắt buộc và dự trữ vượt mức cho phép Fed mở rộng bảng cân đối kế toán tùy ý mà không dẫn đến tín dụng trong nền kinh tế tăng đến mức không thể kiểm soát được. 

Chỉ khi các ngân hàng rút tiền dự trữ để cho vay thì qui trình số nhân tiền mới được khởi động và mức cung tiền mới tăng lên. Fed có thể kiểm soát qui trình này bằng cách kiểm soát lãi suất ngắn hạn.

Vậy kết luận rút ra từ việc Fed mở rộng bảng cân đối kế toán một cách quá nhanh chóng là gì? Fed đang thay đổi thành phần các loại tài sản mà khu vực tư nhân có thể nắm giữ và hệ quả là tác động đến giá tài sản tài chính. Nhưng tiền dự trữ của các ngân hàng tăng nhanh sẽ không dẫn đến siêu lạm phát nếu Fed sẵn lòng tăng lãi suất để kiểm soát nhu cầu tín dụng.

Fed gánh chịu rủi ro khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ - Ảnh 5.

Bảng cân đối kế toán của Fed chủ yếu đang gia tăng ở ba lĩnh vực: trái phiếu Kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp của các tổ chức liên bang; hợp đồng hoán đổi ngoại hối đối với các ngân hàng trung ương nước ngoài; các chương trình cho vay và cung cấp thanh khoản đặc biệt.

Phần lớn các tài sản trong danh mục của Fed có rủi ro tín dụng rất thấp, trừ các chương trình cho vay và cung cấp thanh khoản đặc biệt: Fed mua vào cả trái phiếu đô thị, chứng chỉ quĩ ETF đầu tư vào trái phiếu "rác" và cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp qui mô vừa gặp khó khăn nghiêm trọng vì COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết những rủi ro này lại do Bộ Tài chính Mỹ gánh chịu.

Nhưng Fed lại phải chịu rủi ro lãi suất đáng kể. Rất nhiều tài sản Fed nắm giữ có kì hạn dài, đặc biệt là trái phiếu Kho bạc và chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp của các tổ chức liên bang. Hơn nữa, những nghĩa vụ nợ này lại chủ yếu được tài trợ bởi dự trữ qua đêm và tiền đang được lưu thông.

Điều này có nghĩa là nếu Fed cần tăng lãi suất ngắn hạn lên cao trong vài năm tiếp theo, có khả năng chi phí các khoản nợ mà Fed sử dụng để tài trợ cho bảng cân đối kế toán sẽ vượt quá lợi nhuận trên tài sản, khiến Fed mất tiền.

May mắn là Fed không phải trả lãi sất đối với tiền đang được lưu thông, nên chỉ khi lãi suất Fed trả cho tiền dự trữ của các ngân hàng cao hơn khá nhiều so với lợi suất từ các tài sản tài chính thì hệ số NIM của Fed mới bị âm.

Nhưng dĩ nhiên, Fed càng mở rộng bảng cân đối kế toán và càng kéo dài việc mua trái phiếu Kho bạc và chứng khoán các tổ chức liên bang thì rủi ro lãi suất càng cao. Và do môi trường lãi suất của Mỹ đang cực kì thấp, lợi suất trung bình của tài sản tài chính Fed nắm giữ cũng sụt giảm.

Fed gánh chịu rủi ro khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ - Ảnh 6.

Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York Bill Dudley ước tính rằng nếu lãi suất ngắn hạn tăng đến 4% trong vòng vài năm thì hệ số NIM của Fed sẽ chuyển thành âm, đồng nghĩa với việc cơ quan trung ương này bị lỗ.

Nhưng ông Bill Dudley tin rằng đây không phải là điều quá khủng khiếp, bởi vì những lợi ích của sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ có giá trị hơn nhiều so với hậu quả của việc Fed mất tiền.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Fed mất tiền? Có hai kịch bản: Đầu tiên, các khoản lỗ có thể khiến vốn của Fed bị cạn kiệt. Dù điều này nghe có vẻ khá tệ, nhưng thực chất nó không có hậu quả nghiêm trọng. Một vài ngân hàng trung ương nước ngoài đã vận hành khá thành công trong nhiều năm với vốn âm và Fed cũng sẽ không phải ngoại lệ.

Thứ hai, lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán có thể được lấp đầy bằng việc Fed ghi nhận tài sản trái phiếu Kho bạc hoãn lại. Điều này có nghĩa là Fed sẽ tự tạo ra tài sản dựa trên thu nhập in tiền trong tương lai. Như vậy, trên giấy tờ, vốn của Fed sẽ không bị cạn kiệt. Dòng tiền cũng như lợi nhuận ròng của Fed cũng không phải chịu hậu quả đáng kể gì.

Hậu quả lớn nhất của việc hệ số NIM của Fed bị âm là công chúng nhận thức rộng rãi được rằng Fed phải chịu rủi ro lãi suất. Dù đây là rủi ro đáng đánh đổi, nhưng mọi người đều cần phải nhận thức được rằng trên đời không có bữa ăn nào là miễn phí.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/fed-ganh-chiu-rui-ro-khong-lo-de-chong-do-cho-nen-kinh-te-my-20200624155729303.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/