Đường đua lợi nhuận: Vinhomes vô địch quý II, Hòa Phát quán quân 6 tháng

Ngoài Vinhomes và Hòa Phát, bảng xếp hạng lợi nhuận khủng quý II và 6 tháng đầu năm còn có nhiều đại diện của ngành ngân hàng như Techcombank, VPBank, Vietcombank, VietinBank, ...

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, tính đến hết ngày 3/8 đã có 759 doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam công bố báo cáo tài chính quý II/2021, chiếm 46% tổng số doanh nghiệp và 90% vốn hóa toàn thị trường.

Trong 759 doanh nghiệp nói trên có 93 báo lỗ và 666 ghi nhận lãi, bao gồm 500 doanh nghiệp có lãi tăng và 166 có lãi thấp hơn cùng kỳ 2020.

Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đã công bố số liệu là hơn 110.000 tỷ đồng, tăng trưởng 68,1%. Nếu không tính ngành ngân hàng, tốc độ tăng lợi nhuận là 86,4%.

Vinhomes lấy lại ngôi vương

Sau khi thua kém Hòa Phát trong quý I, Vinhomes đã vươn lên giành lấy ngôi đầu trong quý II với lãi sau thuế 10.303 tỷ đồng, tăng trưởng 202% so với cùng kỳ 2020.

Lợi nhuận của Hòa Phát cũng không phải dạng vừa khi tăng 254% lên 9.745 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử của tập đoàn này và chỉ kém Vinhomes khoảng 5% (gần 600 tỷ).

Đường đua lợi nhuận: Vinhomes vô địch quý II, Hòa Phát quán quân 6 tháng - Ảnh 1.

Hòa Phát vượt lên trong quý I, Vinhomes dẫn đầu trong quý II/2021.

Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận quý II là Techcombank với 4.807 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với Hòa Phát và Vinhomes nhưng đủ để dẫn đầu ngành ngân hàng. VPBank đứng ngay sau với lãi thuần hơn 4.000 tỷ, tăng trưởng 36%. 

Vietcombank tụt hạng, từ vị trí á quân trong quý I xuống thứ 5 trong quý vừa qua khi lợi nhuận sau thuế giảm hơn 14% (tức sụt 656 tỷ đồng) so với cùng kỳ. Theo giải trình của Vietcombank, khoản mục tác động tiêu cực nhất tới kết quả hoạt động của ngân hàng là thu nhập lãi tiền gửi và thu nhập lãi chứng khoán đầu tư, giảm lần lượt 198 tỷ và 345 tỷ trong quý vừa qua.

Nguyên nhân là lãi suất liên ngân hàng có xu hướng đi xuống do tình trạng thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào trong khi dịch COVID-19 trở lại căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Ngoài ra, một số khoản trái phiếu tổ chức tín dụng của Vietcombank đã đáo hạn nhưng chưa được đầu tư thay thế hoặc đã tái đầu tư nhưng với lãi suất thấp hơn.

Đường đua lợi nhuận: Vinhomes vô địch quý II, Hòa Phát quán quân 6 tháng - Ảnh 2.

Ngoài Vietcombank, một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank cũng ghi nhận lãi thuần giảm 38% còn 2.239 tỷ đồng. Nguyên do là chi phí dự phòng vọt lên trên 7.100 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ 2020.

Cũng thuộc khối quốc doanh nhưng BIDV lại báo cáo lợi nhuận sau thuế quý II tăng 85% lên 3.789 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng. Một số ngân hàng khác góp mặt trong danh sách lãi khủng gồm có MBB, ACB, VIB, HDB, MSB và TPB. 

Giống với Vietcombank và VietinBank, đại gia ngành sữa Vinamilk cũng có lợi nhuận giảm so với một năm trước, còn 2.862 tỷ đồng và xếp thứ 7 toàn thị trường. Ngoài ba cái tên vừa kể, các doanh nghiệp khác đều có lãi thuần tăng trưởng, Lọc - Hóa dầu Bình Sơn còn chuyển từ lỗ nghìn tỷ thành lãi nghìn tỷ.

Hòa Phát dẫn đầu 6 tháng 

Tuy thua kém Vinhomes trong cuộc đua quý II nhưng Hòa Phát lại dẫn trước trong bảng xếp hạng 6 tháng với lợi nhuận 16.751 tỷ đồng, tăng trưởng 231%. 

Theo sau hai đại gia ngành thép và bất động sản này là một dãy dài gồm 6 ngân hàng: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, VPBank và BIDV và MB.

Vinamilk là doanh nghiệp duy nhất trong top đầu có lợi nhuận giảm 7% so với cùng kỳ. Theo Chứng khoán SSI, công ty mới thực hiện 46,5% mục tiêu doanh thu và 48,6% kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm nên việc hoàn thành kế hoạch 2021 sẽ là một thử thách, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh từ tháng 5 đến nay.

Đường đua lợi nhuận: Vinhomes vô địch quý II, Hòa Phát quán quân 6 tháng - Ảnh 3.

Những cái tên còn thiếu

Một số tên tuổi lớn nhưng không có mặt trong các danh sách lợi nhuận khủng quý II cũng như 6 tháng là Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và Tập đoàn Masan (Mã: MSN). So với số lãi nửa đầu năm của hai doanh nghiệp dẫn đầu là Hòa Phát và Vinhomes, kết quả của Vingroup và Masan đều chưa bằng 1/10.

Trong quý II, Vingroup ghi nhận lãi trước thuế 3.618 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành lên tới 3.151 tỷ nên lãi thuần chỉ còn 566 tỷ. Lũy kế 6 tháng, Vingroup báo cáo lợi nhuận hợp nhất 1.433 tỷ đồng, tương đương nửa đầu năm ngoái.

Vinhomes là công ty con của Vingroup nhưng có lợi nhuận lớn hơn hẳn so với tập đoàn mẹ. Thực tế này cho thấy Vinhomes đang bù lỗ cho mảng kinh doanh khác của Vingroup.

Masan lãi sau thuế 1.053 tỷ trong quý II, cao gấp hơn 19 lần con số một năm trước. Tính chung 6 tháng, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lãi 1.396 tỷ, tích cực hơn hẳn số lỗ 162 tỷ trong nửa đầu năm 2020 nhưng vẫn còn cách rất xa top đầu lợi nhuận.

Chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ của Masan đã ghi nhận một số tín hiệu khả quan trong quý vừa qua nhưng mới chỉ có lãi trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), chưa có lãi thuần.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/duong-dua-loi-nhuan-vinhomes-vo-dich-quy-ii-hoa-phat-quan-quan-6-thang-20210804000240129.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/