Đừng để tin giả lên ngôi, tin thật chìm nghỉm

Tin giả xuất hiện tràn lan trong thời COVID-19. Nhưng tin giả có những dấu hiệu dễ dàng nhận biết, và hầu hết mọi người đều nhanh chóng bỏ qua chúng. Trên thực tế, điều mà mọi người cần lưu ý là xu hướng xem nhẹ những lời khuyên và cảnh báo hữu ích.

Tin giả thời COVID-19: Phải chăng mọi người đã quá cả tin? - Ảnh 1.

Tin giả về Cristiano Ronaldo dương tính với COVID-19 không gây ra hậu quả quá nghiêm trọng. Ảnh: Getty Images

Các cuộc khủng hoảng là thời điểm thuận lợi để tin giả xuất hiện. Trong thời buổi COVID-19 hiện nay, thông tin sai lệch cũng đang tràn lan trên thế giới. 

Nào là COVID-19 được phát triển trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc (hay ở Mỹ hoặc Pháp, ...), nào là Cristiano Ronaldo xét nghiệm dương tính với virus, hay Việt Nam đã có người tử vong vì COVID-19, hay bệnh nhân N.H.N là con gái của ông chủ công ty thép, ... tất cả đều là tin giả mà nhiều người mới nghe đều "tin sái cổ".

Tại sao thông tin sai lệch lại phát tán mạnh mẽ đến thế? Liệu những thông tin giả này có đồng nghĩa với việc mọi người đều rất dễ bị lừa, và sự lo lắng thái quá khiến cho họ dễ bị thuyết phục bởi những câu chuyện tầm phào, vô lí?

Hoàn toàn không. Trong hầu hết các trường hợp, tin giả được mọi người chia sẻ để bày trò mua vui. Con người rất dễ bị lôi cuốn bởi những câu chuyện giật gân (dịch bệnh bắt đầu chỉ vì ai đó đã ăn một bát súp dơi) hay những tin đồn nhảm về người nổi tiếng (ngôi sao bóng đá Ronaldo).

Theo tờ The Guardian, tất cả đều tuân theo một hình mẫu quen thuộc: Trong năm 2018, tin giả nổi tiếng nhất trên Facebook là về một người đàn ông trúng xổ số bỏ ra 200.000 USD mua phân động vật đổ lên bãi cỏ nhà sếp cũ.

Trong các trường hợp trên, việc tin rằng Ronaldo bị nhiễm COVID-19, hay virus này được sinh ra từ phòng thí nghiệm không gây ra hậu quả quá nghiêm trọng: Những tin giả này không làm thay đổi cách mọi người ứng xử.

Những người hâm mộ tưởng rằng Ronaldo bị ốm có thể vẫn sẽ mừng rỡ khi được bắt tay với thần tượng, và không ai đi đập cửa các phòng thí nghiệm virus để yêu cầu đưa ra lời giải thích về nguồn gốc của COVID-19.

Những tin giả đáng lo ngại nhất về COVID-19 là về cách chữa trị tiềm năng. Vài ngày trước, một người đàn ông ở bang Arizona của Mỹ đã chết sau khi uống chất hóa học được sử dụng để làm sạch bể cá cảnh, sau khi nghe tin rằng nó có chứa chloroquine – một loại thuốc chưa được thử nghiệm trong vai trò chữa trị COVID-19.

Dù sản phẩm họ sử dụng đúng là có chứa chloroquine, nhưng rõ ràng nó không phải là thuốc để uống.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít trường hợp tin giả có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi con người. Có đến hàng trăm triệu người đã nghe nói về loại thuốc chloroquine được cho là có thể chữa COVID-19 này, nhưng rất ít người có ý định sử dụng chúng như người đàn ông kia.

Trong phần lớn các trường hợp, khi được nghe về đặc tính được gán ghép cho một số chất này nọ, mọi người thường mặc kệ chúng, hoặc sử dụng làm lí do biện hộ để thực hiện những hành động mà họ đã muốn làm từ trước, ví dụ như những người thích uống chè bảo nó là thức uống chữa bách bệnh.

Nhưng, thậm chí nếu tin giả không gây ra hậu quả nghiêm trọng, tốt nhất người đọc vẫn nên trang bị cho mình khả năng phát hiện ra chúng (để chí ít là không bị cười nhạo khi chia sẻ một thông tin ngu ngốc lên mạng xã hội).

Hãy chú ý đến nguồn gốc của tin tức: rất nhiều mẩu tin giả về COVID-19 được lan truyền thành công trên mạng xã hội WhatsApp bắt đầu bằng những cụm từ đại loại như "một người bạn của tôi có ông chú sống ở Vũ Hán" hay "bố của một người bạn của tôi làm ở Bộ Y tế".

Việc gán ghép những thông tin giả với các nguồn "đáng tin cậy" như thế này luôn là yếu tố chính trong các tin đồn, và chúng là một dấu hiệu khá chắc chắn cho thấy thông tin nào đó là không có thật.

Việc tra cứu trên mạng Internet – về nguồn gốc, tác động, hoặc cách chữa trị COVID-19 – thường sẽ mang lại những tin tức xác thực, đặc biệt là trong trường hợp những thông tin này là trùng nhau trên một vài nguồn uy tín.

Cả tin hay thiếu niềm tin?

Cũng giống như trong hầu hết mọi tình huống khẩn cấp khác, vấn đề chính không phải là mọi người dễ dàng chấp nhận mọi điều họ được kể. Ngược lại, vấn đề là việc mọi người không chịu tiếp thu lời khuyên.

Từ trước đến nay, có rất nhiều lần những cảnh báo hữu ích đã không được chú ý và bị bỏ ngoài tai. Tại sao? Có thể là do mọi người nghĩ rằng thông tin này là bị sai lệch, hoặc thậm chí là bị thao túng để phục vụ mục đích của chính trị gia nào đó.

Tin giả thời COVID-19: Phải chăng mọi người đã quá cả tin? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump bị cho là đã xem nhẹ mối nguy từ COVID-19, bất chấp các cảnh báo. Ảnh: AP

Một lần nữa, đây cũng lại là một hình mẫu quen thuộc: sự ngờ vực và thiếu tin tưởng chính quyền địa phương đã khiến hơn 100.000 cư dân ở New Orleans mặc kệ các cảnh báo di tản, và phải hứng chịu mọi hậu quả khi cơn bão Katrina đổ bộ vào nước Mỹ năm 2005.

Tình hình hiện tại cũng không phải là ngoại lệ. Theo tờ The Guardian, tại Pháp, một ngày sau khi chính phủ nước này công bố đóng cửa trường học, và hối thúc người dân giữ khoảng cách xã hội, thì các khu chợ ở Paris vẫn rất đông đúc.

Không chỉ người dân, mà kể các các nguyên thủ quốc gia cũng có thể mắc phải tình trạng này. Ví dụ, trong một buổi họp báo đầu tháng 3, tổng thống Trump tuyên bố: "Ai mà ngờ được là sẽ có một đại dịch với qui mô khủng khiếp như thế này" khi nói về COVID-19 trong khi đó chính quyền ông Trump đã nhiều lần được thông báo về mối đe dọa của một đại dịch. 

Ngay cả các phản ứng điển hình nhất của tình trạng hoảng loạn -  ví dụ như dự trữ giấy vệ sinh hay mì ăn liền – cũng phản ánh sự thiếu tin tưởng: người dân không tin vào lời hứa của chính phủ là nhu yếu phẩm vẫn được đảm bảo đầy đủ. Mọi người cũng không tin rằng người khác sẽ kiềm chế hành vi tích trữ đồ, nên họ quyết tâm chạy ra chợ hoặc siêu thị trước khi hàng hóa bị kẻ khác vét sạch.

Về bản chất, con người đều rất cẩn trọng trước những thông điệp mình nhận được. Khi đánh giá một thông tin, điều đầu tiên chúng ta làm là so sánh nó với những gì mình đã tin tưởng: nếu chúng phù hợp với nhau, thì thông tin mới sẽ dễ được chấp nhận.

Tin giả lợi dụng xu hướng này bằng cách củng cố định kiến của mỗi người: người thích chè chén tin rằng rượu là phương thuốc chữa bệnh, còn những người phân biệt chủng tộc thì tìm cách đổ lỗi cho người nước ngoài.

Ngược lại, bất kì thông điệp nào mâu thuẫn với những kinh nghiệm quá khứ, đặc biệt là đòi hỏi phải hi sinh điều gì đó, thông thường sẽ bị gạt đi lúc ban đầu.

Do đó, đối với rất nhiều người, những cảnh báo sớm là rất khó chấp nhận: biện pháp cách li có vẻ là một phản ứng nghiêm trọng quá mức trước một mối đe dọa chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân hay người quen của họ.

Để vượt qua được phản ứng ban đầu này đòi hỏi phải có sự tin tưởng: công nhận rằng người đang đưa ra cảnh báo này là có năng lực thực sự, và không phải đang cố thao túng chúng ta.

Mọi người cần kiểm tra thông tin để củng cố niềm tin, chứ không phải là để tránh tin giả: ngay từ đầu, số lượng tin giả tiếp cận chúng ta ít hơn nhiều so với tin thật. 

Mọi người đều nên cảnh giác, nhưng việc cảnh giác cũng chỉ có thể giúp ích nếu chúng ta vẫn sẵn lòng chấp nhận những thông tin giá trị.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dung-de-tin-gia-len-ngoi-tin-that-chim-nghim-20200331190731891.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/