Đưa con đi gọi vốn, bà mẹ bỉm sữa khiến hai nhà đầu tư giành giật trên Shark Tank Việt Nam

Ứng dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ cho trẻ em, một bà mẹ bỉm sữa khiến hai nhà đầu tư tranh giành trên Shark Tank Việt Nam vào tối 9/10.

Thực phẩm hữu cơ cho trẻ em

Khi con tròn 6 tháng, bà mẹ bỉm sữa Đỗ Phan Hoàng Sương đau đớn khi biết cháu mắc bệnh thũng phổi. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, bé Súp – con chị dần khỏe mạnh trở lại sau vài tháng điều trị trong bệnh viện.

Đưa con đi gọi vốn, bà mẹ bỉm sữa khiến hai nhà đầu tư giành giật trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 1.

Đỗ Phan Hoàng Sương – người sáng lập Dalat Foodle Việt Nam cùng hai con của mình trên Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

"Sau thời gian ở bệnh viện, tôi tiếp xúc với rất nhiều bà mẹ có con dị tật ngay từ trong thai kỳ. Tôi nghĩ tôi phải làm việc gì đó để giúp những đứa trẻ khỏe mạnh ngay từ trong bụng đến khi sinh ra và trưởng thành", Sương kể lại.

Với sứ mệnh giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh bằng thực phẩm hữu cơ, Hoàng Sương quyết định "dấn thân" vào lĩnh vực nông nghiệp dù từng học ngành tài chính. Côsáng lập Dalat Foodle Việt Nam để cung cấp các sản phẩm rau củ tươi hữu cơ, nước trái cây và món ăn chế biến từ nguyên liệu hữu cơ.

Mục tiêu chiếm 20% thị phần trong 5 năm tới

Đưa Dalat Foodle lên sóng Shark Tank Việt Nam tối 9/10, Hoàng Sương kêu gọi 5 tỉ đồng cho 20% cổ phần. Chị muốn chiếm 20% thị phần thực phẩm hữu cơ cho trẻ em trong 5 năm tới.

Sương sẽ sử dụng 1 tỉ đồng cho quảng bá thương hiệu, 500 triệu đồng vào công nghệ quản lý, đầu tư 1,5 tỉ đồng mở rộng xưởng cùng hai cửa hàng, còn lại là vốn lưu động.

Nhà sáng lập cho hay, Dalat Foodle hướng tới từng phân khúc khách hàng. Dòng rau củ tươi dành cho phụ nữ muốn mua về tự chế biến. Gói sản phẩm (combo) kèm hướng dẫn chế biến phù hợp với người muốn tiết kiệm thời gian tìm hiểu trên mạng về cách nấu.

"Mọi người thường nghĩ làm hữu cơ khó nên ít người làm. Bản thân tôi phải tìm cách đơn giản nhất để mọi người làm được. Đừng ngại khó mà không làm", Sương thổ lộ.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên công nghệ blockchain

Ra đời từ năm 2015, đến tháng 3/2019, Dalat Foodle đã phục vụ 15.449 khách hàng, đạt doanh thu 10,5 tỉ đồng, lợi nhuận 0,46 tỉ đồng. Hiện tại, công ty đặt trụ sở tại Sài Gòn, vùng nguyên liệu ở Lâm Đồng, Cần Thơ, Đồng Nai của kỹ sư trực tiếp đầu tư và giám sát.

"Dalat Foodle có hệ thống camera giám sát tại vườn. Đặc biệt, công ty đang chạy thử công nghệ blockchain giúp người dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ hạt mầm đến thành phẩm ra thị trường", Sương nói.

Đưa con đi gọi vốn, bà mẹ bỉm sữa khiến hai nhà đầu tư giành giật trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 2.

Chủ tịch Intracom – Nguyễn Thanh Việt - trên Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Doanh nhân Phạm Thanh Hưng muốn nhà sáng lập chứng minh sản phẩm Dalat Foodle thực sự hữu cơ. Ông chưa tìm thấy doanh nghiệp nào chắc chắn cung cấp 100% sản phẩm hữu cơ. 

Không thể truy xuất nguồn gốc là nỗi đau của các thương hiệu sản phẩm sạch nói chung và sản phẩm hữu cơ nói riêng.

"Dalat Foodle có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ công đoạn đóng gói đến quá trình vận chuyển, còn đóng gì vào túi, chai thì tôi chưa thấy", ông Hưng chia sẻ sau khi quét thử sản phẩm trên nền tảng của Dalat Foodle.

Hai "cá mập" tranh giành

Không tin sản phẩm Dalat Foodle hoàn toàn hữu cơ, hai doanh nhân  Phạm Thanh Hưng, Đỗ Thị Kim Liên nhanh chóng từ chối rót vốn.

Thay vì đầu tư, "cá mập công nghệ" Nguyễn Mạnh Dũng muốn hợp tác cùng nhà sáng lập với vai trò là nhà cung cấp trên nền tảng công nghệ về thực phẩm sạch trong tương lai.

Nữ doanh nhân Thái Vân Linh khuyên Hoàng Sương thử nghiệm món ăn trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử để tìm hiểu khẩu vị khách hàng. Bà đưa ra đề nghị rót 5 tỉ đồng đổi lấy 40% cổ phần kèm điều kiện giải ngân theo từng giai đoạn.

"Nếu tôi có giải thưởng Nobel về kinh tế thì sẽ trao cho bạn vì làm nông nghiệp có lãi rất khó", shark Nguyễn Thanh Việt nhấn mạnh.

Chủ tịch Intracom đồng ý con số gọi vốn ban đầu của nhà sáng lập là 5 tỉ đồng cho 20% cổ phần. Ông cho hay, mùa trước ông mang tiếng thích chi phối nên mùa này ông đổi ý đầu tư đúng con số của Hoàng Sương nhưng giải ngân theo từng giai đoạn.

Sau vài phút suy nghĩ, nhà sáng lập Dalat Foodle quyết định hợp tác cùng doanh nhân Nguyễn Thanh Việt.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dua-con-di-goi-von-ba-me-bim-sua-khien-hai-nha-dau-tu-gianh-giat-tren-shark-tank-viet-nam-2019101001113511.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/