Dự báo giá cà phê: Tết Canh Tý có thể kéo giá cà phê quí I tăng?

Chuyên gia dự báo lượng tiêu thụ cà phê quí I sẽ tăng trong khi lượng bán ra cầm chừng. Nhiều yếu tố bất định về tỉ giá, diễn biến thương mại thế giới có thế khiến giá cà phê diễn biến ngoài dự báo.

Lượng tiêu thụ cà phê có thể tăng trong quí I nhờ Tết Nguyên Đán

Trao đổi với người Viết, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), cho biết giá cà phê hiện nay đã chạm đáy, xuống dưới giá thành sản xuất. Vụ 2019-2020 sẽ là năm thứ ba liên tiếp ngành cà phê chịu đợt khủng hoảng giá và người trồng gặp nhiều khó khăn. 

Giá thấp khiến nông dân không còn động lực để đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu chăm sóc cây, một số hộ thậm chí đã chặt bỏ cây cà phê

“Giá cà phê luôn vận hành theo vòng chu kì luẩn quẩn mà chúng ta vẫn chưa thể thoát ra được. Sau một thời kì khó khăn người dân sẽ giảm diện tích hoặc ít chăm sóc cây cà phê khiến sản lượng giảm và kéo theo giá tăng. Niên vụ 2019 - 2020, dự kiến sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm khoảng 15% so với niên vụ 2018 - 2019.

Tuy nhiên, khi giá tăng trở lại người dân lại đổ xô trồng, tăng diện tích nên sản lượng tăng mạnh và giá cà phê quay đầu giảm. Hiện nay nguồn cung vẫn đang vượt quá nhu cầu”, ông Lương Văn Tự nói.

Tết Canh Tý có thể kéo giá cà phê quí I tăng? - Ảnh 2.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam. (Ảnh: Đức Quỳnh)

Đại diện VICOFA cũng chỉ ra rằng việc chặt bỏ cây cà phê có thể dẫn tới hệ quả Việt Nam mất vị thế là nước xuất khẩu cà phê trên thế giới. 

Trong quí I, đặc biệt là dịp Tết, ông Tự dự báo lượng tiêu thụ sẽ tăng trong khi lượng bán ra cầm chừng do giá đang thấp và nhiều nhà buôn nghỉ lễ. 

Do đó điều này góp phần tác động tích cực lên giá. Song ông cũng lưu ý rằng nhiều yếu tố bất định về tỉ giá, tình hình thương mại thế giới có thế khiến giá cà phê diễn biến ngoài dự báo. 

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê robusta khó có khả năng tăng do phần lớn người trồng cà phê Việt Nam sẽ hoàn tất thu hoạch trước Tết Nguyên Đán. 

Nhu cầu tiền mặt tăng cao trong dịp này góp phần gia tăng áp lực bán hàng ở vùng giá thấp hiện hành. Bên cạnh đó, sản lượng robusta toàn cầu tăng cao so với vụ trước gây áp lực lên giá mặt hàng này.

Về dài hại, Chủ tịch VICOFA cho rằng giá cà phê sẽ tăng từ từ theo cung - cầu và diễn biến tăng trưởng kinh tế thế giới. Nếu nền kinh tế đi lên, lượng tiền đầu tư cho cà phê sẽ nhiều hơn và ngược lại.

Nhiều công ty tham gia thị trường cà phê hòa tan

Theo ông Tự, để phát triển ngành cà phê thực sự bền vững cần tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị của mặt hàng này. 

“Nhiều người nói khi Việt Nam hội nhập, mắt hàng cà phê nhân xuất khẩu sẽ được hưởng thuế bằng 0% và chúng ta cứ nhìn vào lợi ích từ việc xuất khẩu nhân. Nhưng lợi nhuận thực sự lớn nằm ở khâu chế biến sâu. 

Tôi lấy ví dụ đơn giản tính trung bình một kg cà phê nhân có giá 2 USD. Trong 1 kg cà phân nhân đó nếu rang và xay lên sẽ pha được khoảng 30 cốc. Giá 1 cốc cà phê bằng 1 cân cà phê nhân. Lợi nhuận gấp 30 lần. 

Đương nhiên, chúng ta cũng cần phải tính đến chi phí về nhân công, mặt bằng, thương hiệu…nhưng tính chung lại lợi nhuận vẫn lớn hơn rất nhiều so với nhân”, ông Tự chia sẻ.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn, tổng công suất thực tế đạt 83,6%. 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm.

8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 97,9%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu như: Cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe, Trung Nguyên, dần chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, ông Tự cũng cho hay hiện nay nhiều cơ sở rang cà phê nhỏ lẻ xuất hiện. Thậm chí các quán cà phê tự đầu máy rang tại chỗ do chi phí máy móc rẻ và hiện đại.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, đối với mặt hàng cà phê hòa tan, mặt hàng này không còn là sân chơi phần lớn dành cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam mà các doanh nghiệp trong nước cũng đã tham gia thị trường này. 

“Ngày xưa chỉ có 2 doanh nghiệp nội địa sản xuất cà phê hào tan đó là Trung Nguyên và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam nhưng bây giờ đã có thêm 4 công ty”, ông Tự nói.

Theo Bloomberg, thay vì bán hạt cà phê robusta thô cho các công ty nước ngoài để chế biến cà phê hòa tan, nhà cung cấp lớn nhất Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch ra mắt sản phẩm cà phê uống liền của chính họ vài đầu năm 2020.

Bước chuyển mình này nhằm mục đích nâng cao lợi nhuận từ thị trường châu Á - nơi nhu cầu về các loại đồ uống đang phát triển mạnh mẽ; đồng thời hạn chế sự bất ổn của thị trường giao dịch cà phê trên thế giới.

"Chúng tôi không muốn để lỡ cơ hội ở thị trường vô cùng màu mỡ đó là cà phê hòa tan. Sản phẩm này đem lại nhiều lợi nhuận hơn là rủi ro vì chúng tôi không phải phụ thuộc vào giá cà phê giao dịch trên sàn London", ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch của Intimex Group nói. 

Bộ Công Thương dự báo năm 2020 sẽ có sự chuyển dịch về cơ cấu mặt hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới. 

Năm 2019 tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành cà phê Việt Nam. Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, so với tháng 11/2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên trong tháng 12/2019 giảm 1.600 – 1.700 đồng/kg xuống còn 31.300 – 31.700 đồng/kg. 

Tết Canh Tý có thể kéo giá cà phê quí I tăng? - Ảnh 1.

Diễn biến giá cà phê Việt Nam trong năm 2019. Đơn vị: Đồng/kg (Tổng hợp: Đức Quỳnh)

Trong năm qua, giá cà phê trong nước biến động giảm phần lớn từ 2.200 – 2.300 đồng/kg so với cuối năm 2018. Nguyên nhân là thị trường chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu và người trồng cà phê Brazil tăng cường bán ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-bao-gia-ca-phe-tet-canh-ty-co-the-keo-gia-ca-phe-qui-i-tang-20200121120242658.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/