Đơn kiện đòi 50 euro đang đe dọa OPEC

Một đơn kiện trị giá 50 euro (EUR) của một nhà kinh tế và luật sư tại Đức có thể khiến liên minh độc quyền OPEC gặp nhiều thách thức.

Trụ sở OPEC tại Vienna, Áo. (Ảnh:Tân Hoa Xã).

Theo Bloomberg, ông Armin Steinbach, nhà kinh tế và luật sư 44 tuổi người Đức, tin rằng OPEC đang vận hành một liên minh độc quyền (cartel) phi pháp, làm tăng giá xăng và dầu sưởi ấm. Ông quyết định khởi kiện OPEC vì những thiệt hại trên với mức bồi thường là 50 EUR, chưa tính lãi suất.

Vụ kiện được đệ trình lên một tòa án khu vực tại Berlin nhằm chống lại Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số doanh nghiệp dầu khí nhà nước không phải là một trò đùa pháp lý. Cho tới nay, đơn kiện đã được thụ lý, thẩm phán đã yêu cầu OPEC và một số doanh nghiệp dầu khí nhà nước chọn luật sư.

Vụ kiện này bất thường bởi vì trong suốt hơn 60 năm lịch sử, OPEC vẫn chưa từng đối mặt với bất cứ thách thức pháp lý nghiêm trọng nào, bất chấp sự tương đồng với một liên minh độc quyền.

Nếu một tòa án ra phán quyết chống lại OPEC, hậu quả có thể sẽ rất lớn. Ít nhất trong ngắn hạn, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ giá dầu thấp, trong khi Arab Saudi và các doanh nghiệp dầu mỏ lớn sẽ kiếm được ít tiền hơn. Tuy vậy, thị trường dầu thô đối mặt với nguy cơ trở nên hỗn loạn như thị trường khí đốt.

Tấm khiên của OPEC

Các chính phủ phương Tây đã tránh đưa OPEC ra tòa vì hai lý do. Họ cho rằng OPEC được bảo vệ bởi quyền miễn trừ quốc gia và học thuyết chủ thể của nhà nước, đồng thời lo sợ bị liên minh này trả thù.

Một vài nhà lập pháp đã xem xét các giải pháp sáng tạo để phá vỡ sự bế tắc. Vào năm 2000, khi còn là một nghị sĩ, ông Joe Biden gợi ý với Tổng thống Bill Clinton rằng Nhà Trắng nên kiện OPEC tại Tòa án Quốc tế ở Hague (La Hay).

Các nguyên đơn là cá nhân và doanh nghiệp không cần phải lo sợ bị trả thù. Đáng ngạc nhiên là trong 50 năm qua ở Mỹ, vùng đất của những vụ kiện tụng nhanh chóng và dễ dàng, chỉ có hai cá nhân từng thử khởi kiện OPEC. Và những người này đã thất bại do quyền miễn trừ quốc gia và nguyên tắc chủ thể của nhà nước.

Hiệp hội Công nhân Máy móc và Vũ trụ Quốc tế, một công đoàn của Mỹ và Canada, đã kiện OPEC vào năm 1978. Vụ kiện này đã bị bác bỏ. Một nguyên đơn khác là Prewitt Enterprise, công ty điều hành các trạm xăng, cũng đã khởi kiện liên minh dầu mỏ do Arab Saudi dẫn đầu vào năm 2000 và thất bại vì lý do kỹ thuật. Trong những năm gần đây, không có vụ kiện nào tại châu Âu hoặc châu Á chống lại OPEC.

OPEC cảm thấy chắc chắn về vị trí của mình đến mức, thông thường, phản ứng mặc định của tổ chức này khi có lệnh triệu tập của tòa án chỉ là phớt lờ. OPEC từ chối yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Yếu tố thuận lợi cho vụ kiện

Liệu ông Steinbach có thể thành công khi nhiều người trong quá khứ đã thất bại? Vụ kiện lần này có ba yếu tố có lợi cho ông Steinbach.

Thứ nhất, trong vài năm qua, các tòa án châu Âu đã ra những phán quyết chống lại ngành công nghiệp dầu mỏ trong những vụ kiện mang tính bước ngoặt mà ít người nghĩ rằng có thể xảy ra chỉ vài năm trước.

Phán quyết vào năm 2021 đã buộc Shell cắt giảm lượng khí thải carbon là một ví dụ. Trường hợp của vụ kiện chống lại OPEC lần này rất khác biệt. Tuy vậy, động thái này có thể nhận được sự ủng hộ tương tự từ các cơ quan pháp lý.

Thế giới pháp lý của năm 2022 rất khác so với 1978 và 2000 khi những nguyên đơn tư nhân của Mỹ từng thử kiện OPEC. Ví dụ, luật pháp châu Âu giờ đây đã cho phép công dân được khởi kiện chống độc quyền. Luật pháp Đức cũng đưa ra một sự giải thích hẹp hơn về định nghĩa quyền miễn trừ quốc gia.

Ông Steinbach, giảng viên kinh tế và luật tại trường kinh doanh HEC Paris danh tiếng, cựu công chức cấp cao của Bộ Tài chính Đức, tin rằng mình có cơ hội chiến thắng OPEC.

“OPEC là một liên minh độc quyền”, ông nói. “Tổ chức này cung cấp một nền tảng để các quốc gia thỏa thuận về hạn ngạch sản xuất dầu, giúp loại bỏ những áp lực cạnh tranh vốn có và bằng cách đó gián tiếp ảnh hưởng tới giá cả”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Steinbach thử kiện OPEC. Một thập kỷ trước, ông đã gửi đơn kiện. OPEC đã khiếu nại thông qua Bộ Ngoại giao Đức và ông Steinbach, khi đó là một công chức, đã rút lại đơn kiện.

Các dự luật chống lại OPEC có xu hướng xuất hiện cùng với dòng chảy của thị trường dầu mỏ. Với việc giá dầu Brent chạm mốc 100 USD/thùng trong những tháng vừa qua, có thể liên minh này sẽ còn hứng nhiều đơn kiện.

Giá dầu Brent trung bình trong năm 2022 là 101,4 USD/thùng. 

Tương tự như những gì đã xảy ra với các tập đoàn dầu khí lớn về vấn đề biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, OPEC có thể phải đối mặt với các vụ kiện của khu vực tư nhân. Chắc chắn hầu hết sẽ thất bại. Tuy vậy, chỉ cần một nguyên đơn chọc thủng được lá chắn miễn trừ quốc gia là OPEC sẽ đối mặt với rắc rối nghiêm trọng.

Tại Mỹ, các nhà lập pháp đang tranh luận về đạo luật NOPEC. Dự luật trên đề xuất đưa liên minh dầu mỏ vào luật chống độc quyền Sherman, được áp dụng cách đây một thế kỷ để phá vỡ đế chế dầu mỏ của ông John Rockefeller.

Nếu được ban hành, Nhà Trắng có thể kiện Arab Saudi và các đồng minh vì đã thao túng thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuy vậy, dự luật này đang vấp phải sự phản đối đáng kể.

Arab Saudi đang đưa ra các chính sách nhằm giữ giá dầu ở mức 100 USD/thùng, theo cách tiếp cận “ưu tiên [lợi ích] người Arab Saudi trước tiên”. Đối với Riyadh, giữ giá cao tốt cho hoạt động kinh doanh, và đồng thời cũng mang lại nhiều rủi ro về pháp lý.

Tuy vậy, người tiêu dùng và các chính phủ nên suy xét kỹ về một thị trường tự do. Giá dầu đang ở mức cao kỷ lục. Tuy vậy, thị trường dầu mỏ vẫn có vẻ ổn định hơn những thị trường không có liên minh độc quyền, chẳng hạn như khí đốt hay than đá. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/don-kien-tri-gia-50-euro-dang-de-doa-opec-20221172113762.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/