'Doanh nghiệp dệt may sẽ gặp khó trong việc ký kết đơn hàng cho quý IV/2022 và năm 2023'

BSC cho rằng trong quý IV/2022 và năm 2023, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục gặp nhiều thách thức trong việc ký kết đơn hàng khi các khách hàng tiếp tục xử lý hàng tồn kho cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường xuất khẩu lớn bao gồm Mỹ, khối CPTPP, EU và Hàn Quốc…

Riêng trong quý III, xuất khẩu dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Trong báo cáo triển vọng ngành dệt may, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng mức tăng trưởng khả quan đến từ mức nền thấp cùng kỳ khi hoạt động xuất khẩu của quý III/20221 bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa phòng dịch bệnh.

Thực tế, xuất khẩu xơ sợi trong quý III tiếp tục ghi nhận đà giảm mạnh với kim ngạch 1 tỷ USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may đi xuống, tồn kho cao. BSC cho rằng xu hướng giảm vẫn sẽ tiếp tục trong quý IV và giá sợi ổn định ở mức thấp trong năm 2023.

11/12 doanh nghiệp dệt may công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu đạt 14.082 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận đạt 799 tỷ đồng, tăng 58%.

Tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp ở mức cao do mức nền thấp của năm ngoái khi một số doanh nghiệp phía Nam ảnh hưởng sản xuất do lệnh giãn cách xã hội, các đơn hàng dệt may vẫn xuất đi bình thường.

Bàn về triển vọng ngành dệt may năm 2023, BSC cho rằng trong quý IV/2022 và năm 2023, các doanh nghiệp dệt may tiếp tục gặp nhiều thách thức trong việc ký kết đơn hàng khi các khách hàng tiếp tục xử lý hàng tồn kho cao trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Với mảng may truyền thống, thị trường Mỹ với mức hàng tồn kho đang cao và rủi ro suy thoái tiếp tục giảm giá trị đơn hàng ký mới trong năm 2023. Còn thị trường EU với nền kinh tế dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn thị trường Mỹ cũng sẽ gặp áp lực cắt giảm đơn hàng mới cho năm sau.

Tương tự với mảng sợi, BSC cho rằng năm 2023, giá sợi tiếp tục giao dịch quanh mức nền thấp khi nhu cầu may truyền thống suy giảm do hàng tồn kho cao và nhu cầu mua sắm giảm sút khi kinh tế thế giới suy thoái.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-det-may-se-gap-kho-trong-viec-ky-ket-don-hang-cho-quy-iv2022-va-nam-2023-20221129215439145.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/