Doanh nghiệp dệt may không lo thiếu đơn hàng, chỉ lo không kịp mở cửa để giữ chân khách hàng

Theo các doanh nghiệp, nếu TP HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện đúng dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 1/10 thì quý IV năm nay sẽ bù đắp cho quý III sụt giảm vừa qua, bởi đây là quý cao điểm của dệt may hàng năm và vấn đề đơn hàng thường không phải lo lắng.

Thua lỗ vì sản xuất bị thu hẹp, đóng cửa

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam và lan rộng ở nhiều địa phương trên cả nước đã kéo doanh thu nhiều doanh nghiệp dệt may sụt giảm mạnh, thậm chí là thua lỗ. 

Cụ thể, như Công ty Dệt may Thành Công (Mã: TCM), theo kết quả kinh doanh được công bố doanh thu tháng 8 của đơn vị này chỉ đạt 10,5 triệu USD, tương đương 238 tỷ đồng, giảm mạnh 23% so với cùng kỳ năm trước.

Lỗ sau thuế hơn 282.400 USD, khoảng 6,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1 triệu USD, tương đương 22,7 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên trong năm 2021 Dệt may Thành Công báo lỗ do dịch bệnh phức tạp. 

Chia sẻ với người viết, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Dệt may Thành Công, cho biết: "Việc sản xuất "3 tại chỗ" chi phí quá cao, trong khi bị giới hạn người lao động không quá 50% trong tổng số hơn 6.500 lao động nên công suất hoạt động của công ty không thể cao. 

Từ đó, sản lượng bị sụt giảm đã dẫn đến việc công ty lỗ trong tháng 8 vừa qua và vấn đề mệt mỏi của doanh nghiệp là dòng tiền không thu về được thì cũng không thể trả lương cho người lao động và các chi phí khác".

Dệt may Thành Công là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng dệt may đi hầu hết các nước trên thế giới, trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất khoảng 32%, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm khoảng 28%, Nhật Bản và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo chiếm khoảng 12%.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, với công suất sụt giảm, việc thực hiện các đơn hàng bị trì hoãn, giãn tiến độ. Có những trường hợp không được chấp nhận, đối tác đã hủy đơn hàng dù doanh nghiệp đã mua đầy đủ nguyên vật liệu sản xuất nhưng do thời gian giao hàng gia hạn quá lâu nên buộc họ phải hủy.

Với Công ty Việt Thắng Jean, doanh nghiệp này cũng đối diện tình cảnh tương tự khi các nhà máy tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai phải ngưng sản xuất do mô hình "3 tại chỗ" không hiệu quả, điều này đã khiến doanh thu của công ty trong các tháng vừa qua hoàn toàn bằng con số 0.

"Kinh doanh thời trang là mặt hàng có thời vụ nên khi các nhà máy dừng hoạt động, công ty không thể giao hàng đúng kế hoạch dù có đưa một số đơn ra miền Trung, miền Bắc nhưng sau đó cũng phải dừng lại vì dịch bệnh", ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc công ty Việt Thắng Jean chia sẻ.

Đây không phải là câu chuyện của riêng các doanh nghiệp mà thực tế đó là tình trạng chung của toàn ngành hàng khi số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của ngành ước giảm 18,7% so với tháng 7 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020.  

Doanh nghiệp dệt may không lo thiếu đơn hàng, chỉ lo không kịp mở cửa để giữ chân khách hàng - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may.(Ảnh: Nhịp cầu đầu tư)

Nhưng đơn hàng không sợ thiếu

Trải qua hơn hai tháng sản xuất gặp khó khăn vì dịch bệnh làm cho các doanh nghiệp trở nên kiệt sức. Thực tế này khiến các đơn vị rất mong chờ thời điểm tái hoạt động, dù ở trạng thái "bình thường mới".

Theo ông Trần Như Tùng, nếu TP HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện đúng dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 1/10 thì quý IV năm nay sẽ bù đắp cho quý III sụt giảm vừa qua, bởi  đây là quý cao điểm của dệt may hàng năm và vấn đề đơn hàng thường không phải lo lắng.

"Hiện tại đơn hàng của TCM đã trải dài đến hết năm nay và kéo sang quý I/2022, đơn hàng giờ không dám nhận thêm chứ không sợ thiếu. Với TCM dự kiến doanh thu sẽ thực hiện được ở mức 85-90% mục tiêu đề ra dựa trên kịch bản khả quan là kinh tế mở cửa trở lại đúng kế hoạch", Chủ tịch TCM chia sẻ.

Phân tích cụ thể nhận định này, ông Tùng cho biết dù hiện một số đối tác rục rịch chuyển đơn hàng sang các nước nhưng khách hàng vẫn sẽ nhìn vào kế hoạch mở cửa nền kinh tế.

Do đó, nếu TP HCM và các tỉnh, thành mở cửa trở lại, khả năng khách hàng sẽ tiếp tục ở lại với doanh nghiệp Việt Nam, còn nếu việc giãn cách còn kéo dài lâu hơn thì không biết tình hình sẽ thế nào. 

"Bởi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu sắp bước vào mùa cao điểm bán hàng là dịp Noel và Tết Dương lịch nên bây giờ mình làm còn kịp chứ chậm hơn nữa sẽ không kịp làm hàng cho họ bán, buộc họ sẽ chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác", ông Trần Như Tùng cho hay.

Và với kịch bản phục hồi khả quan trong những tháng cuối năm, đại diện TCM cho biết công ty đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để trở lại sản xuất bình thường khi chính quyền cho phép, bởi điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ chân khách hàng, tránh đứt gãy đơn hàng.

Một trong số những sự chuẩn bị được cho là điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh đó là số lượng người lao động đã tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 1 đạt tỷ lệ 90%, một số công nhân đang được tiêm mũi 2.

"Tôi cho rằng nếu kịch bản thành phố mở cửa vào 1/10 thì đó là điều rất tốt cho doanh nghiệp và chúng tôi đang mong chờ từng phút để đến ngày đó. Nếu thành phố cho người lao động tiêm 1 mũi đi làm thì TCM có thể tăng 80-90% dựa vào số lượng lao động đã tiêm vắc xin, khi đó doanh nghiệp sẽ tăng tốc các đơn hàng và tình hình kinh doanh chắc chắn sẽ khởi sắc hơn", Chủ tịch HĐQT TCM chia sẻ.

Đây cũng là chia sẻ của Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean khi cho biết ngay từ tháng 4, tháng 5, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III và khi dịch bùng phát thì đơn hàng dồn lại cùng với các đơn hàng mới nên hiện công ty đã có đủ đơn hàng sản xuất đến cuối năm.

"Số lượng hàng không thiếu, nhưng do vừa qua chúng ta chống dịch dài quá nên đã có một số đơn hàng chuyển đi các quốc gia khác và nếu chúng ta phục hồi lại thì khả năng chúng ta vẫn sẽ xuất khẩu khả quan những tháng cuối năm.

Trước đây chúng tôi cũng đã hỗ trợ khách hàng nên trong đợt dịch này, dù thời gian gia hàng bị trì hoãn, khách hàng cũng không phạt công ty và vẫn duy trì các đơn đặt hàng, quan trọng là mình xác định ngày mở cửa", ông Phạm Văn Việt cho hay.

Theo đó, đại diện Việt Thắng Jean cho biết công ty sẽ cơ cấu lại nhân sự, lao động theo tình hình mới và nhu cầu thị trường, cùng với hoạt động sản xuất đáp ứng các tiêu chí của thành phố đưa ra theo dự thảo mở cửa trở lại vào đầu tháng 10.

Cụ thể, công ty sẽ tăng cường khử khuẩn từ 4 lần/ngày bằng hệ thống khử khuẩn tự động, liên tục bên cạnh đó sẽ cải tiến bếp ăn, nơi sinh hoạt công cộng để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người lao động.

Dù chi phí cho các hoạt động này tăng lên nhưng theo doanh nghiệp, đơn vụ vẫn chấp nhập bởi với ngành dệt may, giá trị cốt lỗi nằm ở con người và thị trường nên nếu không đảm bảo an toàn cho con người thì doanh nghiệp sẽ rất khó phục hồi.

Đồng thời, cho biết các đơn vị sản xuất, xuất khẩu của ngành hàng đã có đề xuất TP HCM và các sở ban ngành địa phương hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp đón người lao động từ các tỉnh về cũng như ưu tiên tiêm mũi 2 cho họ để sau 14 ngày doanh nghiệp có thể tập trung doanh nghiệp về nhà máy.

"Sau ngày 1/10 công ty sẽ thực hiện phương án "1 cung đường - 2 điểm đến" và với những lao động không có điều kiện đi về thì công ty sẽ bố trí chỗ ăn ở tại chỗ. Đây là phương án mà Việt Thắng Jean kỳ vọng từ đây đến cuối năm sẽ khôi phục 70-80% số lao động so với trước dịch", ông Việt chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-det-may-khong-lo-thieu-don-hang-chi-lo-khong-kip-mo-cua-de-giu-chan-khach-hang-20210927142247565.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/