Doanh nghiệp dầu khí lãi đậm, EU xem xét yêu cầu 'chia sẻ' lợi nhuận

Các công ty nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ phải chia sẻ lợi nhuận vượt mức để giúp các hộ gia đình và ngành công nghiệp châu Âu đối phó chi phí tăng vọt, theo một dự thảo của Liên minh châu Âu (EU).

Reuters cho biết giá năng lượng và lạm phát đã tăng cao đã khiến Pháp phải yêu cầu người tiêu dùng chia sẻ một phần nỗi đau trong khi Anh đối diện với nguy cơ suy thoái.

Dự thảo được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, dự kiến ​​được công bố trong tuần này, sẽ buộc ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch “đóng góp đoàn kết”. Theo dự thảo, các công ty dầu khí, than và lọc dầu sẽ phải đóng góp tài chính dựa trên lợi nhuận thặng dư chịu thuế trong năm tài chính 2022.

Theo dự thảo: "Lợi nhuận năm nay không tương ứng với bất kỳ khoản lợi nhuận thường xuyên nào mà các doanh nghiệp [dầu khí, than và lọc dầu] sẽ hoặc có thể kỳ vọng kiếm được trong thời gian bình thường". BP, Shell, TotalEnergies đều chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Đề xuất của EC dự kiến ​​sẽ bao gồm một chiếc phao cứu sinh cho các công ty điện lực đang đối mặt với các khoản ký quỹ khổng lồ cho hợp đồng tương lai. Các quốc gia vẫn đang tranh cãi về nội dung chi tiết và liệu có nên áp đặt giá trần khí đốt hay không. Nga đã tuyên bố sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung nếu EU đưa ra giá trần khí đốt. 

Cùng chia sẻ gánh nặng

Tại Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết người tiêu dùng sẽ được bảo vệ bởi các mức giới hạn mới về giá năng lượng, sau khi quy định cũ hết hiệu lực vào mùa đông. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải gánh chịu một số chi phí bởi sẽ “hoàn toàn vô trách nhiệm nếu chỉ đặt gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.

Tại nước láng giềng Tây Ban Nha, công ty điện lực Iberdrola tuyên bố sẽ đảm bảo cung cấp khí đốt và điện trong 5 tháng cho những khách hàng được Hội Chữ thập Đỏ coi là dễ bị tổn thương. Sau đó tất cả hóa đơn chưa thanh toán sẽ phải được chi trả. 

Nhóm vận động hành lang kinh doanh chính của Italy, Confindustria đang đàm phán với chính phủ về cách thức phân chia nếu giới hạn tiêu thụ khí đốt được áp đặt.

Với việc EU đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, Gasgrid của Phần Lan đặt mục tiêu bắt đầu nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) thông qua một cảng tiếp nhận nổi (FSRU) dự kiến ​​vào tháng 1/2023.

Cơ quan giám sát chứng khoán của EU đang "tích cực xem xét" các biện pháp có thể thực hiện nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp điện lực đang phải đối mặt với những khoản thế chấp khổng lồ. 

 

Lạm phát tại Anh đã đạt hơn 10%, mức cao nhất trong 40 năm. Nền kinh tế Anh trong tháng 7 tăng trưởng 0,2% so với tháng 6, thấp hơn mức 0,4% dự kiến. Chi phí năng lượng tăng mạnh ảnh hưởng tới nhu cầu về điện và sự nhảy vọt về giá nguyên vật liệu tác động đến lĩnh vực xây dựng.

Ông Paul Dales tại Capital Economics cho biết: “Một sự phục hồi nhỏ đáng thất vọng của GDP thực tế [của Anh] trong tháng 7 cho thấy nền kinh tế có rất ít động lực và có thể đã suy thoái”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-dau-khi-lai-dam-eu-xem-xet-yeu-cau-chia-se-loi-nhuan-202291393719186.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/