Doanh nghiệp chỉ ra lỗ hổng trong việc đăng kí xuất khẩu gạo, kiến nghị huỷ bỏ kết quả và thực hiện lại

Trong vòng chưa đầy 24h, số lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch đã được đăng kí đủ, tuy nhiên, doanh nghiệp lại cho rằng đang có một lỗ hổng trong việc đăng kí, gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã chỉ ra "lỗ hổng" trong việc mở tờ khai hải quan điện tử xuất khẩu gạo của Tổng cục Hải quan.

Theo phân tích của ông, nếu chỉ cho khai đến 400.000 tấn rồi đóng "cổng thông tin" dẫn đến vấn đề tờ khai "xí chỗ", theo đó, dù doanh nghiệp xuất hàng không kịp và tụt lại phía sau theo qui định nhưng khi Hải quan mở "cổng" đợt mới lại khai được tiếp. Trong khi các doanh nghiệp đợt đầu khai không được thì đến đợt 400.000 tấn sau cũng lại khai không được. 

Do vậy, ông cho rằng hải quan nên cho khai mới và cho khai với số lượng không hạn chế, ví dụ cho khai tự do đến 2 triệu tấn thay vì chỉ 400.000 tấn theo hạn ngạch.

"Khai tự do để chống lợi ích nhóm và rất công bằng. Khi thông quan có kiểm soát đủ 400.000 tấn là dừng", ông Bình nhấn mạnh.

Đồng thời, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai từ ngày 11/4 đến nay đồng thời Hải quan nên cho các doanh nghiệp khai tiếp những lô đang khai dang dở và thông quan toàn bộ số lượng gạo đã nằm trên cảng (dự kiến thực tế không vượt qua 250.000 tấn).

Tờ khai nào khai trước thì xuất khẩu trước đến khi thông quan đạt mốc 400.000 tấn thì dừng xuất khẩu, bởi các doanh nghiệp đều theo dõi được và tự điều chỉnh tiến độ.

Ngoài ra tờ khai nào sau 15 ngày không xuất thì số lượng không xuất đó tụt lại sau cùng theo qui định nhưng phải tụt lại ở sau 2 triệu tấn.

Đây là những kiến nghị của Công ty Trung An tại văn bản đề nghị giải quyết khẩn cấp (lần thứ hai) vừa gửi đến Thủ tướng Chính Phủ, Văn phòng chính phủ, Bộ Công Thương trong hôm nay (ngày 14/4) về giải pháp không gây thêm thiệt hại đến doanh nghiệp

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị hủy toàn bộ tờ khai từ ngày 11/4 đến nay - Ảnh 1.

Ảnh chụp Đơn đề nghị giải quyết khẩn cấp (lần 2) vấn đề Khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020 của Công ty Trung An. Nguồn: Công ty Trung An.

Trước đó, ngày 13/3, đơn vị này đã có văn bản "kêu cứu" đầu tiên khi cho rằng hải quan mở tờ khai hải quan điện tử không minh bạch với dẫn chứng về thời gian hoạt động của phầm mềm khai báo "lúc nửa đêm" cuối tuần và không thông báo trước.

Cụ thể, ông Bình cho biết, doanh nghiệp đã “túc trực trên máy tính” để mở tờ khai cho những lô hàng khai dang dở từ ngày 24/3/2020, tuy nhiên vẫn hụt mất cơ hội xuất khẩu chỉ trong "chớp nhoáng".

Về việc qui định hạn ngạch xuất khẩu gạo, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ trên báo Tiền phong rằng Chính phủ và các bộ ngành cần tính toán dài hạn hơn, không nên qui định hạn ngạch xuất khẩu ngắn hạn theo kiểu hiện nay.

Bà cho rằng việc xuất khẩu theo từng tháng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người nông dân. Chưa kể, người mua là đối tác nước ngoài chưa chắc họ dám kí kết hợp đồng mua gạo tiếp để phòng ngừa rủi ro. Do đó, cần tính toán dài hạn hơn, ít nhất là vài ba tháng, trên cơ sở sản lượng chúng ta có được, lượng gạo vụ Đông Xuân sắp thu hoạch…

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-chi-ra-lo-hong-trong-viec-dang-ki-xuat-khau-gao-kien-nghi-huy-bo-ket-qua-va-thuc-hien-lai-20200414154226966.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/