Doanh nghiệp chăn nuôi heo cũng 'hãi' khi lợi nhuận quá cao

Các doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn tại Việt Nam hầu hết đều cho rằng, giá thịt heo hiện tại đang quá tốt, mang lại lợi nhuận rất cao nhưng tiềm ẩn rủi cũng rất lớn. 

Chiều 9/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt heo và một số địa phương chăn nuôi trọng điểm nhằm cùng nhau đóng góp, hiến kế giúp ngành chăn nuôi heo duy trì được sự ổn định, bền vững.

Tại buổi làm việc, hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ sự đồng tình về việc tiềm ẩn nhiều rủi ro từ việc giá thịt heo quá cao như hiện nay.

Đại diện Tập đoàn C.P Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Kiều Minh Lực cho biết, hiện C.P đang bán số lượng heo ra thị trường hàng ngày cao hơn các ngày bình thường tới 30%.

Để có đủ nguồn heo cung ứng cho các lò mổ, thương lái C.P phải hạ tiêu chuẩn trọng lượng heo hơi từ trên 120 kg/con xuống còn 90 kg/con. Tuy nhiên, ông Lực khẳng định đơn vị cũng không thể duy trì được cường độ này trong thời gian dài bởi heo không lớn kịp để bán.

Còn đại diện Công ty TNHH Japfa Việt Nam thì cho rằng, với giá heo trên 50.000 đồng/kg như hiện tại doanh nghiệp chăn nuôi rất vui mừng nhưng không hẳn là mong muốn, mức giá các doanh nghiệp chăn nuôi heo mong muốn duy trì ổn định nhất chính là trục giá 40.000 - 45.000 đồng/kg.

doanh nghiep chan nuoi heo cung hai khi loi nhuan qua cao
Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp hiến kế: Nên có một hiệp hội về chăn nuôi heo

Kiến nghị giải pháp giúp bình ổn giá heo, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Bộ NN&PTNT, trực tiếp là Cục Chăn nuôi thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, về giải pháp kỹ thuật có thể nâng trọng lượng heo xuất chuồng từ 90 kg như hiện nay lên 10 - 15% nữa để tăng nguồn cung thịt heo ra thị trường giúp hạ nhiệt dần giá heo xuống dưới 50.000 đồng/kg.

Còn theo ông Võ Việt Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến Thực phẩm Nam Hà Nội, nếu có thể Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi hàng tuần, hàng tháng có thể đề nghị các doanh nghiệp tự nguyện công bố giá bán để từ đó đưa ra mức giá trung bình hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, ngành chăn nuôi heo hiện nay thiếu mất hiệp hội ngành hàng để có thể cùng ngồi lại với nhau, tạo thành một chuỗi và một thị phần đủ lớn để có thể điều tiết được thị trường.

Đồng tình với việc nên có một hiệp hội về chăn nuôi heo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam Phạm Văn Học nhấn mạnh, phải có các hiệp hội với doanh nghiệp chiếm thị phần, tỉ trọng đủ lớn mới có thể cùng các cơ quan quản lý đứng ra điều tiết khi thị trường đi theo chiều hướng bất hợp lý, không có lợi cho lâu dài ngành chăn nuôi như giá heo hơi hiện nay.

Ông Học khẳng định, một mình Dabaco hay C.P giảm giá bán cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc chăn nuôi Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, cho rằng về ngắn hạn nên để giá heo hơi vận động theo quy luật cung cầu của thị trường, còn lâu dài nên thành lập các hiệp hội để phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước trong điều tiết, nắm bắt cung cầu.

Cũng theo ông Phương, chính người tiêu dùng mới là người quyết định giá bán và hiện tại có rất nhiều lựa chọn thực phẩm thay thế thịt heo nên cũng không quá lo lắng trong ngắn hạn trước mắt.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-chan-nuoi-heo-cung-hai-khi-loi-nhuan-qua-cao-96804.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/