Dịch virus corona (covid-19) ập tới khiến chuỗi ngày hứng đòn của thị trường BĐS chưa biết khi nào dừng

Liên tiếp gặp nhiều cú sốc từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản vốn đang ảm đạm lại được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do ảnh hưởng của dịch virus corona.

Thị trường bất động sản liên tiếp hứng đòn - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản vốn đã ảm đạm lại hứng thêm cú sốc do dịch virus corona. (Ảnh: Zing News)

Thủ tục pháp lí kéo dài, doanh nghiệp kiệt sức

Năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung căn hộ kỉ lục ở cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.

Theo thống kê của Bộ xây dựng, trong năm 2019, thị trường BĐS cả nước chỉ đạt khoảng 83.136 giao dịch (giảm 26,1% so với năm 2018), trong đó giảm mạnh nhất là BĐS nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch (giảm khoảng 20% với năm 2018).

Về giá BĐS năm 2019, Bộ Xây dựng cho biết tại thị trường Hà Nội giá căn hộ chung cư quí 4/2019 tăng khoảng 0,54% so với cùng kì; giá nhà ở nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 3% so với cùng kì. Còn tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,52% so với cùng kì; giá nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 9% so với cùng kì.

Còn theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs), trong năm 2019, không chỉ nguồn cung mà lượng giao dịch ở cả 2 thị trường này đều sụt giảm mạnh.

Cụ thể, tại Hà Nội, năm 2019 có 58 dự án với 26.809 sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, giảm 3.019 sản phẩm so với năm 2018. Còn tại TP HCM, năm 2019 có 47 dự án được phê duyệt tương đương 23.485 căn hộ đủ điều kiện bán hàng.

Trên thực tế, thủ tục pháp lí chính là một trong những lực cản của thị trường BĐS năm 2019. Một số địa phương đang trong giai đoạn rà soát việc quản lí đất đai, do đó việc triển khai các dự án bị đình trệ, dẫn đến chi phí tăng, gây khó cho không ít doanh nghiệp.

Gần đây nhất, Tập đoàn Novaland đã có đơn cầu cứu khẩn cấp đến Bộ Xây dựng xin cứu xét cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 được tiếp tục phát triển Dự án Khu dân cư 30.224 ha thuộc phường Bình Khánh, quận 2 đã dừng triển khai từ hai năm nay.

Novaland cho biết, dự án này hiện đã đủ điều kiện bán hàng và tập đoàn đã rót vào dự án hơn 6.000 tỉ đồng. Hiện doanh nghiệp đã kiệt sức và đang bị mất tính thanh khoản.

Novaland cũng dẫn ra những hệ lụy xấu nếu cổ phiếu NVL của Novaland mất tính thanh khoản như gây nợ xấu gần 5.000 tỉ đồng cho hệ thống ngân hàng, gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà,…

Đáng nói, Novaland chỉ một trong số không ít các doanh nghiệp địa ốc đang phải "vật lộn" với những khó khăn do không thể tiếp tục triển khai dự án. Tình hình nếu vẫn kéo dài, thị trường có thể sụt giảm ở một số phân khúc, trong đó có phân khúc căn hộ.

Vỡ trận cocobay Đà Nẵng, nhà đầu tư mất niềm tin

"Quá nhiều bất ổn" là cụm từ dành cho condotel trong thời gian gần đây khi loại hình này liên tục vướng ồn ào về mặt pháp lí, đặc biệt là sau sự cố vỡ trận Cocobay Đà Nẵng.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, căn hộ du lịch (condotel) phát triển ở Việt Nam từ năm 2015, cao trào vào năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu từ năm 2018, thị trường bắt đầu sụt giảm mạnh. Tổng nguồn cung căn hộ condotel trên cả nước hiện có khoảng 30.000 căn.

Còn theo thống kê của VARs, năm 2019, cả nước có 18.425 căn condotel được tung ra thị trường, lượng giao dịch đạt 6.696 sản phẩm, tương đương với tỉ lệ hấp thụ đạt 36,3%.

Trong đó, nguồn cung và lượng giao dịch condotel quí IV/2019 có sự sụt giảm mạnh so với các quí trước do hiện tượng Cocobay đã tạo tâm lí e ngại cho các nhà đầu tư.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, pháp lí cho loại hình này không rõ ràng, dẫn đến việc mua bán, chuyển nhượng khó, không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân như việc tạm dừng dự án để thanh tra, dòng vốn tín dụng bị siết chặt, người nước ngoài chưa được tham gia mua dòng sản phẩm này như nhà ở…

Dịch virus corona bùng phát, BĐS đình trệ

Dịch viêm phổi cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, trong đó có ngành bất động sản nói chung và phân khúc BĐS nghỉ dưỡng nói riêng.

Cụ thể, nhiều sự kiện khởi công, mở bán dự án,… phải dời lịch hoặc thậm chí là phải hủy toàn bộ kế hoạch vì lo ngại dịch corona.

Trả lời báo Thanh niên, ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty DKRA cho biết, nhiều kế hoạch đã đảo lộn, nhất là việc bán hàng, kinh doanh do đặc thù của ngành BĐS là bán hàng tập trung. Tuy nhiên, việc bán hàng tập trung là không khả thi vì ai cũng lo, không muốn đến chỗ đông người vì sợ lây bệnh.

Tương tự, lãnh đạo một công ty BĐS tại Bình Dương, than thở cuối năm 2019 công ty đã lên kế hoạch khởi công dự án vào đầu năm 2020, kết hợp với làm truyền thông, bán hàng nhưng kế hoạch này đang được xem xét lại, thậm chí có thể phải hủy.

Theo vị này, nhiều khách hàng, đối tác khi mời tham dự sự kiện họ đều từ chối không đi vì sợ dịch cúm,…

Thêm vào đó, để kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đã tạm ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc. Động thái này kéo theo sự sụt giảm một lượng lớn khách du lịch, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng.

Cộng với cú sốc Cocobay, BĐS nghỉ dưỡng chưa kịp hồi phục thì nay gặp thêm "cơn bão" mang tên corona khiến thị trường đã khó càng thêm khó.

Phân tích về ảnh hưởng của dịch virus corona tới thị trường BĐS, một số chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu du lịch giảm mạnh.

Trong đó, BĐS du lịch và condotel, đặc biệt tại các tỉnh như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận - Ninh Thuận, Hạ Long, Phú Quốc... sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra nhận định rằng dịch virus corana chỉ ảnh hưởng đến một số phân khúc của thị trường BĐS, nhất là BĐS nghỉ dưỡng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dich-virus-corona-covid-19-ap-toi-khien-chuoi-ngay-hung-don-cua-thi-truong-bds-chua-biet-khi-nao-dung-20200211174014789.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/