Đến 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn

Theo đề án kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025, tất cả ngân hàng thương mại đều phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn.

Ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí quyết định phê duyệt Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025".

Trong đó, đối với tài chính - ngân hàng, Thủ tướng giao đến năm 2020 các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn Basel II, ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; có ít nhất từ 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Ngành ngân hàng giảm dần tỉ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng; phấn đấu tỉ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5%; đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS.

Đến năm 2025 tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%; tỉ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng/tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại 16-17%; tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng dưới 3%.

Tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn; ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á.

Đồng thời, ngành ngân hàng được giao xây dựng, ban hành các qui định, hướng dẫn cho các TCTD thực hiện theo từng giai đoạn trong lộ trình triển khai Basel II tại Việt Nam.

Phát triển hệ thống các TCTD đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng; Phát triển, quản lí và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đưa ra cơ chế quản lí thử nghiệm đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động quản lí, phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đảm bảo nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trên cơ sở hiệu quả, an toàn, bảo mật. 

Xây dựng khung khổ thử nghiệm (regulatory sandbox) cho các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên nền tảng công nghệ thông tin như ví điện tử, định danh điện tử, cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trên internet,v.v…

Tại phụ lục đính kèm Quyết định 283 nêu trên, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 222 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt. 

Cuối năm 2019, đã có 18 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt chuẩn Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn) đáp ứng Trụ cột 1 với yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn (hay còn được gọi là hệ số CAR) và Trụ cột 3 về sự minh bạch thông tin. 

Những ngân hàng này gồm: BIDV, Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, VietCapitalBank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank và hai ngân hàng nước ngoài gồm Shinhan Bank và Standard Chartered Việt Nam.

Trong đó, tính tới hiện tại đã có ó 4 ngân hàng chính thức công bố hoàn thành cả ba trụ cột của Basel II gồm: VIB, TPBank, BIDV và VPBank.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/den-2025-tat-ca-cac-ngan-hang-thuong-mai-ap-dung-basel-ii-theo-phuong-phap-tieu-chuan-20200228103838752.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/