Đế chế của tỷ phú giàu nhất châu Á gặp rắc rối sau cáo buộc của nhà bán khống

Những cáo buộc của công ty bán khống Hindenburg có thể cản trở nỗ lực mở rộng ra nước ngoài của tỷ phú Gautam Adani, người giàu nhất châu Á hiện nay.

Rơi vào rắc rối

Tỷ phú Gautam Adani đang thăng hoa khi tập đoàn của ông đã tiến vào nhiều mảng kinh doanh khác nhau, từ năng lượng xanh cho đến truyền thông và đang có tham vọng mở rộng từ Israel cho đến Morocco. Năm ngoái, khối tài sản của ông tăng vọt 40 tỷ USD.

Ngay bây giờ, giới đầu tư toàn cầu đang đổ dồn sự chú ý vào đế chế của Adani, nhưng không phải theo cách mà ông muốn. Người đàn ông giàu thứ 4 thế giới đang là mục tiêu của Hindenburg Research, một công ty bán khống của Mỹ.

Trong một báo cáo đồ sộ công bố ngày 24/1, Hindenburg cáo buộc đà thăng tiến vượt bậc của tỷ phú Adani là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp”, tờ Bloomberg dẫn lại.

Chỉ trong một ngày, các nhà đầu tư vào tập đoàn của ông Adani mất sạch 12 tỷ USD, đánh dấu một cuộc đảo chiều đối với nhiều cổ phiếu của tập đoàn, vốn từng dẫn đầu đà tăng của chỉ số S&P BSE 200 hồi năm ngoái.

Mặc dù phía tỷ phú Adani đã bác bỏ những cáo buộc, thông tin của Hindenburg vẫn là một đòn giáng mạnh vào tham vọng toàn cầu mới chớm nở của ông - người giàu nhất châu Á hiện nay.

Tồi tệ hơn, tờ Bloomberg cho rằng cáo buộc của Hindenburg có thể khiến các nhà đầu tư toàn cầu quay lưng với Adani, gây khó khăn cho các tham vọng pháp lý và tìm kiếm nguồn vốn mới từ nước ngoài của ông.

Tập đoàn của vị tỷ phú Ấn Độ đang có kế hoạch niêm yết ít nhất 5 công ty từ năm 2026 đến năm 2028, CFO Jugeshinder Singh chia sẻ với Bloomberg hồi đầu tháng 1 năm nay.

Tỷ phú Gautam Adani. (Ảnh: Getty Images).

Tại quê nhà, ông Adani được cho là từng né tránh ánh mắt của công chúng khi đối mặt với những lời chỉ trích về khối nợ lớn của tập đoàn. Song, hầu hết những điều này không thể làm tổn hại đến sự phát triển nhanh chóng của tập đoàn tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, tình hình có thể đang thay đổi. Mặc dù Hindenburg chỉ là một công ty bán khống nhỏ, họ đã có lịch sử hạ gục các doanh nghiệp như Nikola, một nhà sản xuất xe điện.

 “Nếu bạn trở nên giàu có, bạn sẽ bị nghi ngờ, đó là cách cuộc chơi diễn ra. Mọi người sẽ đặt câu hỏi rằng tại sao những công ty này lại có giá trị cao như vậy”, CEO Deepak Shenoy của hãnng quản lý tài sản Capitalmind nhấn mạnh.

Hindenburg cáo buộc gì?

Lần gần nhất tập đoàn của tỷ phú Adani phải đối mặt với lời chất vất của công chúng là vào tháng 8 năm ngoái, khi công ty nghiên cứu nợ CreditSights đề cập đến đòn bẩy tài chính ngày càng lớn của tập đoàn.

Một tháng sau, CreditSights đã hạ giọng sau khi tập đoàn đưa ra một tài liệu phản bác dài 15 trang, nói rằng tỷ lệ đòn bẩy của các công ty con “rất lành mạnh” và trích dẫn các tính toán của chính họ về kế hoạch giảm bớt khối nợ.

Báo cáo ban đầu của CreditSights quả thực đã ảnh hưởng đến một số cổ phiếu của tập đoàn, nhưng về sau chúng đã phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, các cáo buộc của Hindenburg rất khác biệt và công ty bán khống này nhiều khả năng sẽ không chùn bước. Điều đó sẽ đặt ra thách thức lớn cho tỷ phú Adani (60 tuổi).

Hindenburg cho biết tập đoàn của ông Adani đã tham gia thao túng thị trường một cách “trắng trợn”, gian lận kế toán, sử dụng vỏ bọc ở nước ngoài để rửa tiền và bòn rút từ các công ty niêm yết.

“Các công ty trong mạng lưới của tập đoàn Adani nhìn chung đều rất đáng chán, tăng trưởng thấp, nhưng các chỉ số định giá của những công ty niêm yết lại có thể sánh ngang các công ty công nghệ tăng trưởng mạnh nhất”, Hindenburg cho hay.

Trong một tuyên bố sau đó, tập đoàn Adani đã phủ nhận các cáo buộc. Họ gọi đây là một “sự kết hợp ác ý giữa thông tin sai lệch có chọn lọc và các cáo buộc cũ rích, vô căn cứ và gây mất uy tín”.

Tập đoàn cũng đặt câu hỏi về thời điểm Hindenburg tung ra báo cáo, ngay trước thềm họ công bố thoả thuận bán cổ phiếu trị giá 2,5 tỷ USD cho các nhà đầu tư tổ chức. Phía tập đoàn đang xem xét các hành động pháp lý chống lại Hindenburg.

Trao đổi với Bloomberg, nhiều nhà phân tích Ấn Độ tin rằng thiệt hại trong nước từ vụ việc sẽ tương đối hạn chế đối với tập đoàn Adani, chủ yếu là do khối tài sản và chiến lược của tập đoàn đang gắn liền với mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng của Thủ tướng Modi.

Dù vậy, một số vẫn thận trọng. Ông Guillermo Hernandez Sampere, trưởng bộ phận giao dịch tại công ty quản lý tài sản MPPM GmbH, cho hay: “Với danh tiếng của Hindenburg, những cáo buộc của họ có thể sẽ được điều tra kỹ càng”. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/de-che-cua-ty-phu-giau-nhat-chau-a-gap-rac-roi-sau-cao-buoc-cua-nha-ban-khong-202312784219161.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/