Đánh cồng đầu xuân Kỷ Hợi, Thủ tướng giao 8 nhiệm vụ: nâng hạng thị trường, thay đổi tư duy ‘chơi chứng khoán' ...

Tại lễ đánh cồng đầu xuân Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ về nâng hạng lên thị trường mới nổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ngành chứng khoán, tăng cường bảo vệ nhà đầu tư thiểu số…

danh cong dau xuan ky hoi thu tuong giao 8 nhiem vu nang hang thi truong thay doi tu duy choi chung khoan Thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi và nâng hạng lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng tâm của chứng khoán Việt Nam năm 2019

Sáng nay 12/2, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước tổ chức Lễ Đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu xuân Kỷ Hợi 2019. Buổi lễ có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng toàn thể các Bộ, ban, ngành.

danh cong dau xuan ky hoi thu tuong giao 8 nhiem vu nang hang thi truong thay doi tu duy choi chung khoan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh cồng phiên giao dịch đầu xuân Kỷ Hợi. Ảnh: Quang Hiếu

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, UBCKNN cùng toàn thể các bộ, ngành, thành viên thị trường:

Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Chứng khoán để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019. Luật Chứng khoán phải đồng bộ với Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư tạo môi trường thông thoáng công khai minh bạch, hiệu quả, hoàn thiện chuẩn mực về công bố thông tin của các công ty đại chúng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, cần tăng cường thể chế bảo vệ nhà đầu tư thiểu số.

Thủ tướng chia sẻ thêm, thứ hạng bảo vệ nhà đầu tư thiểu số của Việt Nam trên xếp hạng môi trường đầu tư của World Bank đứng 89 trên190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Điều này không tương xứng với thứ hạng 49 về GDP của nền kinh tế và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Hai là, tổ chức việc thực hiện chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 252 năm 2012. Trong đó chỉ ra những nhiệm vụ đã hoàn thành và nhiệm vụ chưa hoàn thành, hạn chế, bất cập, bài học kinh nghiệm, chủ động đề xuất phương hướng chiến lược trong giai đoạn tới 2021 – 2030 nhằm xác định mục tiêu, lộ trình phát triển thị trường vốn để cân đối thị trường tín dụng và thị trường vốn.

Từ đó, tăng cường kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phát triển đồng bộ các loại thị trường và sản phẩm cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong đó, tập trung thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh việc tăng độ sâu của thị trường trái phiếu Chính phủ.

Ba là, tập trung tái cơ cấu toàn diện thị trường chứng khoán, trong đó tập trung cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán.

Trên cơ sở Quyết định số 32 ngày 7/1/2019, Bộ Tài chính khẩn trương trình lại Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và thực hiện đúng lộ trình thực hiện thị trường chứng khoán Việt Nam thống nhất, chuyên nghiệp.

danh cong dau xuan ky hoi thu tuong giao 8 nhiem vu nang hang thi truong thay doi tu duy choi chung khoan
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ. Ảnh: Quang Hiếu

Bốn là, Bộ Tài chính phối hợp với các ngành, cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế chính sách và giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán để thúc đẩy quy mô của thị trường, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch, nâng cao năng lực của doanh nghiệp nhà nước sau khi được cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn.

Năm là, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường; xây dựng quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam.

Sáu là, giao Bộ Tài chính, UBCKNN tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán nhằm xây dựng chính sách về quản lý thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho thị trường chứng khoán; hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm giám sát phát hiện xử lý các hành vi vi phạm xuyên biên giới; đề xuất các cơ chế nhằm triển khai thực hiện các cam kết quốc tế; tham gia đầy đủ các hoạt động quốc tế của các Ủy ban Chứng khoán.

Bảy là, Bộ Tài chính, UBCKNN ưu tiên, khẩn trường xây dựng ứng dụng giải pháp, thành quả của cuộc cách mạng 4.0 trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán với các nền tảng công nghệ then chốt như chuỗi, khối dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Coi đây là giải pháp đột phá của ngành tài chính, chứng khoán cùng với việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao của toàn ngành.

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo kỉ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán, tạo dựng lòng tin cho công chúng, nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững; tăng chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không đúng; làm cho thị trường chứng khoán gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán” mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng chia sẻ thêm, nhiều người dân không dám đầu tư vào thị trường chứng khoán vì họ không tin đó là kênh đầu tư đáng tin cậy và an toàn. Thị trường chứng khoán chỉ các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, không bao giờ có thể trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận những nhiệm vụ được Thủ tướng giao.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/danh-cong-dau-xuan-ky-hoi-thu-tuong-giao-8-nhiem-vu-nang-hang-thi-truong-thay-doi-tu-duy-choi-chung-khoan-119959.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/