Dân Trung Quốc nói không với vay nợ, đe dọa động cơ tăng trưởng của kinh tế thế giới

Các hộ gia đình Trung Quốc đang ngần ngại về triển vọng thu nhập và việc làm tương lai, vì vậy họ không còn sẵn lòng vay tiền để chi tiêu. Điều này đang gây hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Dân Trung Quốc muốn tiết kiệm, không mặn mà với chi tiêu. (Ảnh: BBC). 

Triển vọng u ám

Cô Anna Luan, một phụ nữ 30 tuổi sống ở Thượng Hải, đang cảm thấy lo lắng về tương lai. Công ty của cô đã không trả cho nhân viên đủ lương kể từ tháng 4, khi thành phố bị phong tỏa để ngăn chặn COVID-19 lây lan. May mắn là cô đã để dành được một khoản tiền trong đại dịch, nhờ vậy mà Anna mới có thể thanh toán các chi phí thường nhật.

Cô cũng đã dùng một phần tiền tiết kiệm để trả khoản nợ vay thế chấp 200.000 nhân dân tệ (tương đương 29.530 USD) cho hai căn nhà ở quê. Anna chia sẻ: “Rất nhiều công ty đang sa thải người làm và giảm lương. Giờ tôi không dám tiêu tiền mà chỉ muốn tiết kiệm bất kỳ đồng tiền nào còn dư”.

Theo tờ Bloomberg, các khảo sát gần đây cho thấy các hộ đình Trung Quốc đang bi quan về tăng trưởng thu nhập tương lai hơn bao giờ hết – thậm chí còn hơn cả lúc khởi điểm của đại dịch năm 2020 hay sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tâm lý tiêu cực đang thúc đẩy họ giảm bớt nợ nần và tăng cường tiết kiệm. Xu hướng này có thể sẽ làm suy yếu tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm.

Ttrong nửa đầu năm 2022, các hộ gia đình đã tích lũy 10.300 tỷ nhân dân tệ tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, lớn hơn gần 13% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng lớn nhất trong lịch sử. Các khoản vay của hộ gia đình chỉ tăng 8%, tốc độ thấp nhất kể từ năm 2007.

 

Có nhiều lý do khiến các hộ gia đình Trung Quốc trở nên bi quan. Nền kinh tế đang giảm tốc bởi chính sách chống COVID-19 hà khắc và sự lao dốc của ngành bất động sản.

Của cải hộ gia đình sụt giảm khi giá nhà đi xuống, và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đã lên cao đến mức chưa từng thấy vào tháng 7 – gần 20%. Các quan chức đã ngầm thừa nhận rằng mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%” trong năm 2022 là bất khả thi.

Sau khi điều chỉnh cho lạm phát, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình tại thành thị chỉ đạt 1,9% trong nửa đầu năm 2022, kém xa tỷ lệ 10,7% của một năm trước. Tiêu dùng còn giảm mạnh hơn nữa: doanh số bán lẻ giảm gần 1% trong cùng giai đoạn.

Từ lâu Trung Quốc đã có tỷ lệ tiết kiệm cao so với các nước khác. Nhưng trong những năm qua, tỷ lệ tiết kiệm đã giảm dần từ mức 40% trong năm 2010 xuống khoảng 35% trong 2019, theo dữ liệu từ OECD. Điều này có nghĩa là tăng trưởng về tiêu dùng đã vượt qua tốc độ tăng của thu nhập.

Cho đến gần đây, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn còn đủ tự tin về thu nhập tiềm năng để vay tiền, thúc đẩy chi tiêu. Tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP tăng hơn gấp đôi lên khoảng 60% trong vòng 10 năm trước khi COVID-19 xuất hiện.

Trong khoảng thời gian này, các ngân hàng cho phép khách hàng dễ dàng vay nợ thế chấp hơn trước, góp phần tạo ra sự bùng nổ của ngành bất động sản. Sự xuất hiện của một loạt công ty cho vay tiêu dùng lại càng thúc đẩy chi tiêu. 

 

Ông Andrew Batson, Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics cho biết: “Một trong những lầm tưởng tai hại nhất về Trung Quốc là nền kinh tế nước này không dựa vào người tiêu dùng.

Trên thực tế, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư thường xuyên đóng góp tới 50% GDP Trung Quốc hoặc hơn. Sự yếu ớt ủa nền kinh tế Trung Quốc trong vài tháng qua đã cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi một nửa GDP không xuất hiện”.

Tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP của Trung Quốc đã giữ nguyên kể từ quý IV/2020. Một số nhà kinh tế cho rằng xu hướng này đánh dấu sự thay đổi vĩnh viễn.

Ông Gan Li, Giám đốc Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu về Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc nhận xét: “Chúng ta đã đi quá thời kỳ mà tăng trưởng kinh tế có thể được thúc đẩy bởi việc tăng cường đòn bẩy nợ”.

 

Khó đổi hướng

Việc người tiêu dùng Trung Quốc ngần ngại vay tiền để chi tiêu có tác động rất rõ rệt với các công ty đa quốc gia dựa dẫm vào thị trường khổng lồ của nước này. Starbucks báo cáo doanh thu ở Trung Quốc lao dốc 44% trong quý II.

Doanh thu tại Trung Quốc của Nike giảm 20% trong quý vừa rồi. Ngay cả các nhà bán lẻ ăn nên làm ra trong đại dịch cũng gặp rắc rối: doanh thu của đại gia thương mại điện tử Alibaba giảm 1% trong quý gần nhất.

Trước đại dịch, sự gia tăng của nợ gia đình đã làm dấy lên lo ngại về ổn định tài chính. Nhưng giờ thì tính tiết kiệm của những người như cô Luan ở Thượng Hải đang thổi bùng nỗi lo rằng Trung Quốc có thể bị mắc kẹt trong vòng xoáy đi xuống.

Báo cáo của BCA Research chỉ ra rằng những gì đã xảy ra ở Nhật Bản sau khi bong bóng tài sản những năm 1990 đổ vỡ cho thấy rằng nếu người tiêu dùng giảm vay nợ trong một khoảng thời gian đáng kể thì tiêu dùng và giá trị bất động sản có thể chịu hậu quả tiêu cực trong lâu dài.

Ông Arthur Budaghyan, chuyên gia cấp cao về thị trường mới nổi tại BCA Research nhận định: “Xu hướng trên sẽ kéo dài cho đến khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giảm lãi suất để ngăn cản tiết kiệm và khuyến khích vay nợ, giá nhà bắt đầu tăng đáng kể, việc làm và thu nhập được cải thiện giúp niềm tin phục hồi”.

Sau khi bỏ nhiều công sức chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính, PBoC không sẵn lòng để các hộ gia đình nợ nầnchồng chất.

Trong tuần này, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất chuẩn 10 điểm cơ bản. Tuy nhiên, PBoC không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất bởi rủi ro dòng vốn tháo chạy trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác tăng mạnh lãi suất.

Và dẫu cho việc giảm lãi suất có giúp kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn, bất kỳ động thái nào khuyến khích tầng lớp giàu có mua thêm nhà cũng không phù hợp với chiến dịch “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Nicholas Borst, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners đánh giá: “Thay đổi hướng đi của chính sách tiền tệ sẽ rất khó khăn về mặt chính trị vì ông Tập đã nhấn mạnh rằng nhà không nên trở thành công cụ đầu cơ". 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dan-trung-quoc-noi-khong-voi-vay-no-de-doa-dong-co-tang-truong-cua-kinh-te-the-gioi-2022818161643953.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/