'Đại dịch như một bài thi quá khó với doanh nghiệp, muốn phục hồi kinh tế cần nhận được sự đồng hành'

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho biết trong vòng hai tháng qua, chỉ có khoảng 18% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất tại TP HCM hoạt động.

Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI đã dẫn dắt tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề: Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi mới. Diễn đàn có sự góp mặt của nhiều nhân vật nổi tiếng như bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát; bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam,…

Cũng xuất hiện tại diễn đàn còn có ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM. Ông cho biết các doanh nghiệp có thể tiếp thu và học hỏi từ những ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia trong ngành.

'Đại dịch như một bài thi quá khó với doanh nghiệp, muốn phục hồi kinh tế cần nhận được sự đồng hành' - Ảnh 1.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM. (Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn).

Ông Dũng ví đại dịch COVID-19 là một bài thi quá khó đối với các doanh nghiệp. "Tôi đang tham gia công tác đánh giá tác động và đưa ra giải pháp cho kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố. Tôi nhận thấy đại dịch COVID-19 tác động lớn đến toàn xã hội, riêng với các doanh nghiệp, đây là một bài thi quá khó, một bài thi mà chúng ta chưa từng gặp", ông Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là một cơ hội đặc biệt để các doanh nghiệp tự đánh giá lại chính mình. Riêng với TP HCM, đây cũng là cơ hội để đánh giá lại những điểm khiếm khuyết của nền kinh tế thành phố.

"Đại dịch là cơ hội để TP HCM xem lại những điểm còn yếu với nền kinh tế. Tương tự, đại dịch sẽ sàng lọc các doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự nhìn lại mình, từ đó xây dựng kế hoạch chuyển đổi, thích ứng tốt hơn", ông Dũng chia sẻ.

Dưới 20% doanh nghiệp hoạt động trong hai tháng qua

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp tại một trong những nền kinh tế lớn nhất cả nước là TP HCM chỉ hoạt động ở mức dưới 20% trong hai tháng qua. Hầu hết các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu chế xuất đều nghỉ vì không có điều kiện để làm 3T (3 tại chỗ - NV), trừ một vài doanh nghiệp lớn, có đủ không gian để sắp xếp.

Đối với các khu công nghiệp và khu chế xuất, cũng chỉ có khoảng 18% doanh nghiệp hoạt động. Do đó, có thể thấy tác động của đại dịch đến các doanh nghiệp là rất lớn, ông Dũng thông tin.

Tính đến ngày 8/9, TP HCM đang giải quyết trợ cấp cho hơn 5 triệu người, tương đương gần một nửa dân số thành phố. 

"Trong số này, lượng người lao động và công nhân là rất lớn. Tuy nhiên, tôi đồng ý với ý kiến của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam rằng chưa bao giờ doanh nghiệp và chính quyền lại gắn kết với nhau như lúc này, trong công tác phòng chống dịch. Các doanh nghiệp tại TP HCM đã đóng góp hàng nghìn tỷ cho công tác phòng chống dịch và an sinh xã hội", ông nói.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho hay các doanh nghiệp đã dùng nhà xưởng, mặt bằng,…để xây dựng bệnh viện dã chiến, phục vụ công tác chống dịch, đóng góp chung cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. 

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến để tìm cách đóng góp cho thành phố thay vì cho bản thân doanh nghiệp. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã phải nghĩ tới cách phục hồi.

Đã đến lúc nghĩ tới cách phục hồi

"Tương tự như cuộc chiến chống dịch COVID-19, mỗi một doanh nhân, một công nhân trong các doanh nghiệp phải đóng vai trò như một người chiến sĩ ở tuyến đầu, góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước. Thời điểm hiện tại, mọi thứ đang rất khó", ông Dũng nhận định về công cuộc phục hồi kinh tế.

"Doanh nghiệp lúc này cần rất nhiều thứ. Doanh nghiệp có vay có trả, doanh nghiệp tạo ra nền kinh tế nên không thể nào "ăn bám" theo nền kinh tế. Vì vậy, doanh nghiệp phải đóng góp và hoàn trả".

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM: Đại dịch như một bài thi quá khó với doanh nghiệp, muốn phục hồi kinh tế thì doanh nghiệp cần nhận được sự đồng hành - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tại TP HCM gặp khó vì COVID-19. (Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM).

Bên cạnh đó, ông Dũng cho biết bản thân tâm đắc với câu nói "Lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ" của Thủ tướng và điều cần làm hiện tại là làm sao để các bộ, ban ngành cùng đồng hành với doanh nghiệp. Hiện tại, nếu các cơ quan chức năng không đồng hành với doanh nghiệp, mọi chuyện sẽ vô cùng khó khăn, không thể phục hồi nhanh được.

Cuối cùng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho biết bất kể mô hình nào hiện nay cũng cần đề cao tính an toàn. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tự đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu thay vì trông chờ vào nhà nước. 

"Vì vậy, chúng tôi mong nhà nước tin doanh nghiệp. Như hiện tại, việc cấp giấy đi đường giống như việc nghĩ doanh nghiệp đang có một các gì đó lạng lách, tư duy này cần bỏ. Tư duy hiện tại là các doanh nghiệp ra tuyến đầu cần được hỗ trợ", ông Dũng nhận định.  

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dai-dich-nhu-mot-bai-thi-qua-kho-voi-doanh-nghiep-muon-phuc-hoi-kinh-te-can-nhan-duoc-su-dong-hanh-20210911101807216.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/