Đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại và mua sắm trong nhiều năm tới

Mỗi lần trải qua một cú sốc kinh tế lớn, thế giới lại chịu các tác động âm ỉ kéo dài hàng thập kỉ. Dựa trên kinh nghiệm với các cuộc suy thoái kinh tế trước, COVID-19 được cho là sẽ có hậu quả lâu dài lên cuộc sống thường ngày của người dân toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại và mua sắm trong nhiều năm tới - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới sắp phải trải qua một lần "cải cách" nữa do các tác động kinh tế từ virus COVID-19. (Nguồn: SCMP).

Mỗi cú sốc kinh tế lớn trong quá khứ luôn để lại các tác động lên nền kinh tế. Và đại dịch COVID-19 chết người sẽ không là ngoại lệ.

Trong quá khứ, cuộc Đại suy thoái đã dấy lên phong trào "không phung phí ắt không túng thiếu" của người tiêu dùng. Tâm lí "tiết kiệm" này đã ăn sâu cho đến nhiều thập kỉ sau đó.

Tác động từ giai đoạn siêu lạm phát của Cộng hòa Weimar (nước Đức trong khoảng thời gian từ 1918 đến 1933) vẫn còn ám ảnh quốc gia này cho đến hiện tại.

Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến cho khu vực này là nơi tích trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ tồn tại đến ngày nay lên các nền dân chủ lớn, khiến nhiều người lao động vẫn phải chịu mức tăng lương bèo bọt.

Lần này, thế giới lại một lần nữa rung động trước một cơn đại dịch, dấy lên tình trạng khẩn cấp về sức khỏe y tế cộng đồng, làm chao đảo nền kinh tế thế giới.

Chỉ trong vòng chưa đến 2 tháng, người dân toàn cầu đã trở nên quen thuộc với việc đeo khẩu trang, dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm, làm việc tại nhà. 

Các thông báo hủy sự kiện văn hóa, thể thao, trường học đóng cửa, hạn chế đi lại giữa các quốc gia dần trở nên là "chuyện thường tình".

Các trường đại học có sinh viên nước ngoài gặp khó khăn trong việc nhập học đang dần đa dạng hóa việc dạy học, trang bị các thiết bị để chuyển sang hình thức dạy trực tuyến từ xa.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại và mua sắm trong nhiều năm tới - Ảnh 2.

Các hình thức dạy học trực tuyến đang được các trường học chính qui thực hiện, nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh. (Nguồn: Science).

Ngay cả các quốc gia đang có tương đối ít ca dương tính với virus COVID-19, vẫn gấp rút thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch bệnh.

Fabrizio Pagani, cựu cố vấn của Thủ tướng Ý, đã nêu những cú sốc đã từng xảy ra, để cố gắng hình dung các tác động có thể có của đại dịch COVID-19.

"Cơn sốc cung dầu trong thập niên 70 đã dẫn đến những nỗ lực đầu tiên trong việc bảo tồn và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng. Cơn sốc cầu do cuộc Đại khủng hoảng tài chính là nguyên nhân cho các khung pháp lí triệt để cho toàn bộ lĩnh vực tài chính ngân hàng ra đời", ông nói.

"Vì vậy, tôi hi vọng cú sốc lần này sẽ thay đổi mọi thứ từ dạy học trực tuyến, tham gia lớp học từ xa đến các chiến lược của các ngành công nghiệp, khi các mô hình kinh doanh hiện tại được làm mới", ông nhận định.

 SCMP nhận định các "thói quen" mới này sẽ còn tồn tại rất lâu sau khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh, đóng vai trò là một "cái phanh" kìm hãm cầu các nền kinh tế.

Thôi thúc sự chuyển dịch chuỗi cung ứng thế giới 

Về phía cung, các nhà sản xuất đa quốc gia đang buộc phải đánh giá lại các thị trường chiến lược và khâu sản xuất hàng hóa của họ, do các rủi ro tiềm tàng cho sự phụ thuộc vào một nguồn cung chính yếu.

Đại dịch COVID-19 sẽ đóng vai trò lớn trong việc đẩy nhanh sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, vốn là hệ quả từ các căng thẳng leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vào năm 2019.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại và mua sắm trong nhiều năm tới - Ảnh 3.

Sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm nay với dịch COVID-19 đóng vai trò xúc tác lớn. (Nguồn: CNBC).

Đối với lực lượng làm việc văn phòng, một kỉ nguyên mới với phương thức làm việc từ xa đang hiện hữu rõ nét hơn bao giờ hết. 

Đến thời điểm hiện tại, các công ty danh tiếng toàn cầu đều đã đề nghị nhân viên làm việc tại nhà, và gấp rút thiết lập các nền tảng làm việc từ xa tối ưu hóa quá trình thay đổi này. Điển hình có các ông lớn công nghệ như Google, Microsoft, Facebook, Amazone và Apple.

"Một khi các chính sách làm việc tại nhà được đưa ra cho hiệu quả khả quan, có khả năng chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng chúng", bà Karen Harris - Giám đốc điều hành Tập đoàn Bain's Macro Trends Group,New York - cho biết.

Ngành du lịch là lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi đại dịch COVID-19, các chuyến bay bị hủy do thiếu hành khách, hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng trì trệ, cộng với mạng lưới các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đang phải vật lộn từng ngày.

Dù lượng khách du lịch chắc chắn sẽ tăng trở lại sau đợt dịch này, nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo ngành du lịch sẽ mất một khoảng thời gian tương đối trước khi hồi phục trở lại.

Vỡ mộng tăng trưởng kinh tế

Virus COVID-19 cũng khiến triển vọng kinh tế của các nước bao phủ bởi "mây đen", cũng như buộc các chính phủ phải đưa ra các chính sách ưu tiên mới.

Các ngân hàng trung ương luôn đặt mình trong chế độ khẩn cấp, các chính phủ đang đau đầu tìm kiếm nguồn tài chính để hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đang gặp khó khăn.

Vấn đề vệ sinh y tế đang là tâm điểm của nhiều chương trình nghị sự các chính phủ và doanh nghiệp. Singapore gần đây đã có kế hoạch đưa ra các tiêu chuẩn vệ sinh cộng đồng bắt buộc.

Kazuo Momma, cựu quan chức phụ trách chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nhận định: "Các tác động lên kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19 về cơ bản là không thể dự đoán, do tính không chắc chắn của nó".

Ông cho biết: "Các lệnh kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, phạm vi bảo hiểm rộng hơn và các thay đổi trong phương thức làm việc và đi lại, sẽ chỉ là một trong số những thay đổi trong nền kinh tế vi mô, và sẽ tồn tại rất lâu sau virus COVID-19".

Cải tiến mới trong lĩnh vực y tế cộng đồng

Tại Trung Quốc, nơi bùng phát virus COVID-19 lần đầu tiên vào cuối năm 2019, cơ quan lập pháp quốc gia tỉ dân đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

Nguyên nhân là do các nhà khoa học cảnh báo virus COVID-19 chết người có thể xâm nhập từ động vật sang cơ thể người, thông qua thói quen tiêu thụ động vật hoang dã của người dân nước này.

Các qui tắc vệ sinh nghiêm ngặt dự kiến sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến, tương tự như cách dịch SARS năm 2003 đã tác động lên thói quen đến các trung tâm mua sắm của mọi người.

Phân tích của Bain & Company cho thấy Trung Quốc đang chứng kiến những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khi càng ngày càng nhiều bác sĩ thực hiện chẩn đoán thông qua các nền tảng trực tuyến.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại và mua sắm trong nhiều năm tới - Ảnh 4.

Tỉ lệ nhân lực y tế trên mỗi 1.000 bệnh nhân tại các quốc gia trên thế giới. (Nguồn: SCMP).

Việc chẩn đoán bệnh và thực hiện kiểm tra sức khỏe bệnh nhân ở Trung Quốc đã được tiến hành từ xa kể từ những ngày đầu bùng phát dịch tại đây.

Sự chuyển dịch này được thực hiện để phù hợp với tình hình dịch bệnh, phân phối hợp lí lực lượng y bác sĩ, giảm thiểu chi phí đi lại và tránh nguy cơ lây nhiễm cho các y bác sĩ, cũng như trong các trường hợp bệnh nhân đổ dồn vào các bệnh viện lớn.

Các chuyên gia kinh tế nghĩ gì?

"Chính phủ các nước sẽ tiếp tục chi mạnh tay hơn cho lĩnh vực chăm sóc y tế để tránh các chi phí lớn từ tác động của đại dịch", theo nghiên cứu của hai nhà kinh tế học Warwick mckibbin và Roshen Fernando.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc, đi lại và mua sắm trong nhiều năm tới - Ảnh 5.

Tỉ lệ chi tiêu cho chăm sóc y tế của các quốc gia theo các năm. (Nguồn: SCMP).

Ông Edmund Phelps – nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel, thuộc Đại học Colombia – nhận định: "Vì không ai biết được virus sẽ phát triển như thế nào, hay kinh tế và con người cuối cùng bị ảnh hưởng ra sao, các nhà kinh tế nên thận trọng trước khi đưa ra các dự đoán".

"Vẫn có khả năng hầu hết các tình trạng gián đoạn trong nền kinh tế sẽ trở lại bình thường khi dịch bệnh qua đi", ông nói.

"Tôi nghĩ rằng phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là những gã khổng lồ ở Mỹ và những quốc gia khác, sẽ chắc chắn sẽ quay trở lại hoạt động bình thường", ông nói thêm.

Nhà kinh tế học Paul Sheard, giáo sư cao cấp Trường Quản lí Nhà nước John F. Kennedy trực thuộc Đại học Harvard, cũng đưa ra cảnh báo: "Do không có cú sốc kinh tế nào giống nhau, nên không ai biết chắc di sản của cú sốc này sẽ là gì".

Ông Michael Murphree, Đại học South Carolina, cho rằng: "Sự kết hợp của ba sự kiện kinh tế lớn: Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19, có thể sẽ định hình lại toàn bộ chuỗi cung ứng thế giới".

Chuyên gia Thị trường tài chính Kathryn Judge thuộc Đại học Columbia, nhận định: "Sự sụp đổ các ngân hàng tại Mỹ năm 2008 đã để lại những vết sẹo lớn lên nền kinh tế Mỹ.

"Tương tự, tình trạng khủng hoảng y tế hiện nay đang khiến các quốc gia thực hiện nhiều biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người dân khỏi bị lây nhiễn virus COVID-19, cũng sẽ gây ra nhiều hậu quả lớn".

 "Khi các chính phủ có khả năng giúp người dân hiểu và chấp nhận việc đánh đổi các lợi ích hiện có, để thực hiện các thay đổi cần thiết trong thời kì khủng hoảng, thì dù đó là khủng hoảng gì đi chăng nữa sẽ vẫn tồn tại cơ hội bứt phá", dẫn lời ông James Boughton, cựu quan chức của IMF.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dai-dich-covid-19-se-thay-doi-cach-chung-ta-lam-viec-di-lai-va-mua-sam-trong-nhieu-nam-toi-202016316410920.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/