Cựu Bộ trưởng Larry Summers: Kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm, nhưng đừng quá lạc quan

Trả lời phỏng vấn chương trình Fareed Zakaria GPS ngày 5/2, ông Larry Summers, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, nhận định Fed có thể giúp nền kinh tế hạ cánh mềm, song sẽ là một sai lầm lớn khi lạc quan rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Ông Larry Summers, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, tham dự  Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. (Ảnh: World Economic Forum/Manuel Lopez)  

Hạ cánh mềm

Báo cáo việc làm công bố ngày 3/2 cho thấy kinh tế Mỹ đã tạo thêm 517.000 việc làm trong tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,4%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Trước đó, các nhà kinh tế đã dự đoán nền kinh tế chỉ tạo thêm 185.000 việc làm, khi cho rằng thị trường lao động sẽ giảm tốc sau gần một năm Fed tăng lãi suất mạnh mẽ.

Tại cuộc họp 31/1 - 1/2, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giảm tốc chương trình tăng lãi suất với mức tăng thêm 25 điểm cơ bản khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Câu hỏi đặt ra hiện nay là: Liệu kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm, tức là kiểm soát lạm phát mà không gây ra suy thoái, hay không?

Ông Summers đánh giá kinh tế Mỹ có thể hạ cánh nhẹ nhàng hơn so với vài tháng trước, song ông vẫn lo ngại lạm phát sẽ tăng trở lại và duy trì ở mức quá cao so với kỳ vọng.

Ông Summers nói: “Lạm phát vẫn ở mức cao ngoài sức tưởng tượng so với hai hoặc ba năm trước và việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu có thể vẫn còn khá khó khăn”.

Khi được hỏi liệu có đáng khi cái giá phải trả để kiểm soát giá tiêu dùng là một cuộc suy thoái và liệu lạm phát 3 - 3,5% mỗi năm có phải là xu thế bình thường mới hay không, ông Summers cho rằng đây là sự đánh đổi giữa việc giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian ngắn và những thay đổi lâu dài về lạm phát.

 

Ông Summers nói: “Lợi ích mà chúng ta có thể nhận được từ việc đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp được nhắc đến trong hầu hết các lý thuyết kinh tế và có khả năng không phải là một lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát lạm phát, chúng ta sẽ sống phải chung với vấn đề này trong một thời gian dài.”

Mỹ có khoảng 3 triệu người đã ngừng tìm việc làm. Ông Summers nhận định đây là do những người lớn tuổi quyết định nghỉ hưu sớm. Ông lưu ý về một cuộc đánh giá lại nơi làm việc sau dịch COVID-19, khi nhiều người thích làm việc tại nhà hơn là tại văn phòng.

Điều chỉnh mục tiêu lạm phát là sai lầm

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos hồi tháng 1, ông Summers cảnh báo các ngân hàng trung ương sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu điều chỉnh mục tiêu lạm phát 2% tại thời điểm hiện nay. Ông nói: “Việc từ bỏ mục tiêu lạm phát 2% sẽ gây tổn hại rất lớn đến uy tín. Nếu bạn có thể điều chỉnh một lần, bạn có thể điều chỉnh lại lần nữa.”

Về mối lo ngại suy thoái do quá trình kiểm soát lạm phát, ông Summers nhấn mạnh thực tế là nếu không hạ nhiệt giá tiêu dùng, thế giới sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái lớn hơn và nghiêm trọng hơn vào một thời điểm khác.

Ông cảnh báo điều chỉnh mục tiêu lạm phát sẽ là một sai lầm lớn và có thể gây ra những tác động  nghiêm trọng đối với nền kinh tế thực và người lao động khắp nơi trên thế giới như những năm 1970.

Bên cạnh đó, theo ông Summers, không nên tự mãn khi kinh tế toàn cầu đang ở trong tình trạng tốt hơn so với nhiều dự báo trước đó. Ông Summers cho rằng lạm phát đang giảm do các yếu tố nhất thời cũng giống như những nhân tố đã làm tăng lạm phát trước đó.

Ông cảnh báo nếu lạm phát tăng trở lại, nó sẽ gây rủi ro không chỉ cho sự ổn định giá cả và mức sống của những người có thu nhập thấp nhất, mà còn gây ra những rủi ro đáng kể đối với sự ổn định mang tính chất chu kỳ.

Ông nói: “Trong nhiều cuộc hành trình, đoạn cuối thường là khó khăn nhất. Và điều này đúng đối với cuộc chiến chống lạm phát hiện nay. Bi kịch lớn nhất trong thời điểm này sẽ đến nếu các ngân hàng trung ương đánh mất sự tập trung vào việc đảm bảo ổn định giá cả và chúng ta sẽ phải chiến đấu trong trận chiến này hai lần.”

Nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 517.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 1, vượt xa mức kỳ vọng. Nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt nền kinh tế cũng như lạm phát.

Nguy cơ khủng hoảng trần nợ

Về nguy cơ xảy ra khủng hoảng trần nợ tại Washington, ông Summers khuyên Tổng thống Joe Biden rằng không nên để chính phủ Mỹ vỡ nợ vì chỉ những nước nghèo và bất ổn mới rơi vào tình trạng này.

Theo người dẫn chương trình Fareed Zakaria, Mỹ thiết lập một hệ thống lập pháp “kỳ lạ”, theo đó Quốc hội bỏ phiếu về ngân sách, tiếp theo lưỡng viện sẽ lần lượt thông qua chương trình chi tiêu trong ngân sách.

Dự thảo ngân sách là do cả Hạ viện và Thượng viện xây dựng, song các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện hiện nay không muốn cấp tiền cho chính phủ trước khi Tổng thống Biden đồng ý cắt giảm chi tiêu. Điều này đang khiến Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng.

Trước bối cảnh trên, ông Biden nên nhấn mạnh nhiệm vụ của lưỡng đảng là phê duyệt dự luật chi tiêu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuu-bo-truong-larry-summers-kinh-te-my-co-the-ha-canh-mem-nhung-dung-qua-lac-quan-20232612110899.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/