Cuộc 'đấu khẩu' 10 năm của Facebook và Apple đã đến hồi cao trào

Sự trái ngược trong quan điểm và mô hình kinh doanh của Facebook và Apple dẫn đến nhiều tranh cãi giữa hai "ông lớn" trong suốt nhiều năm qua.

Theo CNBC, Tim Cook, CEO Apple, từng "đá xéo" hoạt động kinh doanh của nhiều hãng công nghệ trong một bài phát biểu ở hội thảo bảo mật ở Brussels vào tháng 10/2018.

"Mỗi ngày, hàng tỷ USD trao tay dựa trên những gì chúng ta thích và không thích. Gia đình, bạn bè, mối quan hệ và những cuộc trò chuyện, những mong ước và giấc mơ của chúng ta, từng mảng dữ liệu dường như rất vô hại như vậy đã được cẩn thận sắp xếp, tổng hợp và bán đi" Tim Cook chia sẻ.

Dù CEO Apple không nhắc đích danh Facebook song rõ ràng công ty của Mark Zuckerberg chính là một trong những mục tiêu. Facebook xây dựng đế chế bằng cách thu thập dữ liệu người dùng cho hệ thống quảng cáo trúng đích. Quý trước, doanh thu của Facebook đạt mốc 20 tỉ USD, 99% trong số đó đến từ quảng cáo.

Cuộc 'đấu khẩu' 10 năm của Facebook và Apple đã đến hồi cao trào - Ảnh 1.

Apple và Facebook có quan điểm và mô hình kinh doanh gần như trái ngược nhau. (Ảnh: Core Alpha).

Bài phát biểu của Tim Cook chỉ là một ví dụ trong hàng loạt những màn "đấu khẩu" mà Tim Cook và Mark Zuckerberg liên tục thực hiện trong suốt gần một thập niên qua. Điều này đến từ thực tế rằng có những khác biệt cơ bản trong quan điểm kinh doanh của Apple và Facebook trên Internet.

Trên quan điểm của Facebook, Internet là nơi nhiều nền tảng cạnh tranh lẫn nhau và cung cấp dịch vụ miễn phí. Người dùng không cần trả tiền để dùng dịch vụ mà trả "gián tiếp" thông qua việc cho phép nền tảng theo dõi và lưu trữ dữ liệu phục vụ cho các nhà quảng cáo.

Cuộc chiến thập niên

Tuần trước, cuộc "đấu khẩu" giữa Facebook và Apple leo thang khi Facebook chạy chiến dịch quảng cáo trên nhiều mặt báo lớn chống lại một tính năng mới liên quan đến riêng tư và bảo mật mà Apple chuẩn bị triển khai trên iOS.

Tính năng này được thiết kế để thông báo với người dùng về việc một ứng dụng sẽ theo dõi thông tin cá nhân như dữ liệu vị trí hay lịch sử duyệt web. Đây là những dữ liệu mà những công ty như Facebook cần để hiển thị quảng cáo. Tính năng cũng cho phép người dùng chặn hành vi theo dõi trước khi sử dụng ứng dụng.

Facebook cáo buộc tính năng mới của Apple sẽ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ vốn vẫn dựa vào quảng cáo để tiếp cận khách hàng trên nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, Facebook cho rằng động thái của Apple sẽ khiến nhiều ứng dụng không còn miễn phí. 

Vì không còn nguồn thu từ quảng cáo, nhiều ứng dụng sẽ chuyển cách hoạt động sang thu phí đăng kí. Nếu điều đó xảy ra, Apple hưởng lợi bởi Apple có thể thu một phần phí khi người dùng đăng kí sử dụng một ứng dụng bên thứ ba trên App Store.

Nói chung, Facebook đã vẽ lên hình ảnh một Apple cực kì tham lam và xấu xa thông qua chiến dịch của mình.

Về phần mình, Apple nói rằng tính năng mà mình phát triển chỉ có chức năng thông báo với người dùng và không chặn việc các ứng dụng theo dõi người dùng. Apple cũng cho phép các nhà lập trình ứng dụng giải thích lí do vì sao người dùng nên cho phép ứng dụng theo dõi họ ngay trên thông báo. 

Như vậy, các ứng dụng vẫn có thể thu thập dữ liệu như trước đây song phải được người dùng cho phép. 

Cuộc 'đấu khẩu' 10 năm của Facebook và Apple đã đến hồi cao trào - Ảnh 2.

Thông báo người dùng iPhone nhận khi tính năng riêng tư mới của Apple kích hoạt (Ảnh: Apple).

Ngay từ những ngày đầu của chiếc iPhone, cuộc chiến về định hình Internet trên di động đã trở nên nóng bỏng. Liệu rằng Internet di động cũng nên giống website trên máy tính, nơi người dùng sử dụng trình duyệt web di động để truy cập các website thông qua các tiêu chuẩn công khai? Hay người dùng sẽ sử dụng các "ứng dụng", nơi các công ty sẽ có quyền kiểm soát nền tảng của mình sâu sát hơn?

Facebook thiên về phương án thứ hai và tập trung phát triển các ứng dụng theo các tiêu chuẩn mới.  Facebook đã từng muốn phát triển thiết bị di động của riêng mình để có nhiều quyền kiểm soát hơn. Dù vậy, thiết bị này chưa từng được ra mắt. Thay vào đó, Facebook thiết kế một "giao diện" của riêng mình cho các thiết bị Android (nhưng cũng chưa thật sự thành công).

Đến nay, Facebook vẫn đang tiếp tục phát triển nền móng của những nền tảng máy tính tiếp theo để không phải chơi theo luật của người khác lần nữa. Đó là lí do vì sao Facebook rót nhiều tiền vào các thiết bị như kính kĩ thuật số.

Cùng thời điểm, Facebook vẫn phải đối mặt với luật chơi Apple.

Cuộc chơi kết thúc đối với Facebook?

Điều đáng nói là Facebook cáo buộc Apple lạm dụng sức mạnh của mình trên thị trường ngay sau khi Uỷ ban Thương mại Mỹ (FTC) kiện Facebook vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Thậm chí, FTC còn kêu gọi chia nhỏ Facebook.

Hơn thế nữa, những luận điểm Facebook đưa ra khi tranh cãi với Apple cũng cho thấy vị thế của Facebook trên thị tường quảng cáo số (điều Facebook muốn chối bỏ). Các doanh nghiệp nhỏ sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào Facebook nếu như họ có một đối thủ đủ tầm của Facebook để lựa chọn.

Apple cũng phải đối mặt với những cáo buộc tương tự. Hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ công bố báo cáo về "độc quyền" trong đó nêu việc Apple sử dụng quyền kiểm soát của mình với App Store để hạn chế các đối thủ tiềm năng. Cả hai công ty đều phủ nhận những cáo buộc trên.

Vẫn còn quá sớm để nói rằng đây là điểm kết thúc của Facebook. Apple sẽ không rút lại tính năng mà mình đã phát triển và Facebook sẽ không đối diện với rủi ro mất đi hàng triệu người dùng khi rút khỏi App Store.

Steve Satterfield, giám đốc chính sách riêng tư và chính sách công của Facebook, nói với CNBC rằng Facebook sẽ tuân thủ theo quy định của Apple để tránh những rắc rối như trường hợp của Epic Games cùng trò chơi Fortnite.

Facebook cũng khó có những luận điểm tốt để tranh luận thêm với Facebook. Trong nhiều năm, Facebook luôn khẳng định người dùng thích những quảng cáo cá nhân hoá cho mỗi cá nhân dựa trên dữ liệu, thay vì những quảng cáo mang tính ngẫu nhiên. Nếu điều này đúng, người dùng sẽ cho phép Facebook tiếp tục theo dõi họ.

Hồi tháng 8, Facebook đưa ra dự báo rằng doanh thu của hãng có thể giảm 50% thông qua các mạng quảng cáo bên thứ 3 khi Apple kích hoạt tính năng riêng tư của mình.

Facebook cho biết muốn sử dụng các công cụ kiểm tra tính riêng tư của riêng mình để giúp người dùng kiểm soát những gì mình muốn chia sẻ, thay vì công cụ của Apple.

Apple khẳng định người dùng mong muốn những tính năng riêng tư tích hợp sâu vào iPhone.

Apple không phải là người duy nhất chống lại những tranh luận của Facebook. Ngay cả nhóm doanh nghiệp nhỏ (mà Facebook đang cố gắng bảo vệ) cũng cáo buộc mạng xã hội này về việc họ không nhận được sự quan tâm như đối với các khách hàng lớn mà Facebook đang chăm sóc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-dau-khau-10-nam-cua-facebook-va-apple-da-den-hoi-cao-trao-20201226100510425.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/