Cùng bị khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ: VPB, CTG, HPG lập đỉnh mới; VNM và POW sa sút

Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay là HPG, VNM, CTG, VPB, POW, …. Tuy nhiên, biến động giá của 5 cổ phiếu này lại không tương đồng với nhau.

Cùng bị khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ: VPB, CTG, HPG lập đỉnh mới; VNM và POW sa sút - Ảnh 1.

Cổ phiếu VPB của VPBank bị khối ngoại bán ròng gần 2.900 tỷ trong 5 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

HPG đứng top bán ròng của khối ngoại

Theo thống kê của Chứng khoán SSI, mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất toàn thị trường. Từ đầu năm đến hết phiên 28/5, khối ngoại mua 10.230 tỷ đồng HPG nhưng bán ra tới 17.497 tỷ, tương ứng với giá trị bán ròng 7.267 tỷ.

Đứng số 2 trong bảng xếp hạng khối ngoại bán ròng là cổ phiếu VNM của Vinamilk với giá trị 6.260 tỷ, kém HPG khoảng 1.000 tỷ.

Dù tính theo giá trị tuyệt đối hay so với vốn hóa thị trường của từng mã, HPG đều bị xả mạnh hơn so với VNM (vì giá trị niêm yết của hai mã tương đương nhau).

Cùng bị khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ: VPB, CTG, HPG lập đỉnh mới; VNM và POW sa sút - Ảnh 2.

Mặc dù bị nước ngoài xả mạnh, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HPG ở trong xu hướng đi lên mạnh mẽ với mức tăng 62% còn VNM đã giảm hơn 16%. Diễn biến giá cổ phiếu trái ngược đã dẫn tới một điểm giao cắt về vốn hóa. 

Đầu năm nay, giá trị niêm yết của VNM lớn hơn HPG; nhưng từ đầu tháng 5 này, HPG đã vượt lên giành vị trí thứ 4, chỉ còn đứng sau VIC (Vingroup), VCB (Vietcombank) và VHM (Vinhomes).

Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh khác bao gồm CTG (VietinBank) với hơn 5.600 tỷ, VPB (VPBank) gần 2.900 tỷ, POW (PV Power) và VCB (Vietcombank) đều hơn 1.600 tỷ.

Biến động giá của những cổ phiếu này cũng rất phân hóa. Trong khi CTG tăng 48%, VPB nhảy vọt 111% thì một cổ phiếu ngân hàng khác là VCB lại chỉ nhích chưa đầy 2%, POW thì sụt tới 14%.

Cùng bị khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ: VPB, CTG, HPG lập đỉnh mới; VNM và POW sa sút - Ảnh 3.

Nguyên nhân của sự khác biệt về diễn biến giá này đến từ hành động của khối nội, đặc biệt là giao dịch của đám đông cá nhân.

Tính riêng trong tuần trước, HPG và CTG đều nằm trong nhóm bị nước ngoài xả mạnh nhất nhưng đồng thời cũng được các nhà đầu tư cá nhân trong nước nâng đỡ đắc lực. Giá trị mua ròng của NĐT nhỏ lẻ Việt Nam vượt cả số bán ròng của khối ngoại. Nhờ vậy mà cả CTG và HPG đều tăng giá trong tuần trước.

Hoạt động giao dịch của nhà đầu tư cá nhân ở cổ phiếu HPG nhiều khả năng sẽ tăng lên trong các phiên tới vì Hòa Phát sắp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt 5% và bằng cổ phiếu 35%. 

Giá HPG được điều chỉnh giảm từ khoảng 67.000 đồng/cp xuống dưới 50.000 đồng/cp nên hợp túi tiền NĐT cá nhân hơn.

Thống kê của FiinPro cho thấy 20 cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất bị xả tổng cộng 2.294 tỷ đồng trong tuần trước, tuy nhiên các nhà đầu tư cá nhân mua vào tới 2.344 tỷ.

Cùng bị khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ: VPB, CTG, HPG lập đỉnh mới; VNM và POW sa sút - Ảnh 5.

Thống kê của Bloomberg mới đây cho thấy, các nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 90% lượng giao dịch toàn thị trường chứng khoán Việt Nam và là động lực chính đưa VN-Index lên đỉnh mới trên 1.300 điểm.

Khối ngoại bán ròng hơn 1 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến 28/5, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 24.103 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuyệt đại đa số hoạt động giao dịch khối ngoại tập trung ở HOSE với giá trị bán ròng 24.090 tỷ đồng.

Tại HOSE, việc bán ròng lại tập trung vào nhóm bluechip VN30 với giá trị lên tới 23.561 tỷ, chiếm gần 98% toàn thị trường. Cả 10 mã cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất thể hiện ở hai biểu đồ trên đều là các thành viên của VN30.

Giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm 12,9% tổng giao dịch trong nhóm VN30, chiếm 9,5% giao dịch ở HOSE và 8,2% giao dịch toàn thị trường.

Tuy NĐT nước ngoài rút vốn mạnh nhưng VN-Index vẫn tăng 20% so với đầu năm, vượt xa mốc 1.300 điểm. Chỉ số VN30 cũng lên đỉnh mới khi lần đầu vượt mốc 1.400.

Phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên ngày 22/5 vừa qua, Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng nhận định: "Một điều rất mừng là dòng tiền nước ngoài hiện hay không còn đóng góp quá nhiều đến VN-Index như ngày xưa. Mặc dù người ta bán ròng nhưng VN-Index tăng trưởng và thanh khoản đang rất cao".

Lý giải về hoạt động rút ròng của khối ngoại, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết các quỹ ngoại đều có những tiêu chí riêng. Khi đạt được những mục tiêu đề ra, nhóm này sẽ rút. Các tiêu chí có thể là lợi nhuận, thời hạn quỹ hoặc việc nhận thấy không còn phù hợp.

Ví dụ cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 11/2020 đến tháng 3/2021, giá HPG tăng rất mạnh nhưng quỹ Penm IV Germany vẫn bán hết 76,5 triệu cổ phiếu vì sắp đến thời hạn đóng quỹ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cung-bi-khoi-ngoai-ban-rong-hang-nghin-ty-vpb-ctg-hpg-lap-dinh-moi-vnm-va-pow-sa-sut-20210531083410617.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/