Cú rẽ ngoạn mục sang thịt thực vật của nữ triệu phú gốc Việt ở Australia

Sau khi thành công với sản phẩm thức ăn chế biến sẵn, một nữ triệu phú gốc Việt ở Australia đột ngột chuyển sang chế biến thịt giả từ thực vật.

Diễm Fuggerberger - một nữ triệu phú gốc Việt ở thành phố Sydney, Australia - là người đồng sáng lập và điều hành hai công ty - Berger Ingredient và Coco & Lucas' Kitchen. 

Berger Ingredient cung cấp thực phẩm theo mùa và gia vị, còn Coco & Lucas' Kitchen sản xuất thực phẩm đóng gói và đóng hộp dành cho trẻ em 3-12 tuổi.

Bỏ nền tảng thành công để thực hiện sứ mệnh cao cả cho thế hệ tương lai

Sau 8 năm, cả hai công ty của Diễm đều trở thành doanh nghiệp trị giá nhiều triệu USD. Cô thường xuyên nói chuyện trên truyền hình hay mạng xã hội để tư vấn kinh doanh cho những phụ nữ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng sang năm 2019, Coco & Lucas' Kitchen đột ngột chuyển sang sản xuất các suất ăn sẵn dành cho người ăn chay, ăn kiêng và ăn bán chay.

"Là con gái của một người bán thịt lợn, tôi luôn có mối liên hệ khăng khít với thịt. Ai mà nghĩ tôi sẽ bắt đầu hành trình tới thịt thực vật vào giai đoạn này của cuộc đời? Nhưng tôi tin chẳng bao giờ quá muốn để thay đổi hoặc cố gắng cho thứ tốt hơn", Diễm thổ lộ.

Nữ doanh nhân gốc Việt nhận định sản xuất thịt thực vật là một trong những cách để mang tới cuộc sống khỏe mạnh hơn, an toàn hơn cho các thế hệ tương lai. "Đó là sứ mệnh rất quan trọng và là nghĩa vụ của những doanh nhân như tôi", cô phát biểu.

thit thuc vat 1

Những viên thịt thực vật do công ty Coco & Lucas' Kitchen sản xuất. Ảnh: Coco & Lucas.

Đương nhiên, sự thay đổi tư duy không đến với Diễm Fuggersberger một cách đơn giản. Nhưng sau khi tìm hiểu về tác động của thịt đói với sức khỏe, môi trường và động vật, cô cảm thấy bản thân phải thay đổi.

"Chỉ cần ăn một hoặc hai bữa không thịt trong tuần cũng có thể tạo ra tác động rất lớn đối với sức khỏe. Và ngày nay, người tiêu dùng có thể chuyển sang khẩu phần không thịt một cách dễ dàng nhờ những sản phẩm thịt thực vật có mùi, vị, kết cấu giống hệt thịt thật", cô nói.

Sản phẩm có mùi, vị, kết cấu và hàm lượng dinh dưỡng giống thịt thật

Với mục tiêu bảo đảm tính bền vững, các loại thịt có nguồn gốc thực vật của Coco & Lucas' Kitchen vẫn đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng tối ưu, song chỉ gây tác động rất nhỏ đối với môi trường và hoàn toàn không đóng góp vào nỗi thống khổ của động vật.

"Sản phẩm của chúng tôi rất đa dạng, đáp ứng khẩu vị của nhiều nước trên thế giới, mang tới bữa ăn tiện lợi cho mọi gia đình. Công ty còn nhiều sản phẩm thú vị khác trong tương lai", nữ triệu phú tiết lộ.

Coco & Lucas' Kitchen sử dụng nguyên liệu tự phân hủy để làm bao bì, hộp đựng thực phẩm để góp phần giảm lượng rác thải nilon. 

Coco & Lucas 3

Doanh nhân Diễm Fuggersberger bên những lô sản phẩm trong kho. Ảnh: Coco & Lucas

Sự chuyển hướng sang thịt thực vật giúp công ty giảm tới 90% lượng nước so với thịt thường. Ngoài ra, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và diện tích nhà máy cũng giảm lần lượt 96% và 97%.

"Thực hiện một bước nhỏ sang hướng đúng đắn chưa bao giờ là việc dễ dàng, và công ty chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ khó nhất vì người tiêu dùng", Diễm nhấn mạnh.

Hành trình mới của Coco & Lucas mới chỉ bắt đầu, và chinh phục khách hàng với thịt thực vật là một thách thức lớn. Tuy nhiên, sản phẩm "cơm thịt gà thực vật" công ty vừa giành giải thưởng "Bữa ăn tiện lợi tốt nhất dành cho người ăn chay" của Tổ chức Bảo vệ quyền lợi động vật (PETA). Diễm hi vọng đó là khởi đầu tốt đối với sự chuyển hướng của cô.

Sự trỗi dậy và tiềm năng của thịt thực vật

Chuyển sang sản xuất thịt thực vật không chỉ xuất phát từ sự thay đổi tư duy của Diễm Fuggersberger và chồng, mà còn xuất phát từ quá trình nghiên cứu kĩ lưỡng của họ đối với xu thế của thịt thực vật trên thế giới.

Mỹ là quốc gia tiên phong trong thương mại hóa và tiêu thụ thịt thực vật. Người ta có thể liệt kê hàng loạt nhà sản xuất thịt thực vật ở Mỹ như Boca Foods, Tofurky, Field Roast Grain Meat, Gardein, Morningstar Farms, Impossible Foods, Lightlife .

Vài năm qua, thị trường Mỹ ngày càng chuộng những sản phẩm thay thế thịt như hamburger có nhân thịt thực vật, thịt gà giả, xúc xích thịt lợn giả. 

Nhiều thịt thực vật có mùi, vị giống thịt thật nên người bình thường hầu như không thể phân biệt chúng với thịt động vật. Các thành tựu đột phá trong công nghệ thực phẩm giúp các nhà sản xuất thịt thay thế bắt chước mùi vị và kết cấu của thịt thật một cách dễ dàng.

Diem 3

Cùng với nhiều doanh nhân, cô Diễm Fuggersberger gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức Việt Nam tại Australia hồi tháng 3/2018. Ảnh: Diễm Fuggersberger

Ông Seth Goldman, Chủ tịch Beyond Meat, tiết lộ rằng công ti đang tăng trưởng nhanh ở mọi kênh phân phối - từ các cửa hàng và siêu thị thực phẩm đến các chuỗi nhà hàng.

"Vấn đề lớn nhất của Beyond Meat là đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu hamburger nhân thịt thực vật đang tăng vọt. 2017 và 2018 là hai năm căng thẳng với công ty vì chúng tôi không thể duy trì nguồn cung dự trữ", Goldman thừa nhận.

Impossible Foods, một nhà sản xuất thịt thực vật khác, cũng đang tăng trưởng ngoạn mục. Công ty tập trung sản xuất bánh hamburger nhân "thịt thực vật" mang nhãn hiệu Impossible Burger và các sản phẩm thịt thực vật khác. 

Thịt thực vật của Impossible Burger có mùi vị và kết cấu giống hệt thịt bò. Vài năm trước, người ta chỉ thấy thịt bò thực vật của Impossible Burger ở vài nhà hàng. Nhưng hiện tại, khoảng 7.000 nhà hàng ở Mỹ bán nó.

Hồi cuối tháng 4, Burger King thông báo họ sẽ bán Impossible Whopper, loại bánh sandwich kẹp thịt giả của Impossible Foods, ở tất cả 7.300 nhà hàng của chuỗi vào cuối năm 2019. 

Tương tự, chuỗi nhà hàng Qdoba cũng sẽ bán sản phẩm của Impossible Foods tại 730 nhà hàng của họ vào cuối tháng 5.

Ban lãnh đạo Impossible Foods thừa nhận họ đang đối mặt với khó khăn ngắn hạn do nhu cầu tăng vượt xa nguồn cung. Công ty cũng đang quá tải vì tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh chóng của các kênh bán hàng từ các nhà hàng nhỏ, các chuỗi nhà hàng lớn, tụ điểm vui chơi, công viên giải trí.


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cu-re-ngoan-muc-sang-thit-thuc-vat-cua-nu-trieu-phu-goc-viet-o-australia-20191022115043726.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/