Công ty mẹ Facebook lỗ gần 14 tỷ USD trong năm 2022 cho ván cược vào metaverse

Tỷ phú Mark Zuckerberg đã đổi tên công ty từ Facebook sang Meta với mục tiêu hướng tới "tương lai của internet" mang tên vũ trụ ảo metaverse. Chưa rõ kết quả ván cược này sẽ đi tới đâu, song công ty mẹ Facebook đã phải gánh chịu khoản lỗ khủng lên tới gần 14 tỷ USD chỉ trong năm 2022.

Giấc mơ về một tương lai trong siêu vũ trụ của Mark Zuckerberg đang khiến các nhà đầu tư tốn rất nhiều tiền, theo thông tin từ CNBC.

Trong buổi họp công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, Meta (công ty mẹ Facebook) cho biết bộ phận Reality Labs, nơi tập trung các dự án và công nghệ thực tế ảo của công ty, đã báo lỗ hoạt động 4,28 tỷ USD trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, qua đó nâng tổng số tiền lỗ trong năm 2022 lên 13,72 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia, 2022 là một năm đầy khó khăn với Meta, công ty trước đây được gọi là Facebook. Vào cuối năm 2021, CEO Meta Mark Zuckerberg đã đổi tên công ty và cho biết tương lai của công ty sẽ là siêu vũ trụ, một vũ trụ kỹ thuật số nơi mọi người sẽ làm việc, mua sắm, vui chơi và học hỏi.

Ván cược của tỷ phú Mark Zuckerberg vào metaverse chưa thu được kết quả như ý. (Ảnh: CNBC).

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ván cược này của Meta đã tốn quá nhiều tiền, và chưa thu lại được nhiều thứ. Công ty mẹ Facebook vẫn được biết tới nhiều hơn là một công ty quảng cáo trực tuyến.

Reality Labs đã tạo ra doanh thu 727 triệu USD trong quý IV/2022 và 2,16 tỷ USD doanh thu cho cả năm 2022, đánh dấu mức giảm so với mức 2,27 tỷ USD vào năm 2021, bao gồm cả doanh số bán tai nghe Quest.

Nói cách khác, bộ phận này thực tế ảo của Meta đã mất hơn 6 lần số tiền mà nó tạo ra trong doanh thu năm ngoái, trong khi chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu tại công ty mẹ Facebook.

Các nhà phân tích trước đó đã đưa ra dự đoán rằng Reality Labs sẽ ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động hàng quý là 4,36 tỷ USD trong quý IV/2022 trên doanh thu 715,1 triệu USD, theo StreetAccount.

Doanh số bán tai nghe VR của Meta tại Mỹ đã giảm 2% vào năm 2022 so với năm trước tính đến đầu tháng 12, theo dữ liệu được công ty nghiên cứu NPD Group chia sẻ với CNBC.

Vào tháng 7/2022, Meta đã thông báo rằng họ sẽ tăng giá của tai nghe Quest 2 VR lên 100 USD. Vào thời điểm đó, công ty cho biết việc tăng giá là điều cần thiết để giải quyết áp lực từ lạm phát.

Meta sau đó đã ra mắt tai nghe Quest Pro VR, mẫu tai nghe có giá đắt tiền hơn vào tháng 10/2022, giới thiệu nó cho các công ty như một thiết bị dành cho doanh nghiệp tại nơi làm việc với giá 1.500 USD.

Tuy nhiên, trong tuần này, công ty do tỷ phú Mark Zuckerberg điều hành lại đang tiến hành giảm giá trên tai nghe VR cao cấp của mình, với mức giảm lên tới 400 USD trong thời gian giới hạn.

Tỷ phú Mark Zuckerberg nói với người dẫn chương trình Jim Cramer của CNBC vào mùa hè năm ngoái rằng ông hy vọng sẽ “đạt được khoảng một tỷ người trong metaverse thực hiện giao dịch hàng trăm USD” vào nửa sau của thập kỷ.

Dù vậy, trước khi giấc mơ của người sáng lập Facebook trở thành hiện thực, Meta đã phải chi hàng tỷ USD để phát triển VR và các công nghệ thực tế tăng cường làm nền tảng cho khái niệm metaverse.

Năm ngoái, công ty cho biết họ dự kiến “Khoản lỗ hoạt động của Reality Labs vào năm 2023 sẽ tăng đáng kể so với năm trước”. “Sau năm 2023, chúng tôi hy vọng sẽ tăng tốc các khoản đầu tư của Reality Labs để có thể đạt được mục tiêu tăng thu nhập từ hoạt động chung của công ty trong thời gian dài”, đại diện Meta cho biết vào thời điểm đó.

Các cổ đông đã không mấy vui mừng với kết quả của Reality Labs mà Meta đã ghi nhận cho tới nay. Meta đã mất gần 2/3 giá trị vào năm ngoái do chi phí vào metaverse tăng vọt và hoạt động kinh doanh quảng cáo trực tuyến cốt lõi của công ty gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đi xuống, sự cạnh tranh gia tăng từ TikTok và Apple cập nhật quyền riêng tư, hạn chế nhắm mục tiêu quảng cáo.

Trong ngày 1/2, công ty mẹ Facebook cũng đã báo cáo kết quả quý IV/2022 vượt qua ước tính doanh thu của các nhà phân tích và công bố khoản mua lại trị giá 40 tỷ USD, qua đó khiến giá cổ phiếu tăng hơn 17% trong phiên giao dịch mở rộng.

Cụ thể, công ty mẹ Facebook đạt doanh thu 32,17 tỷ USD, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia Phố Wall được Refinitiv tổng hợp là 31,53 tỷ USD. Bên cạnh đó, thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) của Meta trong quý IV đạt mức 1,76 USD.

Công ty đã báo cáo các khoản phí tái cơ cấu cho phân khúc Family of Apps và bộ phận Reality Labs lần lượt là 3,76 tỷ USD và 440 triệu USD trong quý cuối năm 2022. Do những khoản phí đó, các chuyên gia cho biết rất khó để so sánh thu nhập trên mỗi cổ phiếu của công ty với ước tính của các nhà phân tích là 2,22 USD/cổ phiếu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cong-ty-me-facebook-lo-gan-14-ty-usd-trong-nam-2022-cho-van-cuoc-vao-metaverse-20232274119150.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/