Người nuôi tôm Nam Trung Bộ khốn đốn, chịu lỗ lớn thu hồi vốn cũng không xong

Giãn cách xã hội kéo dài, chuỗi cung ứng đứt gãy và các nhà máy chế biển thủy sản phải thực hiện ba tại chỗ khiến giá tôm giảm sâu, người dân muốn bán lỗ thu hồi lại ít vốn cũng không dễ dàng.

Muốn cắt lỗ cũng không dễ

Ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú (Khánh Hòa) có gần 20 ha mặt nước và 5 ha nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng, mỗi năm xuất khoảng 400 tấn tôm thương phẩm cho biết, khi Khánh Hòa giãn cách xã hội người nuôi tôm không thể bán được cho các nhà máy chế biến vì không thuê được nhân công thu hoạch tôm.

"Tôm nuôi khoảng ba tháng là xuất bán để lâu sẽ sinh bệnh, tôm ngộp chết… thiệt hại sẽ rất lớn nhưng giãn cách xã hội nên không thuê được nhân công thu hoạch và cũng không có người đi thu mua.

Đến khi chính quyền tạo điều kiện cho người dân thu hoạch tôm cũng là lúc các nhà máy chế biến thủy sản gặp khó trong việc thực hiện "ba tại chỗ". Nhiều nhà máy phải đóng cửa vì có ca COVID-19, số khác chỉ hoạt động khoảng 50% công suất nên lượng mua giảm hơn 50% so với những ngày trước dịch", ông Chính cho biết.

Con tôm Nam Trung Bộ chết 'ngộp' vì COVID-19 - Ảnh 1.

Do giãn cách xã hội việc thu hoạch và thu mua tôm thẻ chân trắng đang gặp hàng loạt khó khăn. (Ảnh: Khải An).

Theo người nuôi tôm, nếu trước dịch, các nhà máy thu khoảng 20 tấn/ngày thì hiện nay chỉ thu mua khoảng 7-10 tấn/ngày. Do lượng tôm thương phẩm tồn trong dân còn rất lớn nên nhiều hộ buộc bán tháo để thu hồi vốn.

Cứ như thế giá tôm đã giảm 30-50 nghìn đồng/kg (tùy kích cỡ) trong thời gian qua và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

"Đợt vừa rồi HTX đã bán gần 60 tấn tôm với giá 100.000 đồng/kg loại 50 con/kg. Trong khi giá trước dịch là hơn 140.000 đồng/kg nhưng nếu giữ đến bây giờ chắc chắn HTX đã lỗ nặng", ông Chính nói.

Tại Ninh Thuận, 12 ha nuôi công nghệ cao với khoảng 400 – 500 tấn/năm của ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Cơ sở nuôi tôm Anh Khoa cũng đang gặp khó khăn để tìm đầu ra trong khi các chi phí về thuốc, thức ăn nuôi tôm đang tăng từ ngày.

Ông Vinh cho biết, người nuôi tôm tại Ninh Thuận ngoài bán tôm cho các nhà máy tại địa phương còn bán cho các nhà máy tại Khánh Hòa và các tỉnh phía Nam nhưng khi việc đi lại giữa các địa phương bị đứt đoạn giá tôm nhanh chóng sụt giảm.

"Giá tôm hiện nay đã giảm từ 30.000 đến hơn 50.000 đồng/kg tùy size nhưng lượng thu mua rất ít. Nhiều hộ chấp nhận bán tôm size nhỏ (từ 100 con/kg) để các cơ sở nhỏ lẻ mua về hấp, phơi khô khô hoặc bán chợ thay vì bán cho nhà máy chế biến xuất khẩu.

Tuy người dân đã bán tháo với giá thấp nhưng lượng tôm tiêu thụ chỉ vài tấn/ngày nên người nuôi tôm vẫn khó khăn khi giải quyết đầu ra để thu hồi vốn. Nếu kéo dài vụ tôm này các cơ sở nuôi tôm như chúng tôi có thể lỗ 2-3 tỷ đồng/vụ", ông Vinh cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các doanh nghiệp chế biến thủy sản nói chung và chế biến tôm nói riêng đều có vùng nuôi lớn nên khi dịch bệnh bùng phát và phải thực hiện ba tại chỗ nhóm doanh nghiệp buộc phải giảm công suất nhà máy hoặc đóng cửa nếu có ca COVID-19 nên họ ưu tiên tiêu thụ số tôm của doanh nghiệp mình trước rồi mới đến số tôm thu mua từ dân.

Ngoài ra, dù có các kho, bãi trữ tôm nguyên liệu nhưng các doanh nghiệp vẫn không thể thu mua tôm từ dân với số lượng lớn vì những doanh nghiệp này chỉ hoạt động khoảng 30-50% công suất nhà máy và phải chi thêm một khoản lớn chi phí để duy trì hoạt động.

Chỉ có 50% diện tích nuôi được thả cho vụ mới

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, do ảnh giãn cách và thực hiện sản xuất ba tại chỗ nên nhiều mặt hàng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao ở các địa phương đang khó tiêu thụ.

Tính đến cuối tháng 8, Khánh Hòa tồn khoảng 1.140 tấn thủy sản các loại đến giai đoạn xuất bán, trong đó tôm thẻ chân trắng có khoảng 300 tấn.

Do lượng tôm tồn lớn, cộng với việc giá thu mua thấp trong khi hàng loạt chi phí đầu vào tăng cao nên người nuôi tôm đang giảm khoảng 50% diện tích nuôi cho vụ mới.

Ông Lê Minh Chính cho biết, các doanh nghiệp đầu ngành chế biến xuất khẩu tôm do sợ thiếu nguồn nguyên liệu sau dịch nên đang có chương trình tặng con giống với số lượng lớn (mua một tặng một thậm chí mua hai tặng một) để kích cầu người dân tiếp tục nuôi tôm nhưng người dân vẫn không dám xuống vụ mới, đa số chỉ xuống khoảng 50% diện tích nuôi.

Con tôm Nam Trung Bộ chết 'ngộp' vì COVID-19 - Ảnh 3.

Giá thu mua không ổn định và dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát khiến người nuôi tôm chỉ thả khoảng 50% diện tích nuôi dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu sau dịch COVID-19. (Ảnh: Khải An).

Còn theo ông Nguyễn Văn Vinh, giá tôm đầu ra thấp nhưng giá chăn nuôi đầu vào tăng, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và hơn hết giá tôm luôn bấp bênh (thừa giá xuống, thiếu giá tăng) nên vụ mới người dân Ninh Thuận cũng không dám thả nhiều và nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ diễn ra vì vụ mới chỉ có khoảng 50% công xuất vùng nuôi được thả.

Trong khi đó, nói với người viết, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, bên cạnh giá tôm giảm và giá thành chăn nuôi tăng, người dân sợ thiệt hại kép khi vụ cuối năm thường có mưa bão, thiên tai.

Mong được hỗ trợ giảm tiền điện

Ông Võ Khắc Én cho biết thêm, thiệt hại của người nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng dịch COVID-19 là khó tránh khỏi khi các nhà máy vẫn đang thực hiện ba tại chỗ, người dân vẫn phải có đủ các giấy tờ cần thiết mới có thể đi lại trong giai đoạn chống dịch.

"Chúng tôi đã có nhiều kiến nghị lên các cấp nhưng việc ưu tiên chống dịch và phát triển kinh tế cần phải hài hòa. Do đó, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ và vận chuyển.

Tiêm phủ vắc xin vẫn là giải pháp tối ưu trong giai đoạn này, hiện các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất và người nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa đang được ưu tiên tiêm nhưng để tất cả được tiêm hai mũi và thêm 14 ngày sau khi tiêm mũi hai mới được hoạt động vẫn là một khoản thời gian dài nên khó bắt ép người dân thả tôm trong giai đoạn này", ông Én chia sẻ.

Trong khi đó, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú cho biết, chi phí sản xuất một con tôm thì giá điện chiếm hơn 20%, nếu sản xuất theo hướng công nghiệp thì chi phí điện chiếm hơn 30%.

"Hiện một số nước đang giảm 50% tiền điện cho người nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và đã phát huy hiệu quả như Ấn Độ. Không chỉ ngành nuôi trồng thủy sản mà các nhà máy chế biến thủy sản cũng tiêu thụ điện rất lớn.

Do đó, việc giảm tiền điện mang lại giá trị thực cho người nuôi tôm và nhà nước cũng có thể kiểm soát được việc này thông qua giá điện sản xuất của các cơ sở. Người nào thực làm thì được giảm thay vì hỗ trợ các khoản khác", ông Chính nói.

Góp thêm vào các giải pháp, ông Nguyễn Văn Vinh cho biết, giá tôm rất bấp bênh gây ảnh hưởng tâm lý người nuôi. Theo ông Vinh, vẫn doanh nghiệp và đầu nậu đó nhưng giá mua sẽ thay đổi theo thị trường, tôm dư thừa giá sẽ giảm và ngược lại, việc này đang tạo tâm lý không ổn định nơi người nuôi.

"Các doanh nghiệp chế biến thủy sản họ ký hợp đồng theo năm hoặc nhiều năm với các đối tác nước ngoài nên có thể đưa ra giá tương đối ổn định để người dân có thể tính toán mạnh dạn xuống vụ. Nếu việc này được giải quyết thì dù dịch bệnh đang xảy ra thiệt hại của các bên sẽ giảm nhiều. Doanh nghiệp không sợ thiếu nguyên liệu và người nuôi cũng an tâm xuống giống vì tính toán được lợi nhuận vụ nuôi (không tính thiên tai và bệnh)", ông Vinh nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/con-tom-nam-trung-bo-chet-ngop-vi-bi-dau-ra-20210910165615538.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/