Cơn sốt giá năng lượng toàn cầu đang khép lại?

Giá của cả ba mặt hàng năng lượng chính là dầu thô, than đá và khí đốt tự nhiên đều đang hạ nhiệt. Các nhà đầu tư nên lưu tâm vì xu hướng này có thể đánh dấu sự kết thúc của đợt tăng giá gần đây trên thị trường.

Cơn sốt giá năng lượng toàn cầu kéo dài trong vài tháng qua đã lắng xuống trong tuần này. Giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô đều ghi nhận mức giảm so với các tuần trước.

Đặc biệt, đối với dầu thô, đây là tuần giảm đầu tiên trong hai tháng qua. Trong khi các công ty dầu mỏ hứng khởi với kết quả kinh doanh quý III vượt trội, khả năng giá dầu thô phá mốc 85 USD/thùng ngày càng suy yếu trong tuần này.

Oilprice.com cho rằng, liệu xu hướng tăng giá trên thị trường năng lượng có đang dần khép lại hay không vẫn là một câu hỏi mở. Các nhà đầu tư cần lưu ý đến những dấu hiệu kém lạc quan trong thời gian tới.

Trước hết, liên minh dầu mỏ OPEC+ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tuân thủ kế hoạch hiện tại. Tuần này, ủy ban giám sát của OPEC+ đã nhất trí rằng liên minh này nên duy trì mức tăng nguồn cung 400.000 thùng/ngày, bất chấp lời kêu gọi bơm thêm dầu từ các nhà nhập khẩu.

Chưa kể, do lợi nhuận quý III tăng cao nhờ giá dầukhí đốt phục hồi mạnh trong năm nay, các công ty dầu mỏ lớn có thể ưu tiên việc mua lại cổ phiếu, thay vì đầu tư vào các mỏ khai thác mới. Đơn cử, ExxonMobil của Mỹ dự kiến sẽ chi khoảng 10 tỷ USD để mua lại cổ phiếu sau khi tạm ngừng kế hoạch này từ năm 2016.

 

Dù các tín hiệu trên cho thấy nguồn cung dầu mỏ trên thị trường có thể tiếp tục bị siết chặt, cuộc đàm phán hạt nhân của Iran lại có thể xoa dịu tình hình.

Theo truyền thông quốc tế, các quan chức hàng đầu từ Iran và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý ngồi lại vào bàn đàm phán vào khoảng cuối tháng 11 sau ba tháng gián đoạn sau khi ông Ebrahim Raisi đắc cử chức tổng thống Iran.

Nếu đàm phán đạt được tiến triển tốt, khả năng Iran bơm thêm dầu ra thị trường là khả thi. Các chuyên gia từng dự đoán, nếu chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ trừng phạt, Iran có thể ồ ạt bơm dầu trở lại thị trường, ước tính khoảng 2,5 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, cuộc điều tra kéo dài của chính quyền ông Biden về tình trạng biến đổi khí hậu cũng vừa bắt đầu, oilprice.com đưa tin.

Quốc hội Mỹ đã khởi động một cuộc điều tra trên diện rộng trong tuần này, theo đó các quan chức sẽ nghiên cứu các công ty dầu mỏ gây hiểu lầm cho công chúng về biến đổi khí hậu. Các giám đốc cấp cao từ những ông lớn hàng đầu như Chevron và Royal Dutch Shell sẽ phải ra điều trần trước các nhà lập pháp.

 

Trong khi đó, tại châu Âu, gã khổng lồ ngành khí đốt Gazprom của Nga cho biết họ vừa hoàn thành mục tiêu dự trữ 72,6 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Điều này ngụ ý rằng Nga có thể sẽ sớm xuất khẩu thêm khí đốt sang châu Âu trong chưa đến hai tuần tới, qua đó giúp hạ nhiệt cơn sốt giá khí đốt ở lục địa già.

Ở diễn biến khác, Arab Saudi dự đoán sản lượng điện gió, một đối thủ của nhiên liệu hóa thạch, sẽ tăng đột biến. Vesta Wind Systems, nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới, sắp khởi động nhà máy điện gió Dumat al Jandal với tổng công suất khoảng 400 MW và thành lập thêm một trụ sở khu vực để mở rộng hơn nữa ở Trung Đông.

Cuối cùng, giá than giao sau tại Trung Quốc đang giảm mạnh. Hôm 29/10, giá than nhiệt giao sau trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu đã tụt mạnh xuống còn 970 nhân dân tệ/tấn, mức giảm theo tuần mạnh nhất trong năm nay. Giới chức Bắc Kinh đã cam kết sẽ tiếp tục ghìm cương thị trường năng lượng để xoa dịu cú sốc thiếu điện trong nước.

Gần nhất, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) còn nhận định, chi phí sản xuất của các công ty khai thác than ở Trung Quốc hiện đang thấp hơn nhiều so với giá than giao ngay, chứng tỏ giá của nhiên liệu hóa thạch này có thể tiếp tục giảm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/con-sot-gia-nang-luong-toan-cau-dang-khep-lai-20211030084534992.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/