Cơn ác mộng mang tên 'thanh khoản cạn kiệt' của phố Wall

Thị trường tài chính Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt thanh khoản. Nhu cầu tích trữ tiền mặt của giới doanh nghiệp, ngân hàng và các nhà đầu tư tăng cao do lo ngại về hậu quả của COVID-19 trong tương lai.

Cơn ác mộng thanh khoản của phố Wall  - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: AP

Vào buổi chiều 12/3, ông Ian Burdette – Giám đốc đầu tư mảng chứng khoán nợ tại ngân hàng đầu tư Academy Securities nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính và gần như không thể tin nổi vào mắt mình.

Mọi thông tin hiện ra trên màn hình đều cho thấy sự bất thường và dấu hiệu của căng thẳng lớn chưa từng có trên thị trường chứng khoán.

Theo Bloomberg, hồi tháng 1/2020, hợp đồng tương lai Trái phiếu kho bạc Mỹ kì hạn siêu dài trung bình tăng 1,3 điểm mỗi ngày. Nhưng đến chiều ngày 12/3, hợp đồng tương lai này lại giảm hơn 7 điểm so với mức mở cửa, và đã mất 36 điểm tính từ mức cao trong ngày 9/3.

Nợ công của Italy phình to như một quả bóng bay sắp nổ. Một chỉ số phản ánh chi phí bảo hiểm nợ của doanh nghiệp bằng hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đã tăng đến mức cao nhất kể từ khi ngân hàng Lehman Brothers phá sản.

Chỉ số Biến động CBOE (Chicago Board Options Exchange Index, gọi tắt là chỉ số VIX) đo lường chi phí để phòng ngừa rủi ro thua lỗ đối với cổ phiếu Mỹ đạt đỉnh cao nhất kể từ tháng 11/2008.

Trong hầu hết các thị trường, chênh lệch giữa giá hỏi mua và giá chào bán chứng khoán tăng vọt. Theo như nhận xét của ông Burdette thì mức chênh lệch giá này "lớn một cách đáng kinh ngạc". 

Ông Burdette nói: "có quá nhiều tín hiệu đang nhấp nháy trên màn hình, tôi không biết điều gì là tệ nhất nữa".

Trong tuần này, số ca xác nhận nhiễm virus corona chủng mới tại nhiều nước ngoài Trung Quốc tiếp tục tăng, và tuyên bố COVID-19 là đại dịch của WHO đã đẩy thị trường tài chính vào trạng thái hỗn loạn, một lần nữa làm dấy lên lo ngại về khả năng hoạt động của thị trường trong thời kì khủng hoảng.

Đây là thử thách lớn đầu tiên cho thị trường tài chính kể từ khi những cải cách được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến các ngân hàng và công ty chứng khoán không thể cung cấp thanh khoản cho thị trường trong một cuộc khủng hoảng.

Nói cách khác, ngân hàng và công ty chứng khoán giờ đây không thể trở thành người mua và người bán khi khách hàng cần tới họ nhất.

Chấn động của thị trường tài chính đang khiến cho biến động giá của chứng khoán trở nên trầm trọng hơn. Các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định giá trị thực sự của chứng khoán trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế dường như đang ngày càng xấu đi, và tác động thực sự COVID-19 có thể gây ra đối với thế giới vẫn rất khó đoán định.

Cơn ác mộng thanh khoản của phố Wall  - Ảnh 2.

Chỉ số Markit CDX (màu đen) và chỉ số biến động CBOE (màu đỏ).

Trên khắp các thị trường, tình trạng thanh khoản bốc hơi có thể thấy rõ qua chênh lệch giá chào mua/bán của nhiều loại chứng khoán.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng thanh khoản lại đặc biệt nghiêm trọng đối các tài sản vốn thường được nhà đầu tư coi là "hầm tránh bão", và do đó thường tăng giá cao trong các cuộc khủng hoảng.

Hiện tượng này gây ra những động thái kì lạ, đáng lo ngại khi các nhà đầu tư nhận thấy các mối quan hệ liên thị trường thông thường bị tan rã.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kì hạn 30 năm bất ngờ tăng, dù trước đó đã lao dốc với tốc độ kỉ lục. Giá vàng sụt giảm bất chấp thị trường chứng khoán Mỹ ngày 12/3 giảm mạnh nhất trong 33 năm.

Chi phí giao dịch trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt, số lượng lệnh mua và bán hiển thị trên bảng giá thưa thớt như hồi khủng hoảng tài chính 2008.

Trao đổi với Bloomberg, ông Mark Holman, CEO tại TwentyFour Asset Management cho biết: "Chỉ mới hôm 9/3, chúng tôi đang cố giảm bớt vị thế mua đối với trái phiếu Kho bạc kì hạn 30 năm, vì lợi suất của nó đã xuống thấp đến mức không mang lại lợi ích cho công ty. Chúng tôi đã liên lạc với một vài công ty chứng khoán lớn, nhưng không tìm được người mua nào."

"Khả năng chấp nhận rủi ro và ngân sách của nhà đầu tư trong tình cảnh hiện nay thấp hơn so với bình thường. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy chuyện đến cả trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng không thể giao dịch được. Và tôi khá chắc mình không phải người duy nhất rơi vào tình cảnh này".

Theo Bloomberg, các quĩ ETF đầu tư chứng khoán có thu nhập cố định bị chao đảo bởi giá trị các tài sản mà chúng đầu tư vào. 5 quĩ ETF chuyên đầu tư vào trái phiếu lớn nhất nước Mỹ được giao dịch với mức giá thấp hơn giá trị tài sản ròng của chúng.

Sự chênh lệch giá này cao đến mức kỉ lục kể từ khi các quĩ ETF này được thành lập, hoặc kể từ năm 2008.

Cuối hôm 11/3, giá trị thị trường của quĩ iShares 20+ Year Treasury Bond (trị giá 23 tỉ USD) thấp hơn 5% so với tổng giá trị tài sản của quĩ.

Trong khi đó, trong gần 18 năm quĩ iShare hoạt động, trung bình chênh lệch giá giao dịch thị trường và giá tổng tài sản của quĩ này là 0,03%.

Thậm chí sự bình yên của trái phiếu chính quyền địa phương cũng bị đảo lộn. Giá chứng chỉ các quĩ tương hỗ của Tập đoàn Vanguard đầu tư vào trái phiếu địa phương của New Jersey và California sụt giảm kỉ lục vào hôm 12/3, trong khi đó quĩ đầu tư vào trái phiếu của New York lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1987.

Giá đóng cửa hôm 12/3 của Quĩ ETF VanEck Vectors High Yield Municipal Index – đầu tư trái phiếu bệnh viện, nhà dưỡng lão, sân bay và ngân hàng – thấp hơn 19% so với tổng giá trị tài sản của quĩ.

Cơn ác mộng thanh khoản của phố Wall  - Ảnh 3.

Tháo gỡ mọi nguyên nhân của các căng thẳng trong các thị trường tài chính có thể là một thử thách rất khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.

Tuy nhiên, một trong số nguyên nhân khiến cho thanh khoản cạn kiệt là nhu cầu quá lớn của nhà đầu tư và doanh nghiệp dành cho đồng USD. Rất nhiều công ty phải dùng đến khoản vay khẩn cấp từ ngân hàng để có đủ tiền trang trải hoạt động thường ngày, trong bối cảnh nguồn doanh thu thông thường của họ có nguy cơ cạn kiệt.

Tình trạng trên đang trở nên trầm trọng hơn do nhà đầu tư hiện không có nhu cầu mua thêm trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành. Theo số liệu từ Refinitiv Lipper, dòng tiền ra của các quĩ chuyên nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư của Mỹ đang ở mức thấp kỉ lục. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đang rút khỏi các quĩ đầu tư vào trái phiếu rủi ro cao hoặc sử dụng đòn bẩy lớn.

Tổng cộng, giá trị các khoản tiền được rút ra trong tuần vừa qua lên đến 14,3 tỉ USD, cao hơn cả mức kỉ lục 12,2 tỉ USD trong tuần trước đó.

Ông Tad Rivelle, Giám đốc đầu tư tại Tập đoàn TCW nhận xét: "Thứ Năm (12/3) là mô hình hoàn hảo cho tình cảnh hiện thời của chúng ta. Về cơ bản, mọi thứ đều bị bán đi: cổ phiếu, chứng khoán nợ, bitcoin, vàng. Cứ như thể hết thảy mọi người đều bị gọi kí quĩ vậy. Giờ đây mọi người đều chỉ thích tiền mặt".

Nhu cầu điên cuồng dành cho đồng USD đã tạo ra căng thẳng lớn đối với thị trường ngoại hối và thị trường tài chính.

Biến động trong thị trường ngoại hối trong tuần vừa qua gần như đã chạm các ngưỡng kỉ lục từ năm 2008, và nhu cầu đặt cược vào sự tăng giá của đồng yen trong tuần tiếp theo trong thị trường hợp đồng quyền chọn lên cao đến mức chưa từng thấy.

Tỷ giá trong các giao dịch hoán đổi cơ sở tiền tệ (hai bên tham gia hợp đồng cho nhau vay các khoản tiền có giá trị bằng nhau, nhưng bằng hai loại tiền tệ khác nhau) báo hiệu nhu cầu áp đảo của nhà đầu tư đối với đồng USD.

Những căng thẳng tương tự cũng được quan sát thấy trong mức chênh lệch giữa tỉ lệ lãi suất cố định và tỉ lệ lãi suất thả nổi của hợp đồng hoán đổi.

Ông Shinji Kunibe, Tổng giám đốc bộ phận đầu tư tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management tại Tokyo cho biết: "Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng như hiện nay kể từ cuộc khủng hoảng của Lehman Brothers. Thậm chí tình hình trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cũng chưa xấu đến mức này".

"Chiến lược hiện tại là đổi mọi thứ có thể ra tiền mặt, đảm bảo thanh khoản".

Căng thẳng trên thị trường phần nào được xoa dịu trong hai ngày 12 và 13 tháng 3, sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo đang chuẩn bị để bơm hơn 5.000 tỉ USD tiền mặt vào các thị trường tài chính trong tháng tiếp theo để giảm bớt khủng hoảng tiền mặt. 

Đồng thời, Fed cũng đã mua vào trái phiếu Kho bạc nhiều kì hạn khác nhau.

Dù các động thái của Fed có thể không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho các thị trường, nhưng ít nhất, chúng có thể giảm bớt nhu cầu tích trữ đồng USD của giới doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư.

Theo Bloomberg, bà Elsa Lignos - Trưởng bộ phận kinh doanh ngoại hối tại Ngân hàng Hoàng gia Canada cho biết: "Chúng tôi không nghĩ rằng các biện pháp Fed thực hiện có thể xóa bỏ sự lo lắng của những người tham gia thị trường, và các biện pháp này cũng không thể ngăn chặn sự sụt giảm trong tiêu dùng và hoạt động kinh tế trong tương lai".

"Nhưng ý nghĩa của các biện pháp này là giúp cho các thị trường tài chính không cần phải dự trữ thanh khoản giống như cách người dân tích trữ giấy vệ sinh và thực phẩm. Có vẻ như Fed đã rút ra được bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008: bơm thêm thanh khoản cho thị trường".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/con-ac-mong-mang-ten-thanh-khoan-can-kiet-cua-pho-wall-20200316101336897.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/