Cổ phiếu ngân hàng đi lên cùng thị trường chung: Tín hiệu vui cho chứng khoán Mỹ

Giá cổ phiếu các công ty tài chính tăng mạnh trong phiên Dow Jones nhảy vọt 900 điểm ngày 18/5. Nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, đây có thể là dấu hiệu đáng mừng cho thị trường chứng khoán Mỹ.

a - Ảnh 1.

Một người đi bộ đeo khẩu trang đứng bên ngoài chi nhánh ngân hàng JPMorgan Chase & Co. tại New York, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Ngành tài chính có thể được coi là một hệ thống cảnh báo sớm cho nền kinh tế. Trong giai đoạn gần đây, giá cổ phiếu tài chính đã hồi phục chậm hơn thị trường chung và gần như tất cả mọi ngành khác. Kể từ mức đáy ngày 23/3, chỉ số S&P 500 đã tăng 33%, trong khi đó giá cổ phiếu ngành tài chính chỉ tăng 25%. 

Ông Sam Stovall, Giám đốc đầu tư của CFRA cho biết: "Tôi nghĩ giá cổ phiếu ngân hàng hồi phục là tin tích cực. Thông thường cổ phiếu ngành tài chính nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng là cảnh báo sớm cho mối nguy hiểm, vì nền kinh tế không thể tăng trưởng nếu ngân hàng không cho vay tiền". 

Giá chứng chỉ quĩ ETF theo dõi cổ phiếu tài chính Financial Select Sector SPDR tăng 5,1% hôm 18/5, trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng nhảy vọt khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố cơ quan này có thể hành động nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Giá cổ phiếu ngân hàng đi lên với thị trường chung khi đón nhận tin tích cực về thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19. Nhóm cổ phiếu ngành tài chính thuộc chỉ số S&P 500 hôm 18/5 bật tăng 5,3%; chỉ xếp sau hai nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghiệp.

Trong thời gian qua, nhà đầu tư đã tránh xa cổ phiếu ngân hàng do lo sợ suy thoái sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng lao dốc, và gây ra làn sóng vỡ nợ khiến ngân hàng chịu tổn thất.

Ông Mike Mayo, nhà phân tích của Wells Fargo cho biết nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng được đón nhận tin tốt khi Berkshire Hathaway tiết lộ rằng tập đoàn này vẫn tập trung đầu tư vào ngân hàng, dù đã bán phần lớn cổ phần của Goldman Sachs và giảm khoảng 3% sở hữu tại JPMorgan Chase.

"Về cơ bản, khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử của Warren Buffett vẫn là các ngân hàng. Đây quả là một tuyên bố đáng chú ý. Ông ấy sẽ không ngần ngại bỏ đi nếu thấy điều gì đó không diễn ra đúng với dự kiến. Nhà đầu tư giỏi nhất mọi thời đại có khoản đầu tư lớn nhất vào các ngân hàng. Có lẽ ông ấy biết điều gì đó mà thị trường đã bỏ lỡ", ông Mayo viết trong mail gửi đến CNBC.

Ông Mayo lưu ý rằng Warren Buffett vẫn nắm giữ cổ phần tại Bank of America, Bank of New York Mellon và M&T Bank. Berkshire cũng tăng sở hữu tại ngân hàng PNC và Bancorp.

Ông Mayo cũng nói rằng cổ phiếu ngân hàng có thể nhận được chất xúc tác nếu lợi suất trái phiếu Kho bạc kì hạn 10 năm tăng lên 1,25% như dự kiến của Wells Fargo. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kì hạn 10 năm nhích lên 0,72% cũng là một yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng đi lên hôm 18/5.

Lo ngại của nhà đầu tư về khả năng chi trả cổ tức đã có ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu ngân hàng. Tỉ lệ cổ tức của Citigroup, JPMorgan, PNC và Wells Fargo lần lượt là 4,5%; 4%; 4,4% và 8%.

Tuần trước, Phó Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Randal Quarles phát biểu trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện rằng bài kiểm tra sức chịu đựng Fed tiến hành trong mùa hè này sẽ xác định xem liệu các ngân hàng có thể tiếp tục trả cổ tức hay không.

Ông cũng thông báo rằng bài kiểm tra đã được thay đổi để tập trung vào tình hình đại dịch. Dự kiến kết quả sẽ có trong tháng 6.

Giám đốc đầu tư Stovall của CFRA nhận định nếu tăng trưởng kinh tế hồi phục cùng lúc với việc mở cửa giống như kì vọng của thị trường thì cổ phiếu ngân hàng sẽ được lợi: "Nếu làm tốt, ngân hàng có khả năng sinh lời và tăng trưởng cổ tức. Hiện tại tỉ lệ cổ tức có vẻ rất hấp dẫn".

Ông Julian Emanuel, Giám đốc đầu tư tại BTIG cho biết: "Có rất nhiều bằng chứng cho thấy khi nhóm cổ phiếu tài chính trở nên khả quan thì thị trường chứng khoán sẽ đi lên".

Ông nói thêm rằng việc Chủ tịch Fed Jerome Powell phản đối lãi suất âm là tin tích cực đối với ngân hàng, vì lãi suất âm sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng giảm.

PNC đã bán ra toàn bộ 22% cổ phần ngân hàng này nắm giữ của BlackRock và cho biết nhiều khả năng họ sẽ mua vào cổ phiếu của một ngân hàng. "Thông báo trên, cùng với tuyên bố của Chủ tịch Fed đã làm thay đổi tâm lí chung của thị trường".

"Trong một lĩnh vực có tỉ trọng vốn hóa thấp và bị bán khống… chúng tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư đã mắc phải sai lầm", ông Emanuel nói thêm.

Ông Emanuel tại BTIG nhận xét các nhà đầu tư đã quá lo lắng khi cho rằng việc các ngân hàng để dành tiền để dự phòng cho các khoản vay không thu hồi được trong quí I là tin tức tiêu cực.

"Chúng tôi nghĩ rằng thông điệp thực sự của việc ngân hàng dự phòng tổn thất tiềm năng là họ đang hành động thận trọng. Khác với năm 2008, ngân hàng đã không thể truyền tải thông điệp này tới thị trường vì họ quá bận rộn để dập tắt các đám cháy của chính mình", vị Giám đốc đầu tư này cho biết.

Giám đốc đầu tư Stovall của CFRA nói rằng gần đây các nhà đầu tư cũng đã mua vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cũng thuộc nhóm các cổ phiếu hồi phục chậm hơn thị trường.

"Có vẻ như nhà đầu tư muốn lấp đầy chỗ trống để lại bởi cổ phiếu tài chính, cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Họ nhảy vào các cổ phiếu này, nhưng vẫn rất lo lắng nên sẽ nhảy ra nếu có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy xu hướng có thể không được duy trì", ông Stovall cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-ngan-hang-di-len-cung-thi-truong-chung-tin-hieu-vui-cho-chung-khoan-my-20200519120700784.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/