Cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng tăng giá mạnh hơn hẳn những mã được mua ròng

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng trong năm 2021, những cổ phiếu bị xả mạnh nhất cũng là những mã có đà tăng giá rất ấn tượng.

Cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng tăng giá mạnh hơn hẳn những mã được mua ròng - Ảnh 1.

Cổ phiếu VPB của VPBank bị khối ngoại bán ròng gần 10.000 tỷ đồng trong năm 2021 nhưng giá vẫn tăng tới 98% nhờ lực đỡ của nhà đầu tư nội. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trong năm 2021 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam bán ra 474.179 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ các loại, đồng thời mua vào 411.821 tỷ.

Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 62.358 tỷ đồng, tương đương 2,7 tỷ USD, đây là mức cao chưa từng thấy trước đến nay.

Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán (SJCV) đánh giá việc khối ngoại bán ròng kỷ lục là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của thị trường chứng khoán Việt Nam 2021. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng cho rằng động thái bán ròng này chưa đủ để thành một câu chuyện lớn.

Cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng tăng giá mạnh hơn hẳn những mã được mua ròng - Ảnh 2.

Khối ngoại bán ròng trong 10/12 tháng của năm 2021.

Khối ngoại bán ròng cổ phiếu nhưng không rút hết tiền về nước mà một phần vẫn ở lại Việt Nam và tìm kiếm cơ hội.

Bất chấp lực xả từ nhà đầu tư ngoại, thị trường chứng khoán nước ta vẫn ghi nhận một năm tích cực khi VN-Index tăng trưởng gần 36% và đứng trong top 10 thị trường khởi sắc nhất thế giới. Chỉ số bluechip VN30-Index thêm 43%, UPCoM-Index đi lên 51% và HNX-Index nhảy vọt 133%.

Thị trường luôn có phe bán ròng và phe mua ròng, vì vậy không phải cứ nghe thấy ai đó bán ròng là nghĩ tình hình chung đang xấu đi. Khi khối ngoại bán bớt thì khối nội tích cực gom thêm, không những hấp thụ hết lượng bán ra mà còn đẩy thị trường chinh phục những kỷ lục mới.

Trong 11 tháng đầu năm nay có tới hơn 1,31 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới, cao gấp 3,3 lần tổng số cả năm 2020. Có đến 99,6% số tài khoản mở mới là của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng tăng giá mạnh hơn hẳn những mã được mua ròng - Ảnh 4.

Có thể kể ra nhiều nhân tố để giải thích cho hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như: Dịch bệnh bùng phát mạnh trong nửa sau năm 2021 khiến chuỗi cung ứng đứt đoạn và sản xuất đình trệ; dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất khiến dòng tiền chuyển sang các thị trường này; các quỹ ngoại tái phân bổ danh mục sang các quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn trong bối cảnh giá dầu mỏ, than đá tăng mạnh, …

Hãng tin Bloomberg dẫn lời một nhà phân tích Hàn Quốc cho biết một số nhà đầu tư đã rút tiền khỏi Việt Nam để rót vào các loại tài sản rủi ro có giá biến động mạnh như Bitcoin hay cổ phiếu công nghệ ở Mỹ.

Ông Stephen McKeever, Giám đốc Khối khách hàng tổ chức của công ty Chứng khoán HSC nhận định: "Nhiều khi khối ngoại bán ròng chỉ là vì muốn chốt lời. Thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và một số nhà đầu tư muốn rút tiền ra", trong đó nhà đầu tư nhỏ lẻ Hàn Quốc hướng sự chú ý tới các cổ phiếu Mỹ, chẳng hạn như Tesla, ông McKeever nói thêm.

So sánh số liệu về biến động giá các cổ phiếu trong top bán ròng và top mua ròng của khối ngoại cho thấy nhận định "khối ngoại bán ròng vì muốn chốt lời" là có cơ sở.

Theo bảng thống kê 20 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được mua ròng mạnh nhất dưới đây, tốc độ tăng giá bình quân năm 2021 là 78,2%.

Cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng tăng giá mạnh hơn hẳn những mã được mua ròng - Ảnh 5.

Trong khi đó, tốc độ tăng giá bình quân năm 2021 của top 20 mã bị bán ròng mạnh nhất là 97,5%, cao hơn 19,3 điểm % so với top 20 mua ròng.

Nếu loại bỏ số liệu đột biến của cổ phiếu CEO, tốc độ tăng giá bình quân cả năm của top 20 bán ròng là 78%, tương đương với top 20 mua ròng. Tuy nhiên, khi so sánh theo khung thời gian một tháng, ba tháng, hay 6 tháng, top bán ròng vẫn tăng giá mạnh hơn gấp nhiều lần so với top mua ròng.

Cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng tăng giá mạnh hơn hẳn những mã được mua ròng - Ảnh 6.

Tập đoàn C.E.O đã có 4 quý thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu CEO cũng chỉ lình xình đi ngang trong 10 tháng đầu năm 2021 nhưng rồi bất ngờ bứt tốc trong tháng 11 và 12 với nhiều phiên tím trần liên tục. Trong ba tháng qua, CEO đã vọt lên 588%

Giữa bối cảnh đó, cổ đông lớn là quỹ PYN Elite Fund đến từ Phần Lan đã liên tục chốt lời hơn 12,8 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 1/12 đến 23/12, giảm tỷ lệ sở hữu từ 14,6% còn 9,6%.

Cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất 2021 là VHM của Vinhomes (+4.664 tỷ đồng) chỉ tăng 19% trong một năm qua. Còn hai cổ phiếu mà khối ngoại xả mạnh nhất là HPG của Hòa Phát (-18.925 tỷ) và VPB của VPBank (-9.331 tỷ) lại tăng lần lượt 51% và 98%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/co-phieu-ma-khoi-ngoai-ban-rong-tang-gia-manh-hon-han-nhung-ma-duoc-mua-rong-20220103075926337.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/