CNBC: Thất bại trên chiến trường của Nga tạo cơ hội cho thế giới đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt chiến sự ở Ukraine

Sau một loạt thất bại của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine, Moscow được dự đoán là có thể sử dụng đến vũ khí hạt nhân. CNBC cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới nên nhân cơ hội này để tăng cường nỗ lực giúp Kiev chấm dứt chiến sự.

Thách thức cũng là cơ hội

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 7. Ở cuộc chiến này, thế giới đang đứng trước nguy hiểm cùng cực, và đồng thời cũng đang có một cơ hội to lớn.

Đó là thời khắc nguy hiểm bởi ông Putin đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến. Lòng dũng cảm và sự kiên cường của người dân Ukraine đã khiến ông chủ Điện Kremlin phải bẽ bàng, CNBC nhận xét.

Do đó, có nguy cơ là Nga sẽ chuyển sang sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật để khống chế Ukraine và gây bối rối cho các nước đồng minh của quốc gia này ngay tại thời điểm sức ảnh hưởng của ông Putin bị xói mòn và Moscow sắp hết các lựa chọn.

Mặt khác, đây cũng là cơ hội lớn lao cho các nhà lãnh đạo thế giới tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần này - kỳ họp đầu tiên kể từ khi ông Putin phát động cuộc chiến của mình.

Đây là cơ hội để Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với các đồng minh châu Âu và châu Á, thảo luận cởi mở về những nguy cơ mà cuộc chiến gây ra cho bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến chủ quyền quốc gia.

Đồng thời, đây còn là cơ hội để phương Tây lên án những hành động của Nga tại Ukraine, và lay chuyển các nước vẫn còn giữ thái độ trung lập không lên án cũng như không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

CNBC nói thật nản lòng khi Liên Hợp Quốc, thay vì tập trung tìm cách tốt nhất để ngăn chặn cuộc chiến, lại vật lộn với các vấn đề kỹ thuật như liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có nên được phát biểu qua video tại cuộc họp quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo thế giới hay không.

Tin tốt là phần đông thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thuận để tạo điều kiện cho Ukraine lên tiếng. Nga - một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã làm mọi cách để ngăn chặn bài phát biểu của ông Zelensky.

Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, vì khi Tổng thống Zelensky được dịp phát biểu trước Hội đồng Bảo an vào tháng 4, ông đã thúc giục các nước thành viên nên hành động ngay lập tức vì hoà bình [thế giới] hoặc hãy tự “giải thể”.

Ông cảnh báo rằng nếu Liên Hợp Quốc không thể ngăn cản được cuộc chiến của Tổng thống Putin tại Ukraine, thì đối với các quốc gia khác trong tương lai, luật pháp quốc tế sẽ không bảo vệ được họ.

Nga có thể dùng vũ khí hạt nhân

Khi thất bại quân sự của Nga tăng lên, công chúng đã đồn đoán rằng ông Putin có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân với Ukraine, hoặc ra lệnh leo thang cuộc chiến bằng vũ khí sinh học hoặc hoá học.

Các thước phim của Ukraine về những người lính Nga trong tuần qua cho thấy một số đã bỏ lại súng trường và chạy khỏi chiến trường trên xe đạp hoặc bỏ quân phục để cải trang thành dân thường. Tất cả là bằng chứng cho thấy Nga đang thất thế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP).

Sự suy yếu của quân đội Nga dường như đang khiến một số đồng minh của Moscow cùng các nước lớn như Ấn Độ thay đổi quan điểm. Tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc tổ chức giữa tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bày tỏ lo ngại về chiến sự.

Ông Modi công khai nói với Tổng thống Putin rằng “thời đại này không phải là thời đại của chiến tranh, và tôi đã trao đổi qua điện thoại cùng ông về vấn đề này trước đây”, theo CNBC.

Cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không giúp ông Putin an lòng. Ông có lẽ đã bắt đầu thấy giới hạn của mối quan hệ mà hai người tuyên bố là “không có giới hạn” trước thềm Olympic Bắc Kinh đầu năm nay.

“Chúng tôi hiểu những thắc mắc và quan ngại của Trung Quốc” về cuộc chiến, ông Putin nói với Chủ tịch Tập tại hội nghị.

Nên hành động ngay bây giờ

Sức ảnh hưởng cá nhân có thể là mối quan tâm hàng đầu lúc này của ông Putin. Có khả năng là ông sẽ sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt và đặc biệt là vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Mặc dù rủi ro khi vận đến biện pháp đó đối với ông Putin là rất lớn, thế giới phải sẵn sàng cho trường hợp bất ngờ này. Cách tốt nhất là phải phủ đầu và chủ động hơn nữa để ngăn chặn Nga, CNBC nhận định..

Trao đổi với BBC tuần trước, bà Rose Gottemoeller - cựu Phó Tổng thư ký NATO, bày tỏ: “Tôi sợ rằng nước Nga sẽ tấn công trở lại theo những cách thực sự khó đoán và thậm chí có thể liên quan đến vũ khí huỷ diệt hàng loạt”.

Điều khiến bà lo ngại là một thứ đang ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược của Điện Kremlin: vũ khí hạt nhân chiến thuật nặng vài kiloton hoặc ít hơn - với công suất khoảng 1/50 quả bom ném xuống Hiroshima (Nhật Bản).

Các vũ khí này không được thiết kế để tiếp cận Washington hay Berlin, mà là để khiến “người dân Ukraine sợ hãi và buộc phải đầu hàng”, bà Gottemoeller cho hay.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu tại cuộc họp tuần này, người ta hy vọng họ sẽ sử dụng cơ hội có được để lắng nghe Tổng thống Zelensky một cách trọn vẹn. Khả năng tồn tại của Ukraine với tư cách một quốc gia độc lập, có chủ quyền và dân chủ có ý nghĩa sâu rộng đối với cộng đồng quốc tế.

Nguy hiểm đang rình rập thế giới. Tuy nhiên, thất bại trên chiến trường của ông Putin và vị thế quốc tế ngày càng bị xói mòn của Nga có thể tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo làm điều đúng đắn: đẩy nhanh mọi nỗ lực nhằm đảm bảo sự thất bại của ông Putin và bảo vệ Ukraine, CNBC nhấn mạnh.

Nếu không phải bây giờ, thì khi nào?

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cnbc-that-bai-tren-chien-truong-cua-nga-tao-co-hoi-cho-the-gioi-day-manh-no-luc-cham-dut-chien-su-o-ukraine-202291982054851.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/