Chuyện nguồn gốc virus corona: Chuyên gia còn dè dặt, chính trị gia tỏ vẻ biết tuốt

Trong khi các nhà khoa học hàng đầu thế giới chưa biết chắc chắn nguồn gốc của virus corona chủng mới gây ra đại dịch COVID-19, một số quan chức Trung Quốc và chính trị gia Mỹ dường như lại thông thái hơn.

Bệnh nhân số 0 còn là một ẩn số

Trong nhiều tháng qua, các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đã cố gắng tìm ra nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa thể truy ra được "bệnh nhân số 0" hoặc quả quyết xác nhận liệu chợ hải sản Hoa Nam tại tâm dịch Vũ Hán - địa điểm có liên quan đến 27 trong tổng số 41 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, có phải là nguồn gốc của virus corona hay không.

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) tỉnh Hồ Bắc đã tiến hành phân tích trình tự bộ gen của virus corona. Tuần trước, cơ quan này đã công bố báo cáo của nghiên cứu.

Theo đó, CDC tỉnh Hồ Bắc cho hay chợ hải sản Hoa Nam có thể đã góp phần giúp virus corona lây lan, nhưng các nhà nghiên cứu không thể xác định liệu virus này có nguồn gốc từ đó hay vật chủ trung gian nào có thể đã truyền virus sang người.

Mỹ - Trung gắp lửa bỏ vào tay nhau

Tuy nhiên, trong khi nguồn gốc của virus corona còn là một câu hỏi mở đối với giới khoa học, điều đó cũng không thể ngăn các chính trị gia đưa ra những giả thuyết chưa được chứng thực.

'Điếc không sợ súng', các chính trị gia Mỹ - Trung đưa ra nhiều thuyết âm mưu về nguồn gốc virus corona, gây tổn hại quan hệ song phương - Ảnh 1.

Phát ngôn viên Triệu Lập Liên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên là quan chức mới nhất đưa ra một thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus corona thông qua một loạt tweet vào cuối ngày 12 - đầu ngày 13/3.

Trong nội dung đăng tải trên Twitter, ông Triệu Lập Kiên cho rằng chính quân đội Mỹ đã phát tán virus corona.

Phát ngôn viên Triệu đã giới thiệu trang web có tên miền Canada đưa ra thuyết âm mưu trên và viết: "Bệnh nhân số 0 nhiễm virus corona ở Mỹ từ khi nào? Đã có bao nhiêu người dương tính? Tên của các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân? Có lẽ chính quân đội Mỹ đã mang dịch virus corona đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Công khai dữ liệu đi! Mỹ nợ Trung Quốc một lời giải thích!"

Tuyên bố của trang web trên có liên quan đến việc quân đội Mỹ tham gia Thế vận hội Quân sự Quốc tế tổ chức tại Vũ Hán hồi tháng 10 năm ngoái. Sự kiện này thu hút quân đội từ hơn 100 quốc gia đến tham dự.

Theo South China Morning Post (SCMP), loạt tweet của ông Triệu Lập Kiên đã nhanh chóng thu hút hàng nghìn bình luận từ người dùng internet Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng - một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lại tỏ ra khá lập lờ khi được hỏi trong buổi họp báo hôm 13/3 rằng liệu tuyên bố của ông Triệu có phản ánh lập trường chính thức của Bắc Kinh về sự việc hay không.

"Bạn thắc mắc liệu ý kiến của ông Triệu Lập Kiên có đại diện cho quan điểm của chính phủ Trung Quốc hay không", ông Cảnh Sảng hỏi.

"Tôi nghĩ trước tiên bạn nên hỏi liệu bình luận của một số quan chức cấp cao Mỹ từng vu khống Trung Quốc có đại diện cho lập trường chính thức của chính quyền Tổng thống Trump hay không", ông nhấn mạnh.

"Có nhiều ý kiến về nguồn gốc của virus corona trong cộng đồng quốc tế, bao gồm cả nước Mỹ, nhưng phía Trung Quốc tin đây là một câu hỏi thuộc phạm trù khoa học, đòi hỏi phải có ý kiến chuyên gia và căn cứ khoa học", SCMP dẫn lời phát ngôn viên Cảnh Sảng nói.

Trước đây, Bắc Kinh từng phàn nàn về sự lan truyền của "các tin đồn và định kiến thiếu chính xác", trong đó cho rằng SARS-CoV-2 là một "chủng virus được tạo ra vì mục đích chính trị".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tập trung bày tỏ thái độ không bằng lòng đối với một số chính khách Mỹ, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton. Ông Cotton từng lặp lại một giả thuyết cho rằng virus corona xuất hiện từ một phòng thí nghiệm sinh hóa tại Vũ Hán.

Các tin đồn về việc virus corona có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm như một vũ khí sinh học đã bị các nhà khoa học bác bỏ. Cụ thể, giới khoa học cho hay cấu trúc di truyền của virus corona không củng cố cho tin đồn như vậy.

Bắc Kinh cũng kiên quyết phản bác cách gọi tên virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán" mà một số nhân vật như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hay gần đây nhất là Tổng thống Donald Trump từng sử dụng.

Đồng thời, Bắc Kinh còn cố gắng chuyển sự chú ý khỏi làn sóng chỉ trích về cách xử lí dịch bệnh lúc ban đầu để thúc đẩy vai trò của Trung Quốc trong việc hỗ trợ vật tư y tế và chuyên môn y khoa cho các nước khác.

Mối quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng lại càng thêm tổn hại

Các nhà phân tích nhận định loạt tweet của ông Triệu Lập Kiên - một người nổi tiếng với những phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội, đã gây thêm căng thẳng cho mối quan hệ Mỹ - Trung chứ không hề xác thực thuyết âm mưu của trang web Canada một cách nghiêm túc.

Trên nền tảng Weibo, cuộc thảo luận xoay quanh loạt tweet của ông Triệu đã thu hút hơn 170 triệu lượt xem, trong đó nhiều người dùng ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Mỹ.

Ông Richard McGregor - thành viên cấp cao tại Viện Lowy (có trụ sở ở Australia), nhận định bình luận của ông Triệu Lập Kiên cho thấy nhà nước Trung Quốc đang suy tính rằng đổ lỗi cho nước khác sẽ giúp xoa dịu sự giận dữ dồn nén của công chúng về cách thức kiểm soát khủng hoảng của Bắc Kinh.

Tin tức xoay quanh việc cảnh sát cố tình ngăn cản nhiều bác sĩ đưa ra lời cảnh báo sớm về virus corona, trong đó có cố bác sĩ Lý Văn Lượng, đã khiến làn sóng chỉ trích lan rộng.

Ông McGregor còn cho hay loạt tweet của phát ngôn viên Triệu Lập Kiên cho thấy "mối quan hệ song phương Mỹ - Trung đã rơi xuống vực thẳm sâu đến đâu".

"Có thể có một số quan chức trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc không thoải mái với loạt tweet của ông Triệu nhưng họ nhất quán với đường lối mà các nhà ngoại giao Trung Quốc đang áp dụng trên khắp thế giới về dịch virus corona cũng như về nhiều vấn đề khác", ông McGregor cho hay.

Vị chuyên gia này nói thêm: "Ông Triệu Lập Kiên ngày càng đại diện cho chính sách ngoại giao chính thống của Trung Quốc".

Ông Shi Yinhong - giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (Bắc Kinh), cho hay loạt tweet của ông Triệu "mang tính cá nhân" và không có nhiều trọng lượng so với bình luận trong các buổi họp báo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

"Một vấn đề quan trọng như nguồn gốc của virus corona nên được quyết định bởi các nhà khoa học trên thế giới", giáo sư Shi cho hay.

"Hiện tại giới khoa học chưa biết nhiều về virus corona và lại có quá nhiều ý kiến về nguồn gốc của chủng virus.

Những khẳng định như thế này sẽ chỉ làm gia tăng thêm thái độ bài xích Trung Quốc ở Mỹ, nhưng tôi nghĩ ưu tiên của hai nước hiện nay nên là kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế mỗi bên", ông Shi Yinhong nhấn mạnh.

Một học giả Trung Quốc khác tại thủ đô Bắc Kinh đã chỉ trích bình luận của phát ngôn viên Triệu Lập Kiên trên tài khoản WeChat, cho rằng các bài đăng của ông Triệu sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ Mỹ - Trung hơn.

"Là phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc, ông Triệu nên nói năng và hành động thận trọng", vị học giả nêu rõ. "Trích dẫn một số tin đồn phổ biến và xem như 'bằng chứng' mà không có lí do nào, rồi công khai đăng những tuyên bố không thuyết phục này lên mạng xã hội rất có thể sẽ khuấy động hoặc làm sâu sắc thêm xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuyen-nguon-goc-virus-corona-chuyen-gia-con-de-dat-chinh-tri-gia-to-ve-biet-tuot-20200317163449647.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/