Chuỗi cung ứng khó khăn khiến một số công ty dệt may, da giày rời bỏ Việt Nam và Trung Quốc sang châu Âu

Theo Reuters, một số công ty dệt may và da giày quốc tế đang dần dịch chuyền khỏi châu Á. Song, số khác vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp may mặc thoái lui

Reuters đưa tin, các công ty dệt may và da giày lớn đang dần chuyển dây chuyền đến những nước gần thị trường Mỹ và châu Âu hơn. Động thái này diễn ra sau khi biến chủng Delta ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc vài tháng qua.

Ngoài ra, thông tin của Reuters còn xuất hiện trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn, chi phí vận tải tăng cao buộc doanh nghiệp phải cân nhắc lại về các trung tâm sản xuất chi phí thấp ở châu Á.

Gần đây, Mango - hãng bán lẻ thời trang Tây Ban Nha, cho biết họ đang tăng cường sản lượng tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco và Bồ Đào Nha. Năm 2019, Mango chủ yếu nhập nguồn hàng từ Trung Quốc và Việt Nam. Chia sẻ với Reuters, hãng này khẳng định họ sẽ mở rộng đáng kể số lượng cơ sở sản xuất tại châu Âu vào năm 2022.

Công ty bán lẻ giày dép Steve Madden của Mỹ vừa thông báo rút lui khỏi Việt Nam và chuyển 50% sản lượng giày từ Trung Quốc sang Brazil và Mexico. Còn nhà sản xuất dép cao su Crocs tháng trước cho biết sẽ chuyển dây chuyền sang Indonesia và Bosnia.

Reuters: Một số nhà bán lẻ mất dần 'tình yêu' với châu Á, lần lượt rời Việt Nam và Trung Quốc sang châu Âu - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc TAL Việt Nam tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Reuters).

Bulgaria, Ukraine, Romania, Cộng hòa Séc, Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ là một số nước đang thu hút sự quan tâm mới từ các nhà sản xuất quần áo và giày dép, dù Trung Quốc vẫn cung ứng một phần lớn hàng may mặc cho Mỹ và châu Âu.

Ông Barry Conlon, CEO của công ty quản trị rủi ro chuỗi cung ứng Overhaul, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực vận tải hàng hóa ở các nước thuộc Liên Xô cũ đang lớn dần…".

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ lượng đơn đặt hàng tăng đột biến từ Liên minh châu (EU), xuất khẩu hàng may mặc năm nay dự kiến đạt khoảng 20 tỷ USD, mức cao nhất lịch sử. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu được tổng cộng 17 tỷ USD hàng dệt may.

Ở Bosnia & Herzegovina - một đất nước trên bán đảo Balkan, xuất khẩu hàng may mặc và da giày trong nửa đầu năm 2021 đạt hơn 436 triệu USD, cao hơn cả năm 2020.

Giáo sư Muris Pozderac, Thư ký Hiệp hội Dệt may và Da giày tại Bosnia & Herzegovina, cho hay: "Nhiều công ty từ EU, vốn là đối tác quan trọng của chúng tôi, đang tìm kiếm nhà cung ứng cũng như xây dựng chuỗi cung ứng mới tại thị trường Balkan".

Vẫn còn phụ thuộc vào Việt Nam

Reuters cho biết, rất nhiều công ty dệt may vẫn đang phụ thuộc vào Việt Nam, dù tình hình dịch bệnh thời gian gần đây đã gây ra những gián đoạn đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.

Hồi tháng 10, Chính phủ Việt Nam dự đoán trong kịch bản xấu nhất, nước ta có thể hụt mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD hàng dệt may trong năm nay do các biện pháp giãn cách xã hội và thiếu hụt công nhân. Một chỉ số đại diện cho số lượng đơn hàng của các nhà bán lẻ nước ngoài đã giảm khoảng 40% trong quý III năm nay so với quý trước đó.

VF Corp và Columbia Sportswear là hai trong các hãng thời trang đã cảnh báo về khả năng bộ sưu tập xuân và mùa thu bị chậm lên kệ, hoặc trong một số trường hợp là không đủ chủng loại kích cỡ.

Còn Capri Holdings - hãng sản xuất túi xách Michael Kors, cho biết họ không có đủ tồn kho cho mùa mua sắm cuối năm. Trong khi đó, nhà sản xuất đồ thể thao Under Armour đã hủy đơn hàng từ Việt Nam để giúp "các nhà máy tại đây phục hồi và bắt kịp đơn hàng".

Giữa bức tranh tối màu, một số đốm sáng đã dần xuất hiện. Chia sẻ Báo Tin tức, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay: "Với chính sách mới về chống dịch của Chính phủ và tinh thần làm việc của người lao động như hiện nay, chúng tôi tin rằng quý IV, May 10 không chỉ hoàn thành mục tiêu mà có thể bù đắp sự giảm sút trong quý III…",

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP HCM (AGTEK) cũng cho biết, dự báo trong quý IV năm nay, tình hình sản xuất sẽ tốt lên bởi lượng đơn hàng còn tồn đọng khá nhiều, cùng đó các đơn hàng mới được bổ sung.

Đồng thời, người lao động cũng đang rất háo hức trở lại làm việc, có những doanh nghiệp năng suất cao hơn bình thường, bởi sau khoảng thời gian dài đình trệ, công nhân rất cần việc làm và thu nhập. Ông Hồng nói có nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chuoi-cung-ung-kho-khan-khien-mot-so-cong-ty-det-may-da-giay-roi-bo-viet-nam-va-trung-quoc-sang-chau-au-20211110162356483.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/