Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống sau phiên bán tháo

Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 4/9 suy giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Số liệu việc làm khả quan hơn dự kiến, các cổ phiếu hưởng lợi từ việc mở cửa nền kinh tế diễn biến tích cực nhưng không đủ để bù lại đà giảm của nhóm công nghệ vốn hóa lớn.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống sau phiên bán tháo - Ảnh 1.

Nhà giao dịch William Lawrence (đứng giữa) và Ashley Lara (bên phải) tại Sàn Chứng khoán New York. (Ảnh: AP)

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 159 điểm, tương đương 0,6% và đóng cửa ở 28.133 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này sụt tới 628 điểm, (tức là khoảng 2,2%) và cũng có lúc vươn lên sắc xanh.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% và kết phiên ở 3.427 điểm. Giống như Dow Jones, S&P 500 cũng có lúc giảm sâu tới 3,1% và có lúc tăng trên tham chiếu. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,3% còn 11.313 điểm nhưng cũng cao hơn đáng kể mức thấp nhất trong ngày 4/9.

Trước đó vào phiên 3/9, thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo mạnh với Dow Jones mất 808 điểm, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 3,5% và 5%.

Các cổ phiếu hưởng lợi từ việc nối lại hoạt động kinh tế như hãng chế tạo tàu bay Boeing tăng 1% trong khi nhóm ngân hàng cũng đồng loạt đi lên phiên 4/9. JPMorgan Chase và Citigroup cùng tăng trên 2%. Bank of America và Wells Fargo thêm lần lượt 3,4% và 1,1%. Cổ phiếu hãng du thuyền Carnival tăng 5,4%, hãng hàng không United Airlines thêm 2,2%.

CNBC dẫn lời ông Peter Cardillo – Kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Spartan Capital Securities nhận xét: "Cuối cùng thị trường cũng có sự luân chuyển cho phép một nhóm mới đứng lên dẫn dắt, đây là điều mà chúng ta thiếu trong một thời gian dài vừa qua".

Từ đáy ngày 23/3 đến đầu tháng 9, thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ chủ yếu nhờ vào nhóm công nghệ vốn hóa lớn trong khi đa phần các cổ phiếu diễn biến kém khả quan hơn. Doanh nghiệp công nghệ được hưởng lợi từ việc nhu cầu với sản phẩm công nghệ tăng lên khi người dân bị phong tỏa để ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Giờ đây khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại, có vẻ cổ phiếu công nghệ phải nhường vai trò dẫn dắt thị trường cho các nhóm ngành khác như hàng không, ngân hàng, công nghiệp sản xuất, …

Trong phiên 4/9, cổ phiếu các đại gia công nghệ như Facebook, Amazon và Alphabet đều sụt trên 2%, Netflix mất 1,8% trong khi Microsoft giảm 1,4%. Apple tăng nhẹ 0,1% sau khi đã lao dốc 8,3% trong phiên trước đó. 

Hãng xe điện Tesla có lúc giảm hơn 8% nhưng lội ngược dòng và kết phiên tăng 2,8%. Sau khi thị trường đóng cửa, Ủy ban chỉ số S&P 500 thông báo thêm ba cổ phiếu vào chỉ số đại diện thị trường này nhưng trong đó không có Tesla.

Trong 4 quí gần đây nhất, Tesla đều có lợi nhuận dương và rất được nhà đầu tư kì vọng sẽ gia nhập S&P 500. Nếu được vào chỉ số này, cổ phiếu Tesla sẽ được nhiều quĩ đầu tư thụ động khổng lồ mua vào. Giá cổ phiếu Tesla thời gian qua tăng nóng một phần là vì kì vọng gia nhập chỉ số này.

Sau khi nhận tin đáng thất vọng, cổ phiếu Tesla giảm hơn 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ.

Tính chung nhóm công nghệ của chỉ số S&P 500 giảm hơn 1% trong phiên 4/9. Trước đó vào phiên 3/9, nhóm này đã ghi nhận phiên lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Cả tuần qua, nhóm công nghệ giảm hơn 4%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite mất lần lượt 1,8% và 3,7%; Dow Jones sụt 2,3%.

Ngày 4/9, Bộ Lao động Mỹ thông báo tỉ lệ thất nghiệp của Mỹ khả quan hơn ước tính, giảm từ 10,2% trong tháng 7 xuống còn 8,4% trong tháng 8. 

Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát dự báo tỉ lệ thất nghiệp giảm còn 9,8% và nền kinh tế tạo ra 1,32 triệu việc làm. Theo số liệu mới công bố, nền kinh tế Mỹ tạo ra 1,37 triệu việc làm trong tháng 8.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống sau phiên bán tháo - Ảnh 3.

Thống kê tỉ lệ thất nghiệp tính đến ngày 15 hàng tháng.

CNBC dẫn lời ông Jamie Cox – Giám đốc điều hành tại Harris Financial Group nhận xét: "Số liệu việc làm hết sức tích cực. Tuy nhiên bây giờ là lúc công việc thực sự thách thức bắt đầu". 

Ông nói thêm: "Để giảm tỉ lệ thất nghiệp thêm 2 – 3 điểm % nữa sẽ rất khó khăn vì chưa có hi vọng gì về khả năng nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn. Quĩ Bảo vệ Tiền lương (PPP) đã cạn kiệt và quốc hội vẫn bế tắc, không thông qua được gói cứu trợ tiếp theo cho doanh nghiệp đang điêu đứng vì đại dịch. Vì vậy, một làn sóng phá sản doanh nghiệp nhỏ có thể đang đến gần".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chung-khoan-my-tiep-tuc-di-xuong-sau-phien-ban-thao-202009050555446.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/