Chứng khoán Mỹ rất hiếm khi giảm hai năm liên tiếp, nhà đầu tư thêm hy vọng vào 2023

Sau một năm 2022 với nhiều đau đớn, nhà đầu tư có lý do để kỳ vọng vào một năm 2023 tươi sáng hơn: Thị trường chứng khoán Mỹ ít khi giảm hai năm liên tiếp, và thường tăng mạnh sau một năm đi xuống.

Trong hai năm đầu đại dịch 2020 và 2021, thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đi lên mạnh mẽ bất chấp COVID-19 hoành hành và nền kinh tế bị phong tỏa. Nhà đầu tư có cảm tưởng rằng thị trường chứng khoán chỉ có thể tăng. Năm 2022 là lời nhắc nhở rằng giá cổ phiếu có lên thì cũng có xuống.

Cụ thể trong năm 2022, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 8,8% và sụt 10,3% kể từ đỉnh lịch sử. Chỉ số đại diện thị trường S&P 500 rớt 19,4% so với đầu năm 2022 và giảm hơn 20% so với kỷ lục. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite thiệt hại nặng nề nhất khi lao dốc hơn 33%.

Dữ liệu lịch sử cho thấy 2022 là năm tệ hại nhất với S&P 500 kể từ 2008 và là năm giảm mạnh thứ 4 kể từ sau Thế chiến II. Khoảng 8.000 tỷ USD vốn hóa đã bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong năm qua.

Năm 2023 sẽ mang đến điều gì cho nhà đầu tư?

Nhiều nhà đầu tư đang lo ngại bi kịch của năm 2022 sẽ lặp lại khi hàng loạt chuyên gia kinh tế dự đoán kinh tế toàn cầu suy thoái, xung đột Ukraine – Nga khó lường, lãi suất tiếp tục tăng và lạm phát cao dai dẳng.

Mặc dù vậy, việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm hai năm liên tiếp là điều rất hiếm khi xảy ra, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Trong 94 năm từ 1928 đến hết 2022, S&P 500 ghi nhận 63 năm tăng điểm và chỉ có 4 lần suy giảm liên tiếp hai năm hoặc dài hơn.

 

Lần đầu tiên chứng khoán Mỹ giảm trong nhiều năm liền là giai đoạn đại khủng hoảng 1929 – 1932. Lần thứ hai là các năm 1939 – 1941 khi Thế chiến II mới nổ ra ở châu Âu và lan đến đất Mỹ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng.

Lần thứ ba là vào năm 1973 – 1974 khi kinh tế Mỹ điêu đứng vì lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC và Tổng thống Richard Nixon phải từ chức vì bê bối Watergate.

Lần gần đây nhất S&P 500 giảm liên tiếp trong nhiều năm là giai đoạn 2000 – 2002 khi bong bóng công nghệ xì hơi và vụ tấn công khủng bố 11/9 khiến kinh tế Mỹ suy thoái.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, chứng khoán Mỹ giảm rất sâu nhưng rồi hồi phục mạnh ngay trong năm sau (2009). Khi COVID-19 đổ bộ đầu năm 2020, S&P 500 cũng rớt thảm nhưng sau đó nhanh chóng lấy lại đỉnh trước dịch và khép lại năm với mức tăng ấn tượng 16%. Sang năm 2021, S&P 500 tiếp tục đi lên gần 27%.

Từ cuối Thế chiến II đến nay, sau một năm giảm trên 1%, trung bình S&P 500 tăng 15% trong năm tiếp theo.

 

Trao đổi với CNBC, bà Sylvia Jablonski, CEO của Defiance ETFs, cho rằng nhiều khả năng chứng khoán Mỹ sẽ tăng trong năm 2023 nhưng không phải ngay từ đầu năm. “Tôi không nghĩ thị trường sẽ tăng ngay trong tháng 1 hoặc tháng 2 giống như giai đoạn hậu COVID hay sau khủng hoảng 2008 khi Fed tham gia hỗ trợ thị trường”.

Tình hình thị trường hiện nay đang khiến không ít nhà đầu tư lo lắng rằng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục đi xuống giống như thập niên 1970 hay đầu thập niên 2000. Một nhân tố đáng ngại là áp lực lạm phát do in tiền thời COVID cần phải mất nhiều năm mới có thể hạ nhiệt và Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ.

Ngoài ra, kể từ thập niên 1940 đến nay, phải đợi đến sau khi nền kinh tế chính thức bị coi là suy thoái thì thị trường chứng khoán Mỹ mới tạo đáy và đi lên.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ suy giảm trong hai quý đầu 2022 nhưng Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) không tuyên bố suy thoái đã bắt đầu. Vì vậy, có khả năng Mỹ sẽ chính thức suy thoái vào năm 2023 và khi đó chỉ số chứng khoán mới tạo đáy.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn có nhiều lý do để lạc quan. Nền kinh tế Mỹ hiện nay vẫn khá vững mạnh với tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp kỷ lục, tỷ lệ lạm phát đang đi xuống nhanh, thậm chí đã xuất hiện dấu hiệu giảm phát.

Bà Sylvia Jablonski, CEO của Defiance ETFs, cho rằng thị trường sẽ phục hồi trong năm 2023 nếu lợi nhuận doanh nghiệp được giữ vững và Fed tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất. “Với mức định giá như hiện nay, sẽ đến lúc nhà đầu tư không thể đứng ngoài quan sát được nữa mà sẽ xuống tiền để mua”, bà Jablonski nói.

Động thái của Warren Buffett

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có vẻ không mấy lo lắng về một cuộc suy thoái kinh tế trong năm 2023. Thậm chí, tập đoàn Berkshire Hathaway của ông còn chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trong tương lai.

Quý III/2022 (giai đoạn gần đây nhất có số liệu thống kê), Berkshire đã mua vào cổ phiếu của 8 doanh nghiệp là tập đoàn sản xuất chip TSMC ở Đài Loan, các doanh nghiệp dầu khí Occidental Petroleum và Chevron, tập đoàn truyền thông giải trí Paramount Global, công ty vật liệu xây dựng Lousiana-Pacific, doanh nghiệp hóa chất Celanese, ngân hàng đầu tư Jefferies và công ty bán lẻ nội thất RH.

Tất cả 8 doanh nghiệp nói trên đều hoạt động trong các ngành có tính chu kỳ, tức là kết quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế vĩ mô. Một số ngành có tính chu kỳ đặc biệt cao như dầu khí, vật liệu xây dựng, bán lẻ.

 

Berkshire Hathaway mua vào không phải vì Warren Buffett tin rằng những doanh nghiệp trên sẽ hoạt động tốt trong môi trường suy thoái mà vì cảm thấy định giá hiện nay hấp dẫn so với nội tại doanh nghiệp.

Quyết định đầu tư kể trên mang đậm phong cách “Tham lam khi người khác sợ hãi” của Warren Buffett. Khi nhiều nhà đầu tư đang lo sợ suy thoái và tìm chỗ trú ẩn trong những nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ như y tế và tiện ích công cộng thì tập đoàn Berkshire Hathaway của ông lại dồn tiền vào những cổ phiếu mang tính chu kỳ, hưởng lợi khi kinh tế tăng trưởng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chung-khoan-my-rat-hiem-khi-giam-hai-nam-lien-tiep-nha-dau-tu-them-hy-vong-vao-2023-202314181217665.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/