Chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ trong phiên cuối tuần, cuối tháng, cuối quý

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa khép lại quý I/2023 đầy biến động nhưng cũng rất tích cực, bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất thêm hai lần liên tiếp và tâm lý lo sợ sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank.

Trong tuần 27 – 31/3, Dow Jones tăng 3,21%, S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên lần lượt 3,48% và 3,37%.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,44% trong phiên cuối cùng của tháng 3, dừng ở 4.109 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,74% lên 12.222 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 415 điểm, tương đương 1,26%, và đóng cửa ở 33.274 điểm.

Theo CNBC, thị trường khởi sắc trong phiên 31/3 sau khi thước đo lạm phát ưa thích của Fed được công bố tăng ít hơn dự báo. Cụ thể, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (core PCE), không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, tăng 0,3% trong tháng 2, thấp hơn mức 0,4% mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo và ít hơn mức 0,5% của tháng 1.

So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tháng 2 tăng 4,6%, giảm nhẹ so với mức 4,7% của tháng trước.

Tính cả giá năng lượng và thực phẩm, PCE toàn phần tháng 2/2023 tăng 0,3% so với tháng liền trước và 5% so với cùng kỳ 2022, đều thấp hơn các mức 0,6% và 5,3% trong tháng 1.

Lạm phát tại Mỹ hiện nay thấp hơn đáng kể so với đỉnh trong năm 2022.

Trong tháng 3, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 3,51% và 6,69%. Dow Jones đi lên 1,89%. Tính chung cả quý I, S&P 500 và Nasdaq vọt lên tương ứng 7,03% và 16,77%. Đây là quý tích cực nhất của chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite kể từ năm 2020. Dow Jones nhích lên 0,38% trong quý vừa qua.

Nasdaq vừa có quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2020.

Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua nhiều sóng gió trong những tháng đầu năm 2023. Nửa đầu tháng 3, các chỉ số lao dốc khi ba ngân hàng khu vực của Mỹ là Silvergate, Signature và Silicon Valley Bank (SVB) bị rút tiền ồ ạt và phải đóng cửa, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng theo kiểu năm 2008.

Nhiều khách hàng rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ và chuyển sang các nhà băng lớn hơn như Wells Fargo, Bank of America, JPMorgan Chase, …. First Republic Bank tại New York phải nhờ tới 30 tỷ USD tiền gửi từ các ngân hàng lớn để sống sót.

Chính phủ Mỹ tuyên bố bảo hiểm 100% tiền gửi cho tất cả khách hàng tại SVB và Signature Bank, Fed thành lập một chương trình cho vay khẩn cấp để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng còn lại.

Tại châu Âu, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ là Credit Suisse lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng và buộc phải bán mình cho đối thủ là UBS. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ phải cung cấp thanh khoản hàng trăm tỷ CHF, trong khi chính phủ cam kết bù lỗ tối đa gần 10 tỷ CHF cho UBS. (Một franc Thụy Sỹ CHF có giá trị bằng khoảng 1,1 USD).

Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng có nhiều bất ổn, Fed vẫn quyết tâm nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps) vào ngày 22/3 để tiếp tục chiến dịch chống lạm phát. Trước đó vào ngày 1/2, ngân hàng trung ương Mỹ cũng đã nâng lãi suất thêm 25 bps.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chung-khoan-my-di-len-manh-me-trong-phien-cuoi-tuan-cuoi-thang-cuoi-quy-2023418331158.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/