Chiến sự Nga-Ukraine giúp châu Âu thêm gắn kết, nhưng lại làm lộ rõ sự phụ thuộc vào Mỹ

Châu Âu không có nhiều đạn dược để trao cho Ukraine, và các kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Kiev của EU cũng thường bị trì hoãn bởi quy trình ra quyết định phức tạp.

Từ trái qua: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Financial Times). 

Mỹ nắm vai trò chủ đạo

Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã giúp các nước châu Âu đoàn kết với nhau hơn bao giờ hết. Nhưng mặt khác, việc kiềm chế Moscow lại khiến châu Âu càng thêm phụ thuộc vào Mỹ.

Trong suốt nhiều năm, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã bị chia rẽ bởi họ không thể thống nhất cách tiếp cận đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Pháp và Đức chủ trương gắn kết nhiều hơn với nhà lãnh đạo Nga. Nhưng những quốc gia ở gần Nga hơn thì tin rằng cách duy nhất để ngăn ông Putin nhòm ngó phía đông châu Âu là sự phản kháng kiên quyết.

Sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, sự khác biệt trong suy nghĩ của các nước phương Tây đã dần bị xóa bỏ. Quan điểm chung của các nước dân chủ phương Tây là Ukraine cần được trang bị vũ khí để chống lại nỗ lực mở rộng lãnh thổ của Nga.

Tuy nhiên, bất chấp sự đồng thuận chung, các nước châu Âu lại thấy rằng họ đang hành động theo phương hướng của Washington, phản ứng với các đề xuất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra.

Cuối năm 2022, Tổng thống Biden đã ký ban hành gói chi tiêu ngân sách, trong đó bao gồm gần 45 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine và các đồng minh NATO. Một lần nữa, số tiền này nhấn mạnh vai trò chủ đạo của Mỹ trong việc cung cấp khí tài để giúp đỡ Kiev và ngăn chặn tham vọng của ông Putin.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), gần đây các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cam kết chi thêm hàng tỷ euro để giúp Kiev.

Song, họ vẫn phải chờ các tín hiệu từ Washington để xác định chiến lược chung cho những tháng tới: Ukraine nên được cấp bao nhiêu hỏa lực để giành lại các lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng?

Ngoài ra, lượng vũ khí tối đa mà phương Tây có thể cung cấp là bao nhiêu, để tránh cuộc chiến leo thang đến mức vượt khỏi tầm kiểm soát? Và Ukraine nên cân nhắc những thỏa hiệp nào nếu không thể đánh bật hoàn toàn quân đội Nga khỏi đất nước? 

Bà Rosa Balfour, Giám đốcCarnegie Europe, chỉ ra: “Quá trình phối hợp phản ứng của phương Tây nhằm đối phó với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là rất phức tạp, mọi thứ đang được Washington dẫn dắt. Cuộc xung đột quân sự đã chứng thực rằng an ninh của châu Âu phụ thuộc vào NATO và họ không có lựa chọn nào khác”.

Chiến sự Nga-Ukraine là cú sốc mới nhất của châu Âu trong 15 năm qua, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự kiện Brexit và đại dịch COVID-19. Các nước EU thường xuyên bị chia rẽ sâu sắc trong những giai đoạn khủng hoảng, khiến nhiều nhà quan sát nghi ngờ về sự ổn định của khối – đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro hồi 2010-2012.

Nhưng quyết tâm duy trì mối quan hệ gắn kết của hầu hết các nước châu Âu đã sống sót qua mọi biến động. Trong đại dịch, EU đã vượt qua giai đoạn hỗn loạn ban đầu để tiến hành các kế hoạch kinh tế chung nhằm giúp đỡ các thành viên bị ảnh hưởng nặng nề.

Châu Âu không sẵn đạn dược

Cuộc chiến ở Ukraine nổ ra khi tài nguyên quân sự của châu Âu xuống thấp sau ba thập kỷ cắt giảm kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nguồn lực vũ khí và đạn dược tương đối hạn chế của các nước châu Âu đã khiến Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ quân sự của Mỹ. Thực tế này được phản ánh qua việc Tổng thống Zelensky chọn Washington làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ cuộc tấn công của Nga.

Tờ WSJ cho biết hàng tỷ euro mà EU hứa hẹn sẽ viện trợ cho Ukraine liên tục bị trì hoãn bởi quá trình ra quyết định phức tạp của khối và tranh cãi về cách tài trợ. Điều này khiến Kiev phải phụ thuộc vào Mỹ để tài trợ cho ngân sách dân sự.

Tổng thống Zelensky muốn khôi phục các đường biên giới đã được quốc tế công nhận của Ukraine. Một trong những mối lo lớn nhất của ông sẽ là hỗ trợ của Mỹ sẽ kéo dài trong bao lâu.

Nhiều quan chức Mỹ, cũng như các đồng nghiệp ở Đức và Pháp, ngờ rằng Ukraine sẽ khó mà tiễn được toàn bộ binh đoàn Nga về nước. Nhưng nếu NATO tăng cường hỗ trợ quân sự hơn hẳn, thì điều này lại làm tăng nguy cơ về một cuộc chiến trực tiếp với Nga.

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã khuyến khích Kiev thỏa thuận với Moscow. Ông Kevin Macarthy, sắp tới có thể sẽ là Lãnh đạo Phe đa số ở Hạ viện, cũng bày tỏ sự bất bình của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa về khoản chi tiêu quân sự dành cho Ukraine.

Tổng thống Biden đã xoa dịu Ukraine và các đồng minh ở gần biên giới Nga bằng cách nói rằng ông Putin đã không nghiêm túc thể hiện mong muốn đàm phán hòa bình. Ông Biden đã ban lệnh gửi thêm ngày càng nhiều vũ khí tối tân cho Ukraine, bao gồm hệ thống tên lửa Patriot.

Các đồng minh Đông Âu và Bắc Âu của Mỹ lo rằng sự ngần ngại của chính quyền ông Biden về việc trang bị vũ khí cho Ukraine có thể đẩy Ukraine và toàn bộ lục địa già vào cuộc chiến đẫm máu dai dẳng.

Ông Jan Lipavsky, Ngoại trưởng Czech, nhấn mạnh rằng rằng mục tiêu của các đồng minh phương Tây phải là “khôi phục hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, đồng thời hạn chế khả năng đe dọa các nước láng giềng của Moscow. Ông bày tỏ: “Bất kỳ kết quả nào khác cũng nguy hiểm cho Ukraine và EU”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chien-su-nga-ukraine-giup-chau-au-them-gan-ket-nhung-lai-lam-lo-ro-su-phu-thuoc-vao-my-20221229112158390.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/