Câu hỏi đau đầu về nhãn dán 'Made in China' trên chiếc iPhone

Sự ám ảnh về nơi lắp ráp chiếc iPhone đã khiến không ít người quên mất câu hỏi quan trọng hơn, đó là công ty nào tạo ra giá trị cho sản phẩm danh tiếng của hãng Apple.

1

Ảnh: Bloomberg

Nếu Apple muốn sản xuất iPhone phục vụ cho thị trường Mỹ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc thì cũng không phải quá khó.

Tập đoàn Đài Loan Foxconn Technology Group, nhà lắp ráp chính iPhone, cho biết vào hôm 12/6 rằng họ có đủ khả năng để sản xuất dòng điện thoại thông minh của "táo khuyết" (dành cho người tiêu dùng Mỹ) bên ngoài biên giới Trung Quốc nếu Apple muốn.

Một giám đốc cấp cao của Foxconn cho hay Apple chưa yêu cầu doanh nghiệp Đài Loan phải chuyển sản xuất như vậy.

iPhone với chiếc nhãn dán khó phân xử "Made in China"

Câu hỏi đặt ra cho Foxconn, ban lãnh đạo của Apple và chính quyền Tổng thống Trump cùng tất cả mọi người là: "Sản xuất" (made) thực sự có nghĩa là gì? Đây không phải là một câu hỏi bí mật.

Khi chiến tranh công nghệ và thương mại leo thang, hàng tỉ USD đang "ngàn cân treo sợi tóc" nếu không có câu trả lời chính xác.

Đây là một ví dụ tương tự, có thể giúp bạn tìm ra đáp án cho câu hỏi trên. Đầu bếp A thiết kế công thức bánh sừng bò, cân đo nguyên liệu, trộn bột mì, đường, bơ và trứng; đầu bếp B nhào và cán bột; đầu bếp C tạo nếp cho bánh và cho vào lò nướng ở nhiệt độ phù hợp trong khoảng thời gian chính xác. Vậy, đầu bếp nào đã làm (made) chiếc bánh sừng bò?

Apple luôn khẳng định rằng iPhone là một sản phẩm của Mỹ. Đó không chỉ là ngôn ngữ tiếp thị. Hãng công nghệ này không chỉ thiết kế mẫu iPhone, đội ngũ nhân viên người Mỹ cũng phụ trách tìm nguồn cung ứng linh kiện, đảm bảo chúng hoạt động trơn tru cùng nhau và quyết định bố trí cũng như lắp ráp mạch đi vào bên trong.

"Sản xuất ở Trung Quốc" vs "Thiết kế ở California"

Foxconn là bậc thầy trong lĩnh vực sản xuất - nhào và cán bột. Hay nói cách khác, tập đoàn lắp ráp đến từ Đài Loan phân chia hoạt động sản xuất thành các bước nhỏ, cụ thể và sau đó sao chép qui trình đó 200 triệu lần mỗi năm (tương ứng 200 triệu chiếc iPhone). Foxconn còn thực hiện bước cuối cùng là tạo "nếp" cho chiếc "bánh" iPhone và cho nó vào lò nướng.

Bởi "lò nướng" này ở Trung Quốc, iPhone mới được dán nhãn "Made in China" (sản xuất tại Trung Quốc). Tuy nhiên, Apple đã đúng khi khắc nhãn "Designed in California" (thiết kế tại California) lên mọi chiếc iPhone, vì đây cũng là nơi sản phẩm được sản xuất.

iPhone không chỉ được sản xuất tại Trung Quốc và California mà còn tại Suwon, Hàn Quốc (nơi đặt trụ sở của Samsung Electronics); Eindhoven, Hà Lan (thành phố NXP Semiconductors NV chọn làm trụ sở); Dallas (quê nhà của Texas Instruments); và Hsinchu, Đài Loan (địa điểm "đóng đô" của Taiwan Semiconductor Manufacturing).

Screenshot (365)-crop

Biên lợi nhuận hoạt động (operating margin) của các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng iPhone. Nguồn: Bloomberg.

Biên lợi nhuận hoạt động - đáp án cho câu hỏi đau đầu

Theo Bloomberg, công ty nhận được nhiều danh tiếng nhất nên là công ty tạo nhiều giá trị nhất. Một cách hay để xem xét vấn đề này chính là thông qua biên lợi nhuận hoạt động. Mặc dù đây không phải là phép đánh giá hoàn hảo, nó vẫn khá tối ưu.

Biên lợi nhuận hoạt động chỉ ra khác biệt giữa một doanh nghiệp trả tiền để thu thập linh kiện đầu vào của một sản phẩm (bao gồm nhân viên) và những gì khách hàng sẵn lòng "rút hầu bao" để thanh toán cho số linh kiện đầu vào sau khi doanh nghiệp tạo thêm giá trị riêng vào sản phẩm.

Screenshot (364)

Nguồn: Bloomberg

Theo thước đo này, rõ ràng Apple chính là nhà sản xuất thực sự của iPhone, mặc dù hãng tham gia rất ít vào khâu sản xuất. Dù Foxconn thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng, biên lợi nhuận của họ chỉ bằng một phần mười so với Apple. Lợi nhuận hoạt động của Apple vào năm ngoái là 71 tỉ USD, trong khi Foxconn có một nửa doanh thu đến từ Apple nhưng lợi nhuận hoạt động chỉ 4,5 tỉ USD.

Một chiếc nhãn dán không đáng để quan tâm?

Các giá trị được thêm vào bởi những doanh nghiệp khác, từ miền nam nước Mỹ, Tây Âu đến miền bắc Đài Loan. Doanh nghiệp từ ba khu vực này có biên lợi nhuận thậm chí còn cao hơn Apple. Tuy nhiên, không ai trong số họ giành được nhãn "Made in" bởi còn rất nhiều bước khác tham gia vào qui trình sản xuất iPhone.

Trong số hàng trăm ngàn nhân viên Foxconn ở Trung Quốc, chỉ vài người thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng để sản phẩm nhận được nhãn "Made in China". Và bước cuối cùng này không nhất thiết phải được tiến hành ở Trung Quốc.

Năm 2011, theo lệnh của Apple và để né thuế quan, Foxconn đã thiết lập dây chuyền lắp ráp ở Brazil. Phần lớn công việc thực sự vẫn được làm tại Trung Quốc, trong khi hoạt động sản xuất tại Nam Mỹ lại giống như lắp ráp Lego hơn. Mặc dù vậy, iPhone vẫn được dán nhãn "Made in Brazil".

Vào năm ngoái, với khoảng 40% doanh số của Apple đến từ Mỹ và 217 triệu chiếc iPhone được bán trên toàn cầu, điều này đồng nghĩa với việc khoảng 90 triệu chiếc điện thoại sẽ cần phải sản xuất bên ngoài Trung Quốc để phục vụ thị trường Mỹ mỗi năm. Nói một cách đơn giản, con số này tương đương 250.000 chiếc mỗi ngày.

Tổng thống Donald Trump dường như muốn loại bỏ nhãn hiệu "Made in China" ra khỏi thị trường Mỹ, tuy nhiên điều này là không cần thiết vì đó chỉ là một nhãn hiệu không hơn không kém.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cau-hoi-dau-dau-ve-nhan-dan-made-in-china-tren-chiec-iphone-20190613160235408.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/